Thực trạng nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi của mình
Sau khi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và triển khai tích cực. Đầu năm 2019, Ban Bí Thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị 30-CT/TW của Ban bí thư. Các địa phương trong cả nước cũng đã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc. Thông qua các hoạt động kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng nhái hàng giả và không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…. hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các hoạt động thương mại ngày càng diễn ra sôi động và trên quy mô lớn thì tình trạng vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, thiếu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, bán hàng kém chất lượng, hàng giả… thì một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa nắm hết được quyền lợi và nghĩa vụ, chưa tự chủ động tìm hiểu các quy định để bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của chính người tiêu dùng và khiến tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng xảy ra phức tạp hơn.
Trước thực trạng này, công tác nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng trước các rủi ro bị xâm hại quyền lợi, từ đó nâng cao năng lực tự bảo vệ của người tiêu dùng. Việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật sẽ giúp thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như có những phản ánh liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các cơ quan quản lý nhà nước.
Một số quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng cần nắm vững
Những đối tượng nào chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật bao gồm người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể:
- Người tiêu dùng: Bao gồm tất cả những người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình hay tổ chức. (Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng)
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ: Bao gồm các tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: thương nhân theo quy định của Luật thương mại; và cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. (Khoản 2 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng)
- Cơ quan quản lý nhà nước: Bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm Chính Phủ, Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng), UBND các cấp (Sở Công Thương, UBND cấp huyện), các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong các lĩnh vực như an toàn thực phẩm, y tế, thông tin truyền thông, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, ghi nhãn hàng hóa… (Điều 34 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP).
- Tổ chức, cá nhân có liên quan: Bao gồm các tổ chức xã hội tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam (Điều 2 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
Các quyền cơ bản của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nhằm ghi nhận các quyền của người tiêu dùng theo hướng dẫn của Liên hợp quốc, đồng thời đảm bảo sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định các quyền cơ bản của người tiêu dùng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Cụ thể, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định người tiêu dùng có các quyền sau đây:
- Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
- Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
- Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ
Bên cạnh đó, những quyền lợi dành cho người tiêu dùng cũng đã được thông qua trong những văn bản luật và dưới luật ban hành trước đó. Đơn cử như Điều 60 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 quy định, trong quá trình mua bán khi thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị huỷ hoại; thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người; thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản thì việc bồi thường là bắt buộc.
Cũng theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (Luật số 05/2007/QH12) đã nêu rõ song song với quyền quyết định và công bố mức chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, cung cấp thì việc sản xuất sản phẩm, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; không có nguồn gốc rõ ràng, quảng cáo sai sự thật hay đã hết hạn sử dụng; thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.… đều là hành vi bị cấm.
Nếu so sánh với quy định của Liên Hợp Quốc, quyền của người tiêu dùng trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nước ta đã bao gồm 6 quyền là:
- Quyền được an toàn
- Quyền được thông tin
- Quyền được lựa chọn
- Quyền được lắng nghe
- Quyền được khiếu nại và bồi thường
- Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng
Còn 2 quyền chưa được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là: Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản và Quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững.
Tuy không quy định trong Luật, nhưng những quyền này hiện đã được quy định trong hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác nên không cần thiết phải nhắc lại trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một luật đặc thù, chỉ quy định riêng cho nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Như vậy, nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành của nước ta đã phù hợp với quy định của Liên hợp quốc và các thông lệ quốc tế.
Những nghĩa vụ cơ bản của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo quy định tại Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có những nghĩa vụ như sau:
- Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
- Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định 4 nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sau đây:
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội.
- Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
- Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật.
- Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức cá nhân khác.
Một số quyền lợi người tiêu dùng cần nắm vững
Trong quá trình giao dịch, mua hàng nói chung người tiêu dùng cần nắm vững 3 quyền lợi cơ bản sau:
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng có quyền yêu cầu phía người bán phải bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.