Con hồ đã đi vào thơ ca dân gian: Khen ai khéo vẽ dư đồ/ Trước sông Nhị thuỷ, sau hồ Hoàn Gươm. Khen ai khéo vẽ dư đồ/ Giữa nơi thành thị có hồ xanh trong. Trong con mắt một nhà văn Ba Lan đã ví “hồ Gươm là viên ngọc bích ê-mơ-nốt.” Nếu bạn có dịp đi trên các chuyến bay, bạn sẽ thấy hồ Gươm đúng là viên ngọc bích. Mỗi khi máy bay nghiêng cánh chào Thủ đô, nơi đầu cánh máy bay lấp lánh viên ngọc xanh, một màu xanh của ước mơ vô tận. Với nhà thơ Rôđryghết (Cu Ba) thì ví con hồ là “lẵng hoa trong lòng thành phố.” Thế mới biết tầm nhìn thấu tới mai sau hằng ngàn năm của vua Lý Công Uẩn khi chọn Đại La (Hà Nội) làm nơi đóng đô của nước Việt: “Là nơi trung tâm bờ cõi đất nước, được thế rồng cuộn hổ ngồi; vị trí ở giữ bốn phương đông, tây, nam, bắc; tiện hình thế núi sông sau trước… thật là nơi hội tụ bốn phương, là thành bậc nhất của đế vương muôn đời…” (Chiếu dời đô).
Nét xuân đầu tiên ấy là tốp thợ của Công ty chiếu sáng Thủ đô đang kéo dây mắc đèn màu trên dọc các tuyến phố chạy quanh Hồ. Ngoài Tháp rùa đã có mấy thợ điện đang hiệu chỉnh góc chiếu các ngọn đèn màu hướng lên đỉnh Tháp. Dọc các tuyến phố quanh hồ đã bày bán lịch blôc, lịch phong cảnh treo tường, lịch người đẹp với những đường nét thân thể tuổi xuân nõn nà, thách đố. Đã có những cửa hàng trang trí đèn màu và thú chơi xuân sớm, họ rước về đặt giữa cửa hàng cây đào thế, hoặc là cây quất cảnh sai trĩu quả vàng. Trong dòng xe cộ đi lại như mắc cửi trên các tuyến phố đổ về bờ Hồ, lác đác có người đèo sau xe cây quất cảnh, một nhành hồng đào, hay một chậu cúc đoá chúm chím nụ. Những người chơi hồ cuối năm, có khác hơn ngày thường là trên tay họ đang cầm những tờ báo Xuân với trang bìa in lộng lẫy màu sắc cành đào Nhật Tân hay cành mai vàng Nam Bộ. Trên một vài ghế đá ven Hồ, mấy cụ già “nghiền báo” đang chăm chú mở tờ báo Tết có trang bìa in tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột”. Tôi liếc mắt thấy bài của KTS Đoàn Đức Thành “ Hồ Gươm sẽ có bức tường chắn khổng lồ, xấu xí? ”đóng góp một tiếng nói chân thành của một kiến trúc sư nặng lòng với hồ Gươm về Dự án Trung tâm Tài chính và Thương mại EVN sẽ xây dựng tại 69 Đinh Tiên Hoàng trong nay mai.
Bờ Hồ bây giờ bói cũng không ra những anh quay kem cối, những chị bán kem dạo, những anh cất vó cá, những lũ trẻ câu tôm, trèo sấu quanh Hồ. Và bờ Hồ đã mất hẳn cái cảnh chen lấn nhau để mua cho được gói quà Tết, góc này túm tụm phe tem phiếu, góc kia vật vờ kẻ cắp móc túi, góc nọ túm tụm sóc đĩa ăn tiền, và không ít trẻ con, người tàn tật lê gót hành khất trong điệu hát rong thê lương…
Bờ Hồ nay đã đổi khác, văn minh sạch sẽ lên gấp nhiều lần. Quanh Hồ đã có nhiều hơn các trung tâm sinh lợi lớn như siêu thị mua sắm, ngân hàng thương mại…Nhưng cái ấn tượng về văn minh thời hội nhập, trước hết là 3 WC được làm bằng INOX trang trí sáng bóng, mỗi ngày được xe công ty vệ sinh đến hút một lần. Cái WC trước cửa Trụ sở UBND Tp. Hà Nội đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước đã gây dị ứng cho người dân Thủ đô, làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí, trong đó có cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện với bài báo tâm huyết Bờ Hồ năm 2000 đặt ra vấn đề bảo vệ cảnh quan Hồ Gươm. Người ta đã đập bỏ cái WC dị ứng ấy từ hơn chục năm nay để lắp đặt WC mới theo công nghệ tiên tiến, hiện đại: “Không có mùi!” Có lẽ là WC văn minh nhất trong hệ thống WC công cộng ở nước ta. Phía huớng Hồ, du khách được phục vụ chu đáo bởi những nụ cười của các nữ công nhân vệ sinh. Kẻ chơi Hồ dù là Tây hay ta, già hay trẻ, nếu “bí”đã có chỗ giải “sầu” trong cái WC ấy, chỉ toàn mùi thơm, sạch bóng, cảm giác “sướng” mỗi lần đi ra hồ chơi. Cũng trong WC đa năng ấy, nửa hướng ra phía mặt đường lại là quầy bán giải khát và đồ lưu niệm, rất đông du khách vẫn “vô tư” và chăm chú chọn mua đồ souvenirs. Còn ngăn bên trong là buồng điều hành công việc của những nhân viên quản lý Hồ. Một WC như thế chỉ có được với con Hồ khi Hà Nội đã bước sang thiên niên kỷ mới.
Tôi rảo bước quanh Hồ một vòng đếm được 3.500 bước chân, ứng với chu vi con hồ 1.750 mét, đó là theo cách nhẩm tính của tôi. Hồ Gươm có biết bao loài cây cùng nhau làm nên vẻ đẹp của con hồ? Việc đếm cây, chăm cây, đã có các nhân viên Công ty cây xanh. Còn tôi, tôi cố tìm lại bóng dáng cây xưa như: cây lộc vừng, cây gaọ, cây liễu, cây dứa dại, được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả trong bài tuỳ bút Con hồ Thủ đô in trên Báo Tổ Quốc (tháng 10/1957) đã tròn nửa thế kỷ trôi qua, nay có còn không? Cây lộc vừng chín nhánh, cây gạo già, hàng sấu, rặng liễu, vẫn đứng đó trong dáng làm duyên rủ bóng xuống mặt Hồ. Duy ở chân Tháp bút đài nghiên đền Ngọc Sơn, trên tàu lá của những cây dứa dại có xăm hình những quả tim của các cặp tình nhân có đôi mắt phượng buồn ngủ, thì nay không còn nữa. Và sao những cây này đi vào trang văn của cụ Nguyễn Tuân vừa kiêu sa vừa bi hùng đến vậy? Tôi thích nhất tình cảm của Nguyễn Tuân dành cho cây lộc vừng, ông viết: “Tôi vẫn nhớ những cánh hoa lộc vừng đỏ thắm rơi trên hồ Gươm sau cái đêm NƠP – MáC (9/3/1945) Nhật hạ Pháp. Hồ Gươm nước vốn xanh màu rau muống luộc nhừ, sớm hôm ấy có một dòng hoa lộc vừng đỏ như một dòng son mài đặc.”
Cây ven Hồ những ngày giáp Tết vẫn co mình trong cái rét thấu xương, chuyển mùa. Nhưng bên trong của các thân cây là nguồn nhựa sống đang chuyển động, để đến sang xuân, đúng vào dịp tháng hai, trên các cành cây đồng loạt nẩy lộc trắng nõn như như muôn vạn ngọn nến cùng thắp sáng, làm cho bờ Hồ như có vẻ sáng hơn các ngày trong năm. Trong hàng chục loại cây đứng bên Hồ, tôi bất chợt nhận ra: Chỉ có cây đa ngả ở mép hồ phía đông là ra lộc sớm hơn tất cả các loài cây ở đây.
Cũng trong loài đa, nhưng những cây đa đứng ở công viên Lý Thái Tổ, ở đền Bà Kiệu, ở quán “cà phê bốn mùa”, trong khuôn viên cây xanh quanh Hồ thì vẫn chưa hề nhú lấy một chút lộc non. Bác “phó nháy” đeo lủng lẳng chiếc máy ảnh trước bụng vui vẻ giải thích rằng, bác làm nghề chụp ảnh lưu niệm ven Hồ đã lâu, năm nào cũng vậy, cây đa nằm bao giờ cũng ra lộc trước tết, mà lại ra đồng loạt mới là điều lạ trong loài đa. Bờ Hồ có ba cây đa ngả (đặt tên theo thế của cây) cùng thuộc loài đa có tên khoa học Ficuscelatica. Ba cây này đều nằm sát mép Hồ thuộc phía đông, dọc đường Đinh Tiên Hoàng. Một cây ở cửa Bưu điện trông ra, một cây đối diện với Công viên Lý Thái Tổ, còn một cây nằm chếch cổng UBND Tp. Hà Nội. Có lẽ từ lâu lắm, ba cây đa đứng ở mép nước này đã chịu cho lũ trẻ trèo nghịch xích đu với mặt nước Hồ nên cây cứ ngả dần sát mặt hồ, cộng với đức tính giống đa thích vươn ra ánh sáng và có nguồn nước để cắm rễ. Cứ thế, cây đa lớn lên và tự tạo cho mình một thế sống riêng trong cái quần thể cây xanh ven Hồ. Thân đa nhẵn thín bởi lũ trẻ đã vô tư mài đít quần leo trèo trên đó từ lúc có tuổi cây. Lộc đa ngả có cái nét đẹp riêng của nó. Lúc đầu là một cái mầm lá nhú ra đã có màu xanh nõn như mầm của hạt đậu xanh vừa nhoi lên mặt đất. Vào đầu tháng Chạp, đa ngả đã trút gần hết các lá già xuống mặt hồ, chỉ sau cái thời điển thay lá ấy độ một tuần, trên đầu cành của đa ngả, không ai đếm xuể muôn vàn mầm ở thời kỳ rộ đều, xanh non, mềm như tay con trẻ lên ba. Trong cái non tơ của lộc đa ẩn chứa một sức sống mãnh liệt của sự truyền nối, của ẩn ý câu thơ Hồ Chí Minh “ Trẻ con như búp trên cành”.
Ông bạn tôi là một giáo sư sinh học. Ông chuyên tâm nghiên cứu về loài tảo và loài rùa hồ Gươm. Đôi khi vui bên cốc bia, chén trà, chúng tôi thường gọi ông là “Giáo sư rùa”. Chẳng hiểu sao mấy năm nay ông chú trọng sang cả phần văn hoá tâm linh. Theo như ông giải thích, đụng tới hồ Gươm mà không chú ý tới tâm linh là “ mang hoạ vào thân”. Một người bạn của vị giáo sư chuyên làm công tác xem xét các dự án đầu tư của Hà Nội đã bộc bạch: Đất hồ Gươm bây giờ là vàng! Hồ Gươm đã được kè đá cẩn thận, không bị lấn chiếm mặt nước theo kiểu “xẻ thịt” hồ Tây và các con hồ khác của Hà Nội. Nhưng đất quanh hồ không đẻ ra mà lại đẻ ra quá nhiều các loại “gà mái ghẹ” khoác trên mình bộ áo cánh dự án nọ, dự án kia, nhăm nhe nhòm ngó vào đất này để đẻ trứng vàng. Trong trào lưu ấy, Dự án Trung tâm Tài chính Thương mại EVN ở 69 Đinh Tiên Hoàng được xây trên khu đất 14.722 mét vuông, án ngữ toàn bộ ba phố lớn Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Lý Thái Tổ. Mặt đứng toà nhà nhìn ra hồ Gươm là khối kiến trúc dầy đặc, mặt ngoài cao 5 tầng (21 mét), mặt trong giáp phố Lý Thái Tổ cao 14 tầng (54 mét), dưới lòng đất sẽ khoét sâu xuống để làm 5 tầng hầm.
Được tin này, người Hà Nội đã diễn đàn rầm rộ trên báo chí, trở thành vấn đề bức xúc, hy vọng những người có trách nhiệm phải cẩn trọng, đừng để hồ Gươm mất mát quá nhiều. Chỉ cần ngắm Toà nhà Bưu điện, Trụ sở UBND Tp. Hà Nội, Nhà hàm răng cá mập (Hồ Gươm PLAZA) đã phá vỡ cận cảnh phía đông con Hồ. Vui miệng tôi hỏi mấy cụ già chơi Hồ “Thưa các cụ, các cụ có nhận xét gì về kiến trúc Trụ sở UBND Thành phố chúng ta? ” Các cụ dửng dưng trả lời rằng: “nó giống cái máy chém”. Tôi hỏi tiếp: “Toà nhà Vietcombank và Toà nhà Tungshing Square thế nào ạ? ”. Mấy cụ buông một câu nhẹ tênh: “giống như cái cọc”. Kiến trúc sư Đoàn Đức Thành gọi đó là những cái cọc khổng lồ đóng thẳng vào lòng phố cổ Hà Nội.
Dẫu sao hai toà nhà này còn nằm cách xa bờ Hồ, chứ còn toà nhà Trung tâm Tài chính Thương mại EVN thì nằm ngay sát Hồ. Lại trở lại chủ đề tâm linh của vị “Giáo sư rùa”, nếu đào sâu vào lòng đất những 5 tầng hầm thì liệu ai dám chắc bảo toàn được long mạch hồ Gươm? Đó là chưa đề cập tới khả năng làm thẩm thấu nước Hồ là hoàn toàn có thể. Tôi cũng như vị “Giáo sư rùa” tạm tin lời một quan chức thành phố phát ngôn trước báo chí là “dân không đồng ý thì chúng tôi không làm nữa”. Thì cứ cho là tết Mậu Tý 2008 này đến năm 2010 chỉ còn 2 năm nữa, câu chuyện Dự án Trung tâm Tài chính Thương mại EVN không xẩy ra. Nhưng sau lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cuộc vui đã tàn, với lối “tư duy nhiệm kỳ” thì ai mà biết trước điều đó lại không xẩy ra?
Bờ Hồ đã bắt đầu lên đèn. Trên các tuyến phố, xe máy mườm nượp nối đuôi nhau chạy theo đường một chiều, vội vã, giống như dòng sông xe máy. Mặt người hớn hở đổ về các ngả, chở theo những niềm vui cuộc sống hoà bình. Tôi nhẩm tính chỉ còn đúng một tuần nữa là Tết. Năm nay tôi sẽ lại ra bờ hồ Gươm để đón xuân và xem bắn pháo hoa. Tôi cảm nhận rất rõ khi đồng hồ Bưu điện Thành phố nhích sang thời khắc đầu tiên của năm mới, cũng là lúc chuông Nhà thờ Chung rung lên đồng loạt với những quả pháo hoa nổ bung hoa lửa đủ màu sắc rực rỡ trên mặt hồ. Những làn khói pháo xanh biếc vắt trên các ngọn cây, trông như dải khăn voan vắt hờ bờ vai các thiếu nữ du xuân. Bờ Hồ sáng hơn, ấm hơn, nhiều nụ cười hơn, và con người thân thiện với nhau hơn để tin một năm mới an lành. Đầu óc hay tưởng tượng của tôi lại thấy luyến tiếc nếu như phía đông con hồ, cái toà nhà Tài chính Thương mại EVN mà dựng lên, thì những đêm giao thừa ngắm pháo hoa chẳng khác gì đứng dưới sân vận động mà ngửa mặt lên khán đài vậy?