Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công tác truyền thông nói chung và công tác truyền thông về khoa học và công nghệ (KHCN) nói riêng cũng phải có những thay đổi để tận dụng và phát huy những thế mạnh về công nghệ, nhằm tạo ra sức lan tỏa sâu rộng, tạo đột phá trong truyền thông và phổ biến kiến thức KHCN.
PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA cho hay, truyền thông và phổ biến kiến thức KHCN là nhiệm vụ quan trọng và cũng là thế mạnh của VUSTA và các hội thành viên, nơi tập hợp đội ngũ trí thức KHCN, các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong việc truyền bá kiến thức cho cộng đồng, người dân và xã hội.
Trong bối cảnh mới hiện nay, VUSTA và các hội thành viên cần xây dựng chiến lược, kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến kiến thức của hệ thống, liên kết chặt chẽ các tổ chức thành viên, huy động nguồn lực, tăng cường vận động chính sách nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả của công tác truyền thông, phổ biến kiến thức KHCN đối với toàn hệ thống.
Đồng thời cần tranh thủ và áp dụng tối đa sức mạnh của công nghệ 4.0, sức cống hiến của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức trong tuyên truyền, sáng tạo khoa học kỹ thuật, tạo các sân chơi hun đúc tinh thần yêu khoa học và phát triển nền KHCN nước nhà.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, VUSTA và các thành viên cần tìm tòi, đổi mới sáng tạo hoạt động truyền thông sao cho hiệu quả, thiết thực hơn, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong kỷ nguyên số hiện nay. Đơn cử như, ngoài hội nghị, hội thảo, tập huấn, VUSTA có thể tổ chức hội thi về công tác truyền thông, phổ biến kiến thức.
Bên cạnh đó, có thể liên kết một số hội ngành có tính chất tương đồng, để phối hợp tổ chức công tác truyền thông và phổ biến kiến thức KHCN, tránh tình trạng hội nào biết hội đấy, ít có mối liên kết, chia sẻ thông tin và truyền thông.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức (VUSTA), trong thời gian qua, hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức đã có nhiều bước tiến và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Trong 5 năm qua, VUSTA và các tổ chức thành viên đã tổ chức khoảng 40.000 hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho khoảng 13 triệu lượt người tham gia ở khắp các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền trên cả nước.
Thông qua các chương trình này, các nhà khoa học thuộc VUSTA đã bền bỉ, thường xuyên, liên tục cung cấp, phổ biến các kiến thức khoa học, kỹ thuật của nhiều ngành nghề, lĩnh vực cho người dân góp phần cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó, VUSTA và các tổ chức thành viên triển khai các mô hình truyền thông và phổ biến kiến thức thông qua các tổ chức cộng đồng mang lại hiệu quả cao như: Mô hình tuyên truyền và phố biến kiến thức dựa vào cộng đồng-Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS; mô hình “Sách hóa nông thôn Việt Nam”…
Ngoài ra, với hệ thống báo chí, xuất bản chuyên ngành, đa dạng, các hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức KHCN của VUSTA đã diễn ra thường xuyên, liên tục, ở khắp các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội, góp phần chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho người dân, chăm lo sức khỏe cộng đồng, nâng cao dân trí…
Trong thời gian tới, VUSTA tiếp tục thực hiện ổn định và phát triển các cơ quan báo chí sau quy hoạch, tạo các giải pháp đồng bộ về tăng cường hoạt động và quản lý, hỗ trợ để các cơ quan báo, tạp chí phát triển đúng hướng, kết nối và tạo nên sức mạnh tổng hợp của một tổ chức khoa học của đội ngũ trí thức trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân. Phát triển mạnh mẽ loại hình trang tin điện tử và sử dụng mạng xã hội để tăng tính tương tác nhanh chóng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến phổ biến cho người dân.
Đồng thời thực hiện đổi mới nội dung và hình thức truyền thông và phổ biến kiến thức theo hướng đa dạng, gần gũi, tạo điển hình và nhân rộng dưới dạng các phong trào trong nhân dân…