Tăng trưởng kinh tế: Cần triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, giải pháp

Kinh tế Việt Nam cho thấy sự phục hồi và khởi sắc ở nhiều lĩnh vực, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng cũng đang gặp phải những rủi ro, thách thức mới.

Sáng 12/5/2022, nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ những nhận định, dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn “Dự báo Kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Kinh tế phục hồi và khởi sắc ở nhiều ngành, lĩnh vực

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của Việt Nam. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Qua 4 tháng đầu năm, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Đáng chú ý, Chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam quý I/2022 tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so với quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, là mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

ttr.phuong
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát của Việt Nam năm 2021 tăng 1,84%, thấp nhất từ năm 2016 mặc dù lạm phát thế giới tăng cao; những tháng đầu năm nay nền kinh tế tiếp tục khởi sắc, kiểm soát thành công lạm phát.

Chia sẻ đánh giá về kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào cho rằng, Việt Nam đã duy trì thành công sự ổn định về tài khóa, cán cân đối ngoại và ổn định tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô đã giúp giảm bớt tác động của COVID-19, đặc biệt, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế của Chính phủ được thực hiện một cách thích hợp và kịp thời để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng chung.

Một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, dù lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam, nhưng chúng ta cũng nhận thấy môi trường kinh doanh ngày càng xuất hiện những thách thức mới, khó lường. Đại dịch Covid-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn. Kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cao trong khi sức mua bị giảm thấp. Kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và giá kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kinh tế Trung Quốc đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại…

Trong khu vực ASEAN, tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu có dấu hiệu giảm động lực, chỉ số PMI tháng 3/2022 đạt 51,7 điểm, là mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Đặc biệt, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh, đã và đang tạo tác động dây chuyền đến giá cả các hàng hóa, dịch vụ khác.

TS.Nguyễn Bích Lâm cũng nhận định hiện có một số yếu tố gây áp lực lạm phát cho năm 2022 và 2023. Trong đó lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Yếu tố thứ hai là giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, gây áp lực tăng giá sản phẩm đầu ra, đồng nghĩa với áp lực gia tăng lạm phát của nền kinh tế, trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại. 

Yếu tố thứ ba có thể gây áp lực cho lạm phát là tổng cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Theo ông Francois Painchaud, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam diễn ra không đồng đều. Tăng trưởng trong Quý IV/2021 và Quý I/2022 vẫn thấp hơn mức trước đại dịch do cầu trong nước và hoạt động dịch vụ còn yếu, mặc dù đang cải thiện trong thời gian gần đây. Sự tham gia của lực lượng lao động và việc làm đang dần phục hồi sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Trong khi tình trạng thiếu lao động hầu như đã được cải thiện nhiều, thì tình trạng thiếu việc làm vẫn ở mức cao.

imf
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào

Ông Francois Painchaud nhận định, hiện đang có một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam; trong đó rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về tăng trưởng chậm lại trong khi rủi ro về lạm phát nghiêng về gia tăng lạm phát. Bên cạnh đó là các rủi ro khác như việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, diễn biến trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp trong nước…

Cần triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, giải pháp 

Đại diện IMF dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, với tăng trưởng dự kiến là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trong ngắn hạn nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn và những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng còn hiện hữu, ông Francois Painchaud cho rằng cần có hỗ trợ chính sách để giúp đảm bảo phục hồi mạnh mẽ.

Cụ thể trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ chính sách, đặc biệt nếu rủi ro suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực. Trong điều kiện không còn nhiều dư địa để nới lỏng tiền tệ hơn nữa do rủi ro lạm phát gia tăng, hệ thống tài chính cần chấm dứt quy định cho phép cơ cấu nợ những giữ nguyên nhóm nợ và tăng cường giám sát.

Trong trung hạn, cần tập trung huy động thu ngân sách; hiện đại hóa chính sách tiền tệ; tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng; đồng thời cải cách cơ cấu quyết liệt để đạt được mục tiêu về tăng trưởng bền vững, bao trùm. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo một sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận tài chính và đất đai, đồng thời giảm bớt gánh nặng pháp lý, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp mới. Nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng lực lượng lao động...

Phân tích về các yếu tố tác động và dự báo lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2022-2023, TS. Nguyễn Bích Lâm nhận định, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, trong bối cảnh rủi ro làm gia tăng lạm phát trên toàn cầu tăng, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý.

Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung, thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới. Cùng với đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong dài hạn cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất các mặt hàng này, chủ động nguồn nguyên vật liệu, tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

o.lam
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Với phương pháp tiếp cận chủ yếu dựa trên dữ liệu nghiên cứu từ hoạt động của khoảng 1.700 công ty đại chúng với tổng vốn hóa 6,7 triệu tỷ VND và dữ liệu của các công ty chưa đại chúng, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup nhận định, nhiều nhóm ngành đang hồi phục nhưng hầu hết chưa về mức độ tăng trưởng trước khi COVID diễn ra.

Đến thời điểm này, triển vọng tăng trưởng của hầu hết các ngành chính được dự báo tích cực. Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục rất chậm, như hàng không và du lịch quốc tế; xây dựng và vật liệu, cần phải được kích hoạt để hồi phục mạnh hơn nữa, nhằm góp sức tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đã “tạo đáy” và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng.

Đưa ra cái nhìn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho rằng, có nhiều yếu tố, động lực hỗ trợ cho tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Lực dẫn các cơ sở như: dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn trong năm nay; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 với đầu tư công được đẩy mạnh; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định (dù có áp lực tăng); kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh; cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách được thúc đẩy; tác dụng của RCEP bắt đầu có hiệu lực… Các yếu tố này sẽ tạo ra các động lực cho phục hồi tăng trưởng mạnh hơn.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ là cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm giai đoạn 2021-2025. 

ô.hieu
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (bên phải)

Trong bối cảnh mới, để thực hiện thành công Chương trình, ông Phan Đức Hiếu cho rằng phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính.

Thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện nay đã có một số hỗ trợ đã được thực thi, như: giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ ôtô… nhưng cũng còn nhiều hỗ trợ đang trong quá trình thể chế hóa, xây dựng hướng dẫn, chưa được hiện thực hóa, như: hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và thuê đất, danh mục dự án đầu tư hạ tầng… Do đó, việc sớm hoàn thành các hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện hỗ trợ để hiện thực hóa hỗ trợ đến người lao động, doanh nghiệp vừa là yêu cầu nhưng cũng đang là một thách thức. Sự khẩn chương, quyết liệt, tích cực của các cơ quan, tổ chức có liên quan là giải pháp duy nhất.

Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình.

Theo ông Phan Đức Hiếu, để Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. “Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới”, ông Hiếu nhận định.

Việt Hằng