Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, một số ngành như điện, than, thép, dệt may, máy và thiết bị công nghiệp, dầu thực vật, chất tẩy rửa, xi măng ... huy động được năng lực sản xuất cao. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 14,45% so với năm 2001, vượt 0,45% so với kế hoạch, Quốc hội đề ra trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo với tỷ trọng 40% và tăng trưởng 11,7% (DNNNTW tăng 12,6%, DNNN địa phương tăng 9,8%). Khu vực ngoài quốc doanh có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất (19,1%) và chiếm tỷ trọng 24,5%. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt tốc độ tăng trưởng 14,6% và chiếm 35,3% tỷ trọng trong tổng giá trị công nghiệp cả nước. Riêng các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp cũng đạt tốc độ tăng trưởng 12,2%.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong năm 2002, toàn ngành Công nghiệp vẫn để xảy ra 1404 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong đó có 45 vụ TNLĐ chết người, làm chết 64 người, tăng 17 người (34,17%) so với năm 2001 , 309 vụ TNLĐ nặng, làm 314 người bị thương và 1050 vụ TNLĐ nhẹ, làm 1050 người bị thương. Đặc biệt, có những vụ TNLĐ rất nghiêm trọng, làm chết nhiều người như vụ nổ khí mê tan (CH4) ngày 19/12/2002 tại mỏ than Suối Lại thuộc Công ty Than Quảng Ninh và Xí nghiệp 909 Công ty Địa chất và Khai thác khoáng sản thuộc Tổng công ty Than Việt Nam, làm chết 13 người và bị thương 5 người trong cùng khoảng thời gian 1 ngày ở 2 khu vực cách xa nhau... hay vụ tai nạn điện giật làm chết 4 người của chi nhánh lắp máy miền trung Công ty Lắp máy, Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam, khi thi công lắp dựng cột điện tại thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ngày 21/12/2002.
Nguyên nhân dẫn đến TNLĐ có nhiều, song cơ bản có thể tập trung vào một số yếu tố chính sau đây:
- Còn tuỳ tiện trong tổ chức sản xuất, buông lỏng quản lý lao động, quản lý công tác an toàn – vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (AT – VSLĐ - PCCN).
- Việc chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động ở các cấp, các ngành, của người sử dụng lao động và người lao động còn nhiều thiếu sót. Tình trạng vi phạm các qui trình, qui phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật AT – VSLĐ - PCCN còn khá phổ biến.
- Công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm an toàn chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Các biện pháp xử phạt chưa nghiêm.
- Hiểu biết và ý thức trách nhiệm của người lao động còn thấp, công tác huấn luyện định kỳ cho người lao động và cả chủ sử dụng lao động ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa đạt yêu cầu.
- Việc đầu tư cải thiện điều kiện làm việc và thực hiện các biện pháp phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ trong nhiều doanh nghiệp chưa thực sự được quan tâm và coi trọng đúng mức. Thiết bị công nghệ tuy được đầu tư, đổi mới nhưng tỷ lệ còn thấp. Nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng những máy móc thiết bị lạc hậu, thời hạn sử dụng đã hết và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Một vấn đề hết sức đáng lo ngại là qua phân tích các vụ TNLĐ chết người thì có tới 70% nguyên nhân trực tiếp là do người lao động vi phạm qui trình, qui phạm kỹ thuật, mặc dù đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là sự buông lỏng quản lý của hệ thống quản lý, chỉ huy các cấp và sự xử phạt thiếu nghiêm minh. Điều này cũng phản ảnh một thực tế là công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng ngừa TNLĐ cho người lao động còn hạn chế, chưa tạo cho người lao động có ý thức thường trực tự bảo vệ mình khi tiến hành công việc được giao.
Ngành Công nghiệp là ngành kinh tế có số lượng cơ sở và số người lao động đông, sản xuất đa dạng, nhiều ngành nghề đặc thù, phức tạp, nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại. Các doanh nghiệp cũ, mới đan xen trong đó có tới 60% doanh nghiệp có công nghệ thiết bị cũ, năng suất lao động thấp, môi trường lao động xấu, chỉ số ô nhiễm cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố thiết bị, cháy nổ và tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Nhiều ngành có tỷ lệ lao động nữ cao như Dệt – May (75%), Sành sứ thuỷ tinh công nghiệp (45%), Giấy (38%). Do vậy công tác AT – VSLĐ - PCCN trong ngành Công nghiệp cũng rất đa dạng, khó khăn và phức tạp, nhất là trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ như khai thác than hầm lò, vật liệu nổ công nghiệp v.v...
Với những đặc điểm và tình hình TNLĐ có xu hướng gia tăng như trên, lãnh đạo Bộ Công nghiệp cùng với Công đoàn ngành Công nghiệp Việt Nam, ngay từ đầu năm đã chọn năm 2003 là năm an toàn công nghiệp, kết hợp với việc phát động phong trào hưởng ứng tuần lễ quốc gia về AT – VSLĐ - PCCN lần thứ 5.
Mục tiêu chính của công tác AT – VSLĐ - PCCN trong năm ATCN 2003 là: Nâng cao một bước về nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động, chấp hành đúng các qui định pháp luật về BHLĐ, bảo đảm AT – VSLĐ - PCCN; phòng ngừa sự cố máy móc, thiết bị, TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khoẻ người lao động, bảo vệ tài sản nhà nước và tài sản công dân; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra để ngăn chặn và giảm TNLĐ, sự cố thiết bị, cháy nổ, nhất là TNLĐ chết người trong toàn ngành Công nghiệp, tạo một bước chuyển cơ bản cho công tác AT – VSLĐ - PCCN trong năm 2003 và những năm tiếp theo.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đã có chỉ thị số 05/2003/CT-BCN ngày 5/03/2003 về tăng cường công tác AT – VSLĐ - PCCN, trong đó yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ phải quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc 5 vấn đề chính sau đây:
1- Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra việc chấp hành và xử lý các vi phạm qui trình, qui phạm kỹ thuật an toàn, chế độ chính sách BHLĐ của các đơn vị trong toàn ngành Công nghiệp. Từng bước củng cố và nâng cao vai trò trách nhiệm, hiệu quả làm việc của bộ máy làm công tác AT – VSLĐ - PCCN từ cấp cơ sở cho tới Tổng công ty.
2- Tổ chức rà soát lại hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực AT – VSLĐ - PCCN thuộc ngành Công nghiệp; đề xuất kiến nghị, bổ sung sửa đổi hoặc ban hành mới các qui trình, qui phạm còn thiếu hoặc không còn phù hợp với thực tế.
3- Tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ một cách toàn diện tình trạng an toàn của dây chuyền công nghệ máy, thiết bị đang vận hành và có biện pháp khắc phục những khiếm khuyết chưa đảm bảo an toàn. Kiên quyết đình chỉ sản xuất đối với dây chuyền công nghệ, máy, thiết bị không đủ điều kiện an toàn. Các đơn vị cần có chương trình, kế hoạch đầu tư, đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, bảo đảm an toàn.
4- Tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện về AT – VSLĐ - PCCN cho người sử dụng lao động và người lao động để bản thân người lao động phải có ý thức, trách nhiệm về an toàn đối với cá nhân mình và những người lao động xung quanh. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quản lý vệ sinh lao động, quản lý sức khoẻ người lao động và bệnh nghề nghiệp.
5- Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về AT – VSLĐ - PCCN của các sở Công nghiệp tại các địa phương trong các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất theo phân cấp của Bộ Công nghiệp. Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực cung ứng, sử dụng điện, hành lang an toàn lưới điện, an toàn điện hạ áp nông thôn, sử dụng điện để bẫy chuột, chống trộm, an toàn trong khai thác khoáng sản, sử dụng và bảo quản vật liệu nổ công nghiệp ...
Ngoài ra, trong từng lĩnh vực trọng điểm, đều có những yêu cầu, biện pháp cụ thể về công tác an toàn như trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác than hầm lò phải trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện phát hiện khí nổ, khí độc, thiết bị thông gió, thiết bị cấp cứu mỏ, phương án cứu hộ và tổ chức cứu hộ. Trong lĩnh vực phòng chống cháy nổ, ngoài trang bị đầy đủ các thiết bị phòng chống cháy theo qui định, phải có phương án cứu hộ, thoát hiểm cho người lao động khi có cháy xảy ra, nhất là đối với cơ sở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như Dệt may, Da-giầy, Thuốc lá v.v...
Với những giải pháp trên, nếu được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, chắc chắn công tác AT – VSLĐ - PCCN sẽ có nhiều chuyển biến và hạn chế được các TNLĐ thường xảy ra. Vấn đề cơ bản đặt ra là làm sao để những giải pháp, chỉ thị đó phải thực sự là mối quan tâm, lo lắng, vừa là nhu cầu tự nhiên, vừa là yêu cầu bắt buộc và được người lao động, người sử dụng lao động thực hiện một cách tự giác với ý thức trách nhiệm cao nhất, bên cạnh những quan tâm lo lắng thường trực trong việc tìm kiếm việc làm, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo thu nhập cho người lao động... Đây chính là yêu cầu và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo chính quyền, đoàn thể từ tổ đội sản xuất tới lãnh đạo Công ty, Tổng Công ty. Có vậy công tác AT – VSLĐ - PCCN mới thực sự mang lại hiệu quả.