Vì công việc, tôi hay gặp anh V, chuyên viên của bộ T. Tôi biết anh từ lần họp báo tháng 4/2007 công bố Nghị định 55/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Có một lần, đâu vào khoảng cuối năm 2013 gì đó, tôi hỏi anh, vì sao dư luận “kêu” chuyện điều hành xăng dầu đến vậy?
Tôi hỏi thế vì anh là một trong số các chuyên viên được mời lấy ý kiến xây dựng Nghị định 55, 84, 83 là 3 văn bản về điều hành kinh doanh xăng dầu. Anh cười hiền, “triết lý”: Con người ta cứ đòi cái hoàn hảo mà trên thực tế không bao giờ có. Tôi phải gặng mấy lần anh mới trả lời trực tiếp vào câu hỏi.
84 (Nghị định 84/2009/NĐ-CP) là bước đột phá lớn - anh giơ tay khoát một đường lên quá đầu theo thói quen khi nói đến những chuyện mà anh bảo là “có sức dẫn dắt nền kinh tế”.
Sức công phá mãnh liệt nhất là lần đầu tiên “nó” tạo lập nền tảng cạnh tranh trên thị trường xăng dầu thông qua mở rộng quyền kinh doanh ra các thành phần kinh tế, mà trước đó Nghị định 55/2007/NĐ-CP chỉ cho phép doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, 84 thể chế hóa một cách căn bản việc điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước bằng cách vạch ra lằn ranh giới trong điều kiện giá thế giới bình thường (thương nhân điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự đã được quy định) và trong điều kiện giá thế giới tăng cao (Nhà nước thực hiện quyền định giá)
Ba là, nếu Nghị định 55/2007/NĐ-CP sử dụng các công cụ hành chính, thì 84 đưa ra các công cụ kinh tế trong điều hành kinh doanh xăng dầu như Quỹ bình ổn giá, Giá cơ sở, Công thức tính giá cơ sở...
Ba điểm đột phá trên đã tạo ra kết quả hết sức khả quan từ khi thực hiện 84 là doanh nghiệp thuộc các thành phần được quyền kinh doanh đã cơ bản đáp ứng được nguồn cung trong mọi tình huống, không phải lo thiếu hụt nguồn như những năm 2004-2005 hoặc như năm 2007. Tiếp đến, 3 năm trước khi thực hiện 84, mỗi năm nhà nước bù lỗ trên dưới 10 ngàn tỷ đồng, riêng năm 2008, bù lỗ 12 ngàn tỷ đồng, nay NSNN không phải bao cấp khoản này. Cuối cùng, đã bước đầu minh bạch hóa giá bán với Giá cơ sở và Công thức tính giá cơ sở.
Cái mới của Nghị định 83
Ngày 3/9/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 83/2014/NĐ-CP thay thế Nghị định 84, mấy hôm sau tôi tìm gặp anh V. Tôi hỏi ngay, hồi trước anh nói 84 có sức công phá rất lớn... Hiểu ý tôi, anh bảo, bây giờ vẫn có thể coi Nghị định 84 đã đặt nền tảng căn bản cho điều hành kinh doanh xăng dầu ở nước ta.
Nghị định 83 mới ban hành là bước hoàn thiện để việc điều hành xăng dầu tiệm cận gần hơn với thị trường. Nhưng nguyên tắc căn bản đặt ra từ Nghị định 84 là điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước thì không thay đổi, được Nghị định 83 tiếp nối. Hơn thế nữa, 84 đã rất thành công với việc xác lập rõ ràng trong điều kiện nào thì điều hành theo “cơ chế thị trường”, trong điều kiện nào thì điều hành bằng “sự quản lý của nhà nước”.
Cái mới của 83 là khuyến khích tạo cơ sở vật chất của các đầu mối kinh doanh xăng dầu. Khoản 3, Điều 7 của Nghị định 84 cho phép thương nhân được thuê cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận tải của nhau. Nghị định 83 đã khắc phục bằng cách đưa ra lộ trình thương nhân phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với vốn góp tối thiểu 51% đối với hệ thống kho trong 3 năm; và 2 năm đối với phương tiện vận tải.
Tôi thắc mắc, tại sao không cho phép thương nhân thuê mà phải bắt sở hữu, trong khi ta đang khuyến khích phát triển thị trường thuê máy móc thiết bị? Anh giải thích, nếu cho phép thuê, các thương nhân mới tham gia thị trường sẽ thuê kho, cầu cảng của thương nhân đã gia nhập. Mà thuê là bị phụ thuộc, họ ho anh cũng phải ho, nên sẽ giảm tính cạnh tranh.
Cái mà người dân dễ thấy nhất là Nghị định mới đã điều chỉnh biên độ giá. Theo Nghị định 84, nếu giá cơ sở tăng 7% trở xuống thì doanh nghiệp được điều chỉnh giá tương ứng. Như hiện nay, giá xăng trên 24.000 đồng/lít, nếu áp dụng biên độ như Nghị định 84 thì mỗi lần tăng khoảng trên 1.600 đồng/lít, mức tăng nhiều như vậy sẽ gây “sốc” cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Để khắc phục vấn đề trên, Nghị định mới thay đổi biên độ 3% trở xuống thì doanh nghiệp được điều chỉnh giá. Mức tăng 3% tương ứng 700 - 750 đồng/lít mỗi lần điều chỉnh, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng tiêu dùng của người dân hơn.
![](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/Uploaded/Share/2014/09/25/xang-dau-1.jpg)
Điểm cuối cùng, Nghị định 83 quy định Bộ Công Thương, Bộ Tài chính công khai minh bạch giá xăng dầu. Trên thực tế, từ tháng 6/2014 Bộ Công Thương đã ra mắt chuyên trang công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu tại địa chỉ: http://minhbach.vecita.gov.vn với các văn bản pháp luật liên quan đến việc điều hành giá, điều hành hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu; các thông tin, số liệu liên quan đến giá điện, giá xăng dầu như giá bán lẻ, giá cơ sở, giá thế giới, các yếu tố, chi phí hình thành giá...
Mô hình giả định
Cuối cùng tôi chốt lại: Theo như anh nói, 84 thiết lập được nền tảng điều hành kinh doanh xăng dầu, 83 hoàn thiện hơn một bước, giúp điều hành xăng dầu tiệm cận thị trường, vậy rốt cuộc còn chuyện người dân “kêu” giá thế giới xuống mà trong nước mãi không xuống không? Anh bảo, anh lập mô hình giả định để xem chuyện “kêu” xuất phát từ đâu.
Mô hình 1: giá xăng trong nước hiện 24.500 đồng/lít. Khi giá thế giới tăng vượt ngưỡng 7%, thì phản ứng đầu tiên là Bộ Tài chính hạ thuế nhập khẩu xăng dầu xuống 0%. Nếu giá thế giới giữ nguyên hoặc tăng, sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá để giá xăng trong nước tiếp tục giữ 24.500 đồng/lít. Sau khi sử dụng hết 2 công cụ này, giá thế giới vẫn giữ nguyên hoặc tăng, liên bộ mới cho phép tăng giá bán trong nước.
Mô hình 2: Giá thế giới xuống, Bộ Tài chính sẽ đưa thuế nhập khẩu từ 0% lên 5%, tiếp đó doanh nghiệp trích nộp vào quỹ bình ổn giá, sau đó giá trong nước mới giảm.
Hai mô hình này giống nhau ở chỗ, khi giá thế giới tăng hay giảm, thì vẫn sử dụng 2 công cụ thuế và quỹ bình ổn, tức là có độ trễ với giá thế giới. Nhưng người tiêu dùng không mấy quan tâm đến độ trễ khi giá thế giới tăng mà thường sốt ruột với độ trễ khi giá thế giới giảm. Nếu người tiêu dùng nhận thức bản chất của 2 công cụ là như nhau, áp dụng khách quan với cả 2 chiều lên - xuống của giá thế giới, họ sẽ bớt “kêu” hơn.
Nghe vậy, tôi không thể không hỏi, thế tại sao ta không lên xuống cùng nhịp với thế giới cho đỡ phức tạp? Anh lắc đầu cười lớn: Xăng dầu là cái thứ khó có thể phó thác hoàn toàn cho bàn tay thị trường nhất, vì những yếu tố đầu cơ, bất ổn chính trị tác động đến việc hình thành giá của nó mạnh hơn nhiều so với mối quan hệ cung - cầu như các loại hàng hóa thông thường khác. Dân ta còn nghèo, doanh nghiệp ta mới tích lũy vốn mấy chục năm, chỉ một cú “sốc” xăng dầu đủ lao đao doanh nghiệp, người dân mấy chục năm.
Thế, mới cần bàn tay nhà nước, cần công cụ điều hành xăng dầu!