![Tái cơ cấu nông nghiệp](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/23/8/31/tai-co-cau-nong-nghiep-o-cac-huyen-mien-nui_64f061a7d3b24.jpg)
Đặc điểm chung trong sản xuất nông nghiệp của các huyện miền núi Lạng Sơn là trình độ, tập quán canh tác của bà con nông dân còn tương đối thấp, hầu hết chưa theo đúng khung thời vụ dẫn đến năng suất bị ảnh hưởng, đa phần người dân chưa mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh vào sản xuất. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn yếu dẫn tới thực trạng một nền sản xuất giá trị thấp, nhiều rủi ro, thiếu bền vững.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 12/4/2022 UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng; bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, người làm nông nghiệp.
Trong đó, yêu cầu chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của tỉnh, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cho ngành hàng chủ lực của các địa phương. Dựa vào các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực, phát triển hợp tác xã, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị; lấy chuỗi giá trị của các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế chung giữa các địa phương tương đồng về điều kiện, “vượt qua” địa giới hành chính. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị.
Kế hoạch số 82/KH-UBND chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn phối hợp chặt chẽ trong đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo,...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...). Đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô, giới thiệu công nghệ và cách quản lý mới.
Tập trung xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chính trong xây dựng và duy trì hoạt động của chuỗi, đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm. Triển khai, tổ chức thực hiện tốt các quy định về sở hữu trí tuệ, chú trọng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có nhãn mác, giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, chủ động trong khâu tiêu thụ, hạn chế phụ thuộc vào một vài thị trường.
Thực hiện Kế hoạch số 82/KH-UBND, các cấp chính quyền Lạng Sơn đã xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất rau các loại theo chuỗi giá trị tại thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc; mô hình liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm quả na tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng; xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến nhựa thông huyện Đình Lập, Lộc Bình, phát triển các sản phẩm từ cây hồi tại huyện Văn Quan, Bình Gia,....
Đây cũng là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cụ thể, huyện Chi Lăng là nơi sinh sống của các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao. Huyện có các xã vùng II, vùng III dân tộc thiểu số và miền núi, theo Quyết định 861/QĐ-TTg Phê duyệt danh sách danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025: Quan Sơn, Thượng Cường, Chiến Thắng, Bắc Thủy, Bằng Hữu, Vân Thuỷ, Vân An, Lâm Sơn, Liên Sơn, Hữu Kiên.
Tương tự, huyện Hữu Lũng có các xã: Hòa Sơn, Hoà Thắng, Yên Sơn, Thanh Sơn, Yên Bình, Hoà Bình, Quyết Thắng, Thiện Tân, Hữu Liên. Huyện Lộc Bình có các xã: Hữu Lân, Đông Quan, Thống Nhất, Mẫu Sơn, Nam Quan, Lợi Bác, Xuân Dương, Tĩnh Bắc, Tam Gia, Minh Hiệp, Ái Quốc, Sản Viên. Huyện Đình Lập có các xã: Thái Bình, Lâm Ca, Đồng Thắng, Cường Lợi, Châu Sơn, Bắc Lãng, Đình Lập, Bính Xá, Kiên Mộc, Bắc Xa. Huyện Văn Quan có các xã: Bình Phúc, Điềm He, Khánh Khê, Đồng Giáp, An Sơn, Trấn Ninh, Liên Hội, Tú Xuyên, Lương Năng, Tri Lễ, Hữu Lễ, Tràng Các, Hòa Bình, Văn Quan. Huyện Bình Gia có các xã: Minh Khai, Hồng Phong, Hoa Thám, Hưng Đạo, Quý Hoà, Quang Trung, Thiện Thuật, Hoà Bình, Tân Hoà, Thiện Long, Thiện Hòa, Yên Lỗ.
Thông qua các mô hình liên kết, đã thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu, hàng hóa tập trung, có quy mô lớn, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp “hạt nhân” đảm nhiệm các công đoạn mà hộ sản xuất không làm được hoặc làm không hiệu quả, như: Cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đạt chất lượng cao; thu gom, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản; xử lý vệ sinh môi trường; hướng dẫn, phổ biến khoa học, kỹ thuật trong sản xuất…
Đồng thời, Lạng Sơn có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong hỗ trợ nông dân kết nối liên kết với các doanh nghiệp chế biến, phân phối. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư TMQT Mặt trời đỏ (Công ty Redsun), Công ty TNHH Ngũ Phúc Lạng Sơn tổ chức ký kết hợp đồng nguyên tắc về cung ứng nông sản giữa các doanh nghiệp, HTX tỉnh Lạng Sơn. Trên cơ sở đó, hai bên ký kết hợp tác cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm như: rau, củ quả, thịt gia cầm; xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp bền vững.
Một thuận lợi mới mở ra cho Lạng Sơn khi Bộ Công Thương ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viettel Post - Sàn thương mại điện tử Voso, và Sendo xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử, đã có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ những năm vừa qua và thông qua Cổng thông tin chính thức tuhaoviet.vn. Hàng trăm mặt hàng của các tỉnh, thành phố, trong đó có Lạng Sơn được đưa lên “Gian hàng Việt trực tuyến”.
Để “Gian hàng Việt trực tuyến” phát huy hiệu quả, Lạng Sơn cho thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Đến nay Lạng Sơn đã cài đặt được 741.457 tài khoản thanh toán điện tử, tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử. Hơn 70% số hộ gia đình mở cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử, trên hai sàn thương mại điện tử: voso.vn và postmart.vn.
Cũng nhờ “Gian hàng Việt trực tuyến” mà nhiều loại nông sản như na Chi Lăng, hoa hồi Văn Quan, nhựa thông, sa nhân Đình Lập, khoai lang Lộc Bình, quế Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn… được người tiêu dùng cả nước biết đến, nên đã có mặt ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn của các tỉnh, thành phố.