Tại sao lại đưa hàng Việt về nông thôn?

Hỏi: Tôi đã biết chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn. Xin quý báo cho biết về vai trò, ý nghĩa của chương trình đối với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Hải Lan - Hà Nội)

Đáp: Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động chủ yếu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Không chỉ là cầu nối, mà chương trình còn tạo hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và phía người tiêu dùng. 

Thực tế, thông qua Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn giúp chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người Việt Nam, nhất là khu vực nông thôn để điều chỉnh sản xuất, tổ chức kênh phân phối phù hợp, nâng cao thị phần tại thị trường. Còn về phía người tiêu dùng nông thôn, có điều kiện được tiếp xúc với nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều mặt hàng tiêu dùng phong phú của các doanh nghiệp Việt Nam, từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm đến hàng gia dụng, điện tử, nội thất gia đình... Họ có thể thật sự yên tâm vào các sản phẩm mà doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu với giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm.

Hiệu quả từ chương trình là không thể phủ nhận, tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, những chuyến hàng Việt Nam về nông thôn hiện nay vẫn mang tính chất mùa vụ. Mặt khác, các chuyến hàng khi về đến các xã đều diễn ra trong một thời gian ngắn và không cố định. Không ít địa phương coi việc doanh nghiệp tổ chức những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn là một loại hình hội chợ, cho nên chương trình mạnh ai nấy làm, không có chiều sâu. Mặt khác, các điểm bán hàng lưu động, hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa ổn định, cho nên chưa thật sự thu hút được người mua. Chưa kể, tại các chợ địa phương vẫn còn các đại lý trên địa bàn bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn, thậm chí còn có cả hàng Trung Quốc làm giả, làm nhái các thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước...

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tăng hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng, doanh nghiệp rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các doanh nghiệp giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội...

Nam Việt