Tập đoàn Gemadept (GMD) tự tin sản lượng tại 2 cảng chiến lược tăng trưởng trên 30% năm nay

Kết quả kinh doanh quý 3/2024 tăng trưởng ấn tượng cho thấy các lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) đang được phát huy, giúp giành được thêm thị phần và khách hàng mới.
Tập đoàn Gemadept
Lợi nhuận của Cảng Gemalink thuộc Tập đoàn Gemadept trong quý 3/2024 đã đạt mức cao kỷ lục.

Kết thúc kinh doanh quý 3/2024 của Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE) cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ so với cùng kỳ năm ngoái cũng như so với quý trước. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.264 tỷ đồng và 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mảng cảng biển tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của Tập đoàn Gemadept. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp của mảng này (không bao gồm cảng liên doanh Gemalink) trong quý 3/2024 đã tăng tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biên lợi nhuận gộp đạt mức 53,2%, so với mức trung bình 43,6% của 04 quý gần nhất. Qua đó, cho thấy hiệu suất sử dụng các cảng của Tập đoàn Gemapdet đã tăng lên đáng kể trong quý 3/2024.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của Cảng Gemalink, được báo cáo riêng trong thu nhập liên doanh, đạt mức cao kỷ lục 152 tỷ đồng, so với mức lỗ 6 tỷ đồng của quý 3/2023, và gần như tương đương tổng lợi nhuận của 2 quý liền trước. Cảng Gemalink hiện là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) do liên doanh giữa Tập đoàn Gemadept và CMA Terminals thuộc hãng tàu CMA CGM (Pháp).

Sản lượng Tập đoàn Gemadept
Sản lượng container thông qua cảng (‘000 TEU) của Tập đoàn Gemadept. (Nguồn: Tập đoàn Gemadept, Chứng khoán Maybank)

Theo đánh giá của Chứng khoán Maybank, kết quả kinh doanh quý 3/2024 của Tập đoàn Gemadept tái khẳng định mạnh mẽ lợi thế cạnh tranh của tập đoàn này, điển hình là việc các cảng chủ chốt nằm ở vị trí đắc địa và có khả năng phục vụ tàu lớn - xu hướng ngày càng phổ biến trong vận tải đường biển.

Những lợi thế trên đang giúp Tập đoàn Gemadept giành được thị phần và khách hàng mới. Theo dữ liệu tổng hợp từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng và Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa - Vũng Tàu, thông lượng container qua các cảng của Tập đoàn Gemadept tại cụm cảng Hải Phòng là 919.000 TEU và qua cảng Gemalink tại cụm cảng Bà Rịa - Vũng Tàu ước đạt 1,289 triệu TEU, lần lượt tăg 14% và 94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về thị phần, Tập đoàn Gemadept chiếm 17% thị phần cụm cảng Hải Phòng và 27% thị phần cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trong 9 tháng đầu năm nay.

Giá cổ phiếu GMD Tập đoàn Gemadept
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GMD của Tập đoàn Gemadept từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Chiếm thị phần cao, Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) vượt mục tiêu lãi cả năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Từ quý 4/2023, Tập đoàn Gemadept đã ký ký hợp đồng với các khách hàng và tuyến dịch vụ mới đến thị trường Mỹ và Châu Âu, điều này giúp cho ban lãnh đạo tự tin vào mục tiêu tăng trưởng 32% sản lượng cho Cảng Gemalink. Bên cạnh đó, Cảng Nam Đình Vũ cũng đặt kế hoạch tăng trưởng 39% sản lượng trong năm nay.

Tập đoàn Gemadept cho biết đã hoàn tất thủ tục giấy phép triển khai Giai đoạn 3 của Cảng Nam Đình Vũ và sẽ triển khai xây dựng ngay trong tháng 10/2024 để đưa vào hoạt động vào cuối năm 2025.

Sau khi hoàn thành Giai đoạn 3, tổng công suất của Cảng Nam Đình Vũ sẽ lên đến 2 triệu TEU, tăng 67% so với công suất hiện tại, trở thành cảng sông lớn nhất khu vực miền Bắc. Đặc biệt, cảng này là cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng.

Lan Anh