Trong năm 2023, ngành dệt may luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, lượng đơn hàng và đơn giá gia công đều giảm 20-30%, nhiều doanh nghiệp ngành may đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động hoặc giảm lương, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để giữ mức thu nhập bình quân 9,45 triệu đồng/người/tháng cho 62.000 lao động.
Tại buổi cung cấp thông tin về tình hình sản xuất - kinh doanh năm 2023, chăm lo đời sống cho người lao động của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết năm 2023, tập đoàn có doanh thu hợp nhất ước đạt 17.225 tỉ đồng, đạt 104,4% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỉ đồng, đạt gần 101,9%. Theo ông Hiếu, ngành dệt may "chưa bao giờ khó khăn như năm 2023 và chưa biết điểm dừng", trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm.
Nếu không tính năm 2020 đại dịch COVID-19 khiến cho toàn thế giới "đóng cửa" thì năm 2023 là năm đầu tiên kể từ khi thành lập tập đoàn, cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may giảm khoảng 10%. "Sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, hành vi tiêu dùng cũng thay đổi hoàn toàn đối với mặt hàng dệt may. Giữa 2023, các đoàn khảo sát thị trường của Vinatex đi đến các thị trường lớn, văn hóa mặc trang phục đi làm đã thay đổi, thậm chí không ít người mặc quần áo ngủ đi làm. Nhiều văn phòng đóng cửa, chuyển sang làm việc tại nhà, nhu cầu mua sắm giảm rõ rệt".
Với tổng cầu dệt may suy giảm, giá đặt hàng sản xuất có xu thế giảm mạnh, bình quân giảm trên 30%, cá biệt mặt hàng số lượng lớn giảm tới 50%. Các quốc gia tập trung cạnh tranh về giá để lấy được đơn hàng. Lúc này, các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất, lương tối thiểu sẽ có trọng số lớn trong cạnh tranh ở các quốc gia. Hiện thu nhập ngành Dệt May Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc (330 USD/tháng so với 420 USD/tháng), còn lại cao gấp 3 lần ở Bangladesh, gấp trên 2 lần Ấn Độ, gấp 1,8 lần Campuchia, trong khi chi phí tiền lương nhân công chiếm tỷ trọng trên 55% giá thành.
Cùng với đó, tỷ giá VND ổn định trong suốt 8 tháng đầu năm trong khi NDT giảm giá 5%, Taka Bangladesh giảm 5,9%, Lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm 31%. Lãi suất tại Việt Nam 6 tháng đầu năm cao hơn trung bình các quốc gia cạnh tranh khoảng 3%. Tổng hợp các yếu tố đã tạo ra những yếu tố hết sức bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh về giá, dù năng suất và chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam có thể cao hơn bình quân 10-15%.
Với tinh thần KIÊN CƯỜNG - DŨNG CẢM – SÁNG TẠO – ĐOÀN KẾT, Vinatex đã tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành để duy trì đơn hàng, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng… Các doanh nghiệp trong hệ thống nỗ lực, kiên cường bám trụ hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo toàn lao động, giữ thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ khách hàng và thị trường.
Để duy trì đơn hàng cho hoạt động SXKD, các doanh nghiệp phải tiếp cận đơn hàng rất nhỏ, kỹ thuật khó, ít lặp lại, thời gian giao hàng ngắn, chấp nhận hy sinh về năng suất và phương thức tổ chức sản xuất so với trước đây khi sản xuất các mã hàng lớn có năng suất cao đã tạo đà cho Vinatex đạt các kế hoạch về SXKD.
Năm 2024, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện, nhất là tại thị trường Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, đây là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước, trong khi Việt Nam là một điểm đến an toàn cũng là một thuận lợi cho các đơn hàng có khả năng quay lại Việt Nam. Kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng có những thách thức mới như tiền lương tối thiểu tăng 6% từ 01/7/2024, giá điện có thể tiếp tục tăng sau khi đã tăng trên 7% năm 2023…
Ông Cao Hữu Hiếu cho biết: Năm 2024, Vinatex vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất - phân phối lớn trên thế giới. Đồng thời, xây dựng trong nội tại tập đoàn mục tiêu chiến lược một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh. Bên cạnh đó, ngành dệt may cũng sẽ đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới của thị trường và công nghệ. Để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc tập đoàn sẽ đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, duy trì đơn hàng trong thời gian tới.
Trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng thì các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex nỗ lực đảm bảo mức lương thưởng tết cao hơn so với mặt bằng chung, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết mặc dù 2023 là một năm khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may, nhưng các cấp của Công đoàn Dệt May Việt Nam đã nỗ lực, linh hoạt thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mặt công tác, đặc biệt trong chăm lo cho người lao động và nhiều hoạt động thiết thực khác hướng về cơ sở, theo thống kê sơ bộ, bình quân lương tháng 13 và thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho người lao động đạt 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương.
Ngoài ra, Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình với các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động như tổ chức gặp mặt, trao quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi túi trị giá khoảng 1 triệu đồng, tổ chức “Phiên chợ Tết”, “Phiên chợ nghĩa tình” với các hoạt động tặng quà cho người lao động, trao hỗ trợ chuyến xe nghĩa tình đến các đơn vị…