Hiện đại hóa công nghệ truyền thống trong các nghề thủ công

Ngày nay, trong phần lớn các nghề thủ công, kỹ thuật sản xuất đã thay đổi nhiều so với truyền thống; một số nghề có điều kiện phát triển mạnh, kỹ thuật sản xuất gần như đã khác hẳn so với công nghệ tr

Nghề gốm ở Bát Tràng xưa kia hoàn toàn vuốt nặn bằng tay, vẽ và tráng men bằng tay, nung trong lò đốt củi; ngày nay chỉ còn rất ít sản phẩm vuốt nặn bằng tay, mà phần lớn dùng kỹ thuật đổ rót hoặc in trên khuôn thạch cao, bắt đầu có thêm kỹ thuật phun men, đất và men được nghiền bằng máy; lò nung thì khác hẳn, từ lò củi chuyển sang đốt than, nay rất nhiều nhà đã sử dụng lò gaz. Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc xưa kia dùng khung cửi dệt tay, một người dệt, một người kéo sợi để cải hoa; ngày nay hoàn toàn dùng máy chạy bằng điện, cải hoa bằng mành đục lỗ theo chương trình có sẵn….

Một số người lo ngại rằng những kỹ thuật cải tiến này sẽ làm mai một dần nghề truyền thống; nhưng quá trình đó đã bắt đầu từ lâu và vẫn diễn ra mỗi ngày một nhiều hơn, mạnh bạo hơn. Trước tiên, nó là động lực bên trong thúc đẩy người thợ với mong muốn tăng nhanh năng suất lao động, thu nhập cao hơn, điều kiện lao động tốt hơn; sau nữa, nó là sự tác động trực tiếp của thời thế, không thể nào tránh khỏi, vừa đặt ra yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm, vừa tạo điều kiện và cung cấp phương tiện để cải tiến kỹ thuật sản xuất.

Sự phát triển nhanh chóng của thị trường xuất khẩu đã đặt ra yêu cầu hoàn toàn mới đối với các nghề thủ công. Trước tiên là đòi hỏi số lượng hàng hoá tăng gấp bội, với thời hạn giao hàng bị khống chế chặt chẽ, yêu cầu tăng nhanh năng suất lao động lúc nào cũng đặt ra rất bức bách. Khách mua hàng lại đến từ nhiều nước, có đặc trưng văn hoá khác nhau, mức sống cao hơn chúng ta nhiều, có lối sống khác, mục đích và thói quen sử dụng đồ đạc cũng khác; điều đó đòi hỏi sản phẩm thủ công phải phong phú, đa dạng hơn nhiều lần, chất lượng phải cao hơn, hình thức đẹp hơn. Sản phẩm thủ công ngày nay lại được sử dụng chung với các sản phẩm công nghiệp, đòi hỏi phải có tính hiện đại, hòa hợp được với phong cách của các sản phẩm công nghiệp.

Nếu sự phát triển của thị trường xuất khẩu đặt ra yêu cầu, thì sự phát triển của công nghiệp và kỹ thuật mới lại tạo ra phương tiện để các nghề thủ công đáp ứng những yêu cầu đó. Đầu tiên, những người thợ thủ công nhận thấy, các công cụ hành nghề được chế tạo theo phương pháp công nghiệp tiện lợi và hiệu quả hơn những công cụ thủ công do họ tự chế, nên họ đã nhanh chóng sử dụng công cụ của công nghiệp vào các nghề thủ công; thông dụng nhất là các loại kìm, cưa, dao, kéo, đục, khoan, mỏ hàn… Gần đây, nhiều nghề đã sử dụng khá phổ biến các loại máy nhỏ trong sản xuất hàng ngày, đặc biệt trong nghề mộc, hầu như đã sử dụng máy trong tất cả các công đoạn của sản xuất. Nhiều người còn dựa theo máy của công nghiệp để tự chế tạo các máy đơn giản dùng động cơ điện, sử dụng rất hiệu quả trong sản xuất, như máy khuấy sơn ta, máy se tơ, dệt lụa… Các nghề thủ công rất chú trọng đến sử dụng máy và các giải pháp kỹ thuật của công nghiệp để xử lý và chế biến nguyên liệu, như máy nghiền đất, nghiền men trong nghề gốm, kỹ thuật thấm các-bon trong nghề mây, tre, lò sấy gỗ... Các chế phẩm của công nghiệp cũng được dùng khá phổ biến, như các loại keo dán, chất phủ bóng bề mặt, sơn màu, các loại nhựa… ở những cơ sở sản xuất lớn, còn học theo cách tổ chức sản xuất của công nghiệp để phân chia quá trình sản xuất thành nhiều công đoạn liên kết với nhau, bố trí lao động chuyên môn hoá cao theo từng phần việc.

Vì thế, bước chân vào làng nghề, chúng ta chỉ có thể thấy được dung mạo của làng nghề đã đổi mới mang sắc thái công nghiệp hơn, chứ không thể thấy được một làng nghề đúng như truyền thống. Nhưng truyền thống là một khái niệm động, nó không cứng nhắc và vĩnh cửu. Với sự sử dụng hợp lý các kỹ thuật mới vào sản xuất, với sự sáng tạo mới của các nghệ nhân, tính truyền thống vẫn được bảo tồn và phát triển; nếu không, tự nó sẽ bị mai một dần trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp. Như vậy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các nghề thủ công không những không làm mất đi truyền thống, mà còn vô cùng cần thiết để bảo tồn và phát triển truyền thống và các nghề thủ công trong thời kỳ CNH, HĐH nữa.

Chỉ tiếc rằng, công việc này mới chỉ diễn ra hoàn toàn tự phát, theo sự nhạy cảm của người thợ thủ công. Thực tế điều đó đã làm cho sản xuất của các nghề thủ công phát triển mạnh hơn nhiều lần, sản lượng lớn, xuất khẩu ngày càng mở rộng, sản phẩm phong phú hơn hẳn, xuất hiện nhiều loại sản phẩm mới, năng suất lao động nâng cao, thu nhập của người thợ thủ công cũng khá hơn, nhiều làng nghề giàu bật hẳn lên. Tuy nhiên, những hậu quả của sự tự phát đó cũng ngày càng bộc lộ rõ rệt và trầm trọng. Trước hết, do không đủ hiểu biết, những người thợ đã không khai thác được hết khả năng của máy móc, thiết bị và các giải pháp kỹ thuật mới; chất lượng sản phẩm ít được cải thiện, không đáp ứng kịp với yêu cầu của thị trường; đặc biệt nghiêm trọng là điều kiện lao động kém an toàn, rất dễ xảy ra tai nạn, ô nhiễm môi trường phổ biến ở tất cả các làng nghề, tất cả các hộ sản xuất. Rõ ràng, nếu cứ tiếp tục duy trì tình trạng tự phát như hiện nay thì không thể nào có thể nói đến vấn đề hiện đại hoá công nghệ truyền thống được.

Thực chất của hiện đại hoá công nghệ truyền thống là áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các nghề thủ công. Đó là công việc hết sức khó khăn, phải tiến hành theo một tiến trình dài trong nhiều năm, có sự chỉ đạo chặt chẽ và thống nhất, đồng thời phải có nguồn lực đủ mạnh để hỗ trợ cho các làng nghề, các cơ sở sản xuất. Nhưng nó sẽ đem lại một kết quả vô cùng to lớn và quan trọng. Trong đó có những việc cần thiết phải làm ngay.

Trước hết là phải tiến hành ngay việc định hướng phát triển cho từng địa phương và cả nước phát triển nghề, sản phẩm thủ công gì trong từng giai đoạn gắn với nhu cầu của thị trường; phát triển mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất theo hướng chuyên môn hoá sâu, xây dựng một hệ thống trung tâm đủ mạnh để tư vấn và hỗ trợ cho sản xuất của các nghề thủ công. Bên cạnh đó, còn phải chú trọng đến các vấn đề về môi trường, về kết hợp với du lịch, về xây dựng nông thôn mới… Để khắc phục tình trạng tự phát hiện nay, làm cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất có hiệu quả, cần thiết có một chương trình đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào các nghề thủ công với những danh mục, cơ quan thực hiện, thời gian thực hiện cụ thể. Trong chương trình đó, có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo. Tăng cường các hoạt động đào tạo ngắn hạn, tư vấn và hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất thủ công trong khuôn khổ hoạt động khuyến công. Trước mắt cần hết sức quan tâm đến đào tạo kiến thức về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công; tổ chức các hoạt động hỗ trợ thiết kế cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hàng thủ công.

Hiện đại hoá công nghệ truyền thống là một công việc rất khó khăn, nhưng nó sẽ đem lại kết quả rất to lớn và quan trọng, không chỉ cho sự phát triển kinh tế đất nước, cho đời sống của hơn 5 triệu thợ thủ công, mà còn thiết thực bảo tồn và phát triển truyền thống, phát triển du lịch, phát triển công nghiệp nông thôn và góp phần vào thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong Dự thảo Chương trình khuyến công Quốc gia 2006-2010 do Bộ Công nghiệp xây dựng, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã có tiểu chương trình này. Đây sẽ là giải pháp thiết thực để thực hiện HĐH công nghệ truyền thống và sản xuất các sản phẩm thủ công.

  • Tags: