Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế

Các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt cao, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

dau tu cong

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2022 các Bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2022 ước đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%; vốn địa phương quản lý 27,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch năm và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 20% và tăng 18,4%). Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,1% kế hoạch năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 91,2 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% kế hoạch năm và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI đăng ký vào công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 65,1%

Trong khi đó, theo số liệu cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,81 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 454 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,7 tỷ USD, tăng 0,7% về số dự án và giảm 56,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 2,46 tỷ USD, chiếm 66,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 662 triệu USD, chiếm 17,9%; các ngành còn lại đạt 576,6 triệu USD, chiếm 15,6%.

fdi

Trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 35,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 793,6 triệu USD, chiếm 21,5%; Trung Quốc 495,4 triệu USD, chiếm 13,4%; Nhật Bản 256 triệu USD, chiếm 6,9%; Đài Loan 236,1 triệu USD, chiếm 6,4%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 323 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,29 tỷ USD, tăng 92,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,85 tỷ USD, chiếm 65,1% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,77 tỷ USD, chiếm 19,7%; các ngành còn lại đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 15,2%.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.026 lượt với tổng giá trị góp vốn 1,82 tỷ USD, tăng 74,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó có 429 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 899 triệu USD và 597 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 928,4 triệu USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,05 tỷ USD, chiếm 57,4% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 334,7 triệu USD, chiếm 18,3%; ngành còn lại 444,7 triệu USD, chiếm 24,3%.

Vốn FDI thực hiện đạt cao nhất so cùng kỳ 5 năm gần đây

Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước và là giá trị cao nhất của 4 tháng các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,49 tỷ USD, chiếm 75,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 555 triệu USD, chiếm 9,4%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 498,4 triệu USD, chiếm 8,4%.

Cũng theo số liệu cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2022 có 34 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 285,8 triệu USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 41,9 triệu USD, giảm 89,6%.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 327,7 triệu USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 204,4 triệu USD, chiếm 62,4% tổng vốn đầu tư; khai khoáng đạt 33,5 triệu USD, chiếm 10,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 30,8 triệu USD; chiếm 9,4%.

Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Lào là nước dẫn đầu với 64,5 triệu USD, chiếm 19,7% tổng vốn đầu tư; Singapore 35,9 triệu USD, chiếm 11%; Hoa Kỳ 35,8 triệu USD, chiếm 10,9%; Đức, Hà Lan, Pháp cùng đạt 34,7 triệu USD, cùng chiếm 10,6%.

Việt Hằng