Thông tư số 120/2003/TT-BTC là văn bản pháp lý của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định của Chính phủ về Luật thuế giá trị gia tăng. Được biết, trong quá trình biên soạn và in ấn văn bản này, Bộ Tài chính đã có nhiều sai sót khá cơ bản. Chẳng hạn tại điểm 5, mục I, phần B của Thông tư đã ghi: Công ty A ở Việt Nam thuê một công ty ở nước ngoài sửa chữa tàu biển... thì Công ty A phải tính và nộp thuế GTGT 10% trên giá 100 triệu đồng. Nay được Bộ này đính chính lại là “... nộp thuế GTGT 5% trên giá 100 triệu đồng”. Tại điểm 2, mục I, phần D Thông tư số 120/2003 viết: “Trường hợp thuế đầu vào doanh nghiệp tổng hợp từng quí lớn hơn 200 triệu đồng thì doanh nghiệp có thể đề nghị hoàn thuế từng quý”, được đính chính thành “...tổng hợp từng quí từ 200 triệu đồng trở lên”.
Tại mẫu số 13/GTGT đã hướng dẫn “căn cứ điều 16 Luật thuế GTGT; điều 15 Nghị định số 79/2000/NĐ-CP, ngày 29-12-2000, của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT,” đã dẫn không đúng vì thực chất đó là điều 15 của Nghị định số 158/2003/NĐ-CP, ký ngày 10-12-2003, của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT. Và nhiều sai sót khác cũng đã được Bộ Tài chính đính chính.
Trên đây chỉ là một trong nhiều thí dụ về việc ban hành văn bản pháp luật ở nước ta. Hàng năm, chúng ta có rất nhiều văn bản pháp luật chồng chéo, khó thực thi và sai sót nhiều. Được biết, để có thể gia nhập WTO, Việt Nam cần phải sửa đổi, bổ sung hàng chục ngàn văn bản pháp luật và với cung cách làm như trên, e rằng, chúng ta sẽ phải trả giá đắt.