Tập đoàn Gemadept (GMD): Chiếm 27% thị phần toàn miền Nam, mở rộng mảng shipping trở lại

Dữ liệu mới nhất cho thấy Tập đoàn Gemadept (mã cổ phiếu GMD) đang chiếm 17% thị phần miền Bắc, 30% thị phần miền Trung, và 27% thị phần miền Nam. Đồng thời, tập đoàn này đang có kế hoạch mở rộng mảng shipping.
Tập đoàn Gemadept
Tổng sản lượng hàng hoá qua hệ thống cảng của Tập đoàn Gemadept trong nửa đầu năm nay đạt gần 2 triệu TEU.

Theo chia sẻ mới đây của Công ty Cổ phần Gemadept (Tập đoàn Gemadept, mã cổ phiếu GMD - sàn HoSE), bất chấp các thách thức kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, tổng sản lượng hàng hoá qua hệ thống cảng của tập đoàn trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 2 triệu TEU, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, sản lượng qua cụm cảng phía Bắc của Tập đoàn Gemadept đạt 581.000 TEU trong nửa đầu năm, chiếm 17% thị phần phía Bắc; qua cụm cảng miền Trung là 885.000 tấn, chiếm 30% thị phần khu vực này; và qua cụm cảng miền Nam là 1.413.000 TEU, chiếm 27% thị phần toàn khu vực.

Theo đó, Tập đoàn Gemadept ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.187 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh tăng 11%, đạt 983 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do không còn ghi nhận khoản lãi đột biến từ việc bán vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ như cùng kỳ năm 2023 nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 1.219 tỷ đồng, giảm 51% so với nửa đầu năm 2023.

Tập đoàn Gemadept
Thị phần và sản lượng của Tập đoàn Gemadept trong nửa đầu năm nay. (Nguồn: Tập đoàn Gemadept)

Năm nay, Tập đoàn Gemadept đặt mục tiêu doanh thu ở mức kỷ lục trong lịch sử niêm yết, dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 4%; và lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 46%, còn 1.686 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm 2024, Tập đoàn Gemadept đã hoàn thành 54,6% kế hoạch doanh thu và 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tập đoàn Gemadept vừa qua đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 33,33% thông qua phát hành quyền mua cổ phiếu (tỷ lệ 3:1), với giá phát hành là 29.000 đồng/cổ phiếu (chiết khấu khoảng 64% so với giá thị trường hiện tại).

Tổng số tiền dự kiến thu về 3.000 tỷ đồng và sẽ được Tập đoàn Gemadept sử dụng để mua 03 tàu 1.800 TEU (giá mới hiện tại là 29 triệu USD/tàu), 2 cần cẩu STS, 7 xà lan 250 TEU cũng như để trả nợ và tăng vốn điều lệ của Cảng Nam Đình Vũ.

Theo đánh giá của SSI Research, nếu kế hoạch tăng vốn trên được thực hiện thành công, đây sẽ là thay đổi chiến lược đối với mô hình kinh doanh của Tập đoàn Gemadept.

Trước đây, sau một vài năm hoạt động không thành công ở mảng vận tải biển, tập đoàn này đã chủ động thu hẹp quy mô và bán gần 50% công ty con - GMD Shipping cho CJ.

Trong giai đoạn vừa qua, ngành vận tải biển đã phục hồi với mức giá cước cao hơn do môi trường địa chính trị hiện tại khiến các tuyến đường vận tải dài hơn và làm giảm năng lực cung ứng của toàn ngành. Hiện giá cước vận tải container được dự báo sẽ tiếp tục neo cao trong thời gian tới trong bối cảnh các xung đột địa chính trị trên toàn cầu chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Giá cổ phiếu GMD Tập đoàn Gemadept
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GMD của Tập đoàn Gemadept từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển tiếp tục “sáng cửa” nửa cuối năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

“Nếu đúng như diễn biến như vậy, thì kế hoạch đầu tư vào 03 tàu container của Tập đoàn Gemadept là rất hợp lý, nhất là với giá tàu hiện tại chỉ ở mức 29 triệu USD/tàu 1.800 TEU thì rủi ro cho khoản đầu tư này sẽ khá thấp”, SSI Research nhận định.

Tuy nhiên, SSI Research cũng lưu ý, biên lợi nhuận mảng vận tải biển thường thấp hơn biên lợi nhuận mảng cảng.

Xét về cơ cấu lợi nhuận, mảng dịch vụ cảng biển đóng góp 77% lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Gemadept trong nửa đầu năm nay; phần còn lại đến từ hoạt động logistics và vận chuyển hàng hoá.

Tập đoàn Gemadept cũng cho biết vừa triển khai thành công dịch vụ mới – khai thác, xếp dỡ sà lan đá hộc tại Cảng Gemadept Dung Quất. Dịch vụ này nhằm phục vụ dự án san lấp xây dựng cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng khối lượng dự án cần lên đến 2 triệu tấn đá. Hiện Cảng Gemadept Dung Quất có thể bốc xếp từ 5.000 – 6.000 tấn đá/ngày.

Đồng thời, Cảng Nam Đình Vũ cũng vừa triển khai Hệ thống M&R quản lý, sửa chữa container nhằm tăng năng suất, hiệu quả dịch vụ trong hoạt động sửa chữa container cho khách hàng.

Duy Quang