Trải qua 25 năm thực hiện Chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thu nhập cho hơn 35 vạn hộ nông dân, chủ động được nguồn cung trong nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết. trong quá trình phát triển của ngành mía đường, Chính phủ luôn quan tâm tới công tác quy hoạch, đầu tư phát triển và hỗ trợ thông qua các biện pháp quản lý khác nhau.
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập, để bảo vệ người dân trồng mía, trong tất cả các cuộc đàm phán quốc tế về mở cửa thị trường, bất kể là đàm phán gia nhập WTO hay đàm phán các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… Chính phủ đều dành sự quan tâm cao nhất cho ngành mía đường, ông Phạm Tiến Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam cho rằng, các hiệp định thương mại tự do đã và đang tạo điều kiện cho đường giá rẻ từ nước ngoài tràn vào thị trường, tạo sức ép lớn cho nông dân trồng mía, khiến doanh nghiệp mía đường đối diện nhiều áp lực. Người tiêu dùng có xu hướng ưa tiêu thụ đường nhập khẩu do giá thành rẻ hơn tương đối.
Trực tiếp chia sẻ và nói lên những khó khăn của người nông dân, ông Đỗ Văn Thảo - nông dân trồng mía tại Kon Tum cho biết, mía là cây chủ lực, giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, nhưng từ 1/1/2020, khi Việt Nam chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan với các nước ASEAN, người trồng mía gặp vô vàn khó khăn. Giá đường xuống thấp kéo theo giá mía xuống mức thấp kỷ lục.
“Mặc dù đã được công ty thu mua hỗ trợ nhưng người dân không thể tiếp tục trồng mía, do giá thu mua quá thấp. Giá mua mía không thể bù đắp được chi phí đầu tư khiến nhiều nông dân trồng mía nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng mía, vì càng trồng càng lỗ”, nông dân Đỗ Văn Thảo lo lắng và đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần có biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu, đẩy nhanh thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ người nông dân trồng mía, ngành mía đường trong nước.
Cùng chung nỗi lo, nông dân trồng mía Trần Thị Yến đến từ Phú Yên bức xúc, “đi chợ, chỉ thấy đường Thái Lan, bao bì đường có chữ Thái Lan, không hề thấy sự xuất hiện của đường trong nước”. Đại diện cho người trồng mía Phú Yên, chị Yến đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có biện pháp, nâng giá mía thu mua tại ruộng lên mức 900 đồng/kg, đồng thời, có biện pháp ngăn chặn đường nhập lậu, giúp ổn định giá mía đường trong nước.
Sẽ điều tra chống bán phá giá với đường nhập từ Thái Lan?
Sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường từ 1/1/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Bên cạnh đó, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma cũng gia tăng..
Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, với đường nhập lậu chính là loại đường phá giá xuất phát từ Thái Lan. Trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường cho hay Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO).
Và có bằng chứng rõ ràng về đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, cũng như có mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
"Để "cứu" ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống", ông Lộc cho hay.
Về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương Cục Phòng vệ Thương mại đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường... Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng 07 biện pháp chống bán phá giá, 05 biện pháp tự vệ và 01 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.
Thực tế cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững và từng bước phát triển các ngành sản xuất trong nước liên quan.
Liên quan đến ngành đường, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước cho rằng, sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường. Ngành sản xuất đường trong nước cũng đã cung cấp các thông tin, bằng chứng để chứng minh cho những cáo buộc này.
"Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bên cạnh đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài", Cục trưởng Lê Triệu Dũng cho hay.
Xây dựng vùng nguyên liệu hợp tác giữa nhà máy - nông dân
Ngoài vấn nạn đường lậu, khó khăn của ngành mía đường còn xuất phát từ những vấn đề nội tại. Như về giống mía, trên 90% giống mía trồng tại Việt Nam đều nhập từ nước ngoài, còn các khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, thu hoạch được đánh giá còn rất hạn chế, gây ảnh hưởng đến năng suất trồng mía.
Đại diện Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk cho biết, do thiếu mía nguyên liệu vì giá đường thấp thì các doanh nghiệp bắt buộc phải mua giá mía thấp. “Nếu doanh nghiệp mua mía thấp thì nông dân họ không có lãi, cho nên nông dân phá cây mía và trồng cây khác. Và những vùng đất trồng cây mía không được thì họ bỏ hoang, còn gia đình thì dẫn nhau đi các đô thị lớn để làm thuê, làm mướn".
Đứng trước tình hình này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng trước hết phải củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết giữa các nhà máy với nông dân. Quá trình này nhiều khả năng sẽ phải loại bỏ những nhà máy hay diện tích trồng mía kém hiệu quả theo quy luật phát triển để có thể hình thành cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, chăm sóc, tưới tiêu đến thu hoạch.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới, hỗ trợ triển khai vùng sản xuất mía trọng điểm và hàng loạt công trình thủy lợi, cơ giới hóa.
Quan trọng hơn, ngành mía đường đề xuất với Bộ Công Thương chủ động xây dựng và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Các doanh nghiệp, nhà máy đường và các địa phương cũng cần có sự đồng tâm hiệp lực cho nỗ lực hội nhập của ngành mía đường Việt Nam.
[Quảng cáo]