Tập đoàn Hoa Sen (HSG): Hưởng lợi từ việc EU “siết” nhập khẩu HRC và tồn kho giá rẻ

Tiêu thụ qua kênh xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) trong thời gian tới dự kiến sẽ duy trì ở mức tích cực. Đặc biệt, tập đoàn này có thể hưởng lợi trực tiếp từ việc Liên minh châu Âu “siết” nhập khẩu thép HRC.
Tập đoàn Hoa Sen
Tập đoàn Hoa Sen được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc EU "siết" nhập khẩu thép HRC.

Trong quý 3 niên độ tài chính 2023 - 2024 (tương đương quý 2/2024), Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu đạt 10.840 tỷ đồng, tăng 25% và lãi ròng đạt hơn 273 tỷ đồng, cao gấp 19,5 lần so với cùng kỳ niên độ trước.

Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc tiêu thụ tôn mạ diễn ra thuận lợi. Qua đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện của tập đoàn này đã tăng từ 10,3% lên 12,3%.

Lũy kế 3 quý đầu niên độ tài chính 2023 - 2024, doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen đạt gần 29.163 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ niên độ trước, và lãi ròng đạt 696 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 410 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ trước. Với kết quả này, Tập đoàn Hoa Sen đã hoàn thành mục tiêu về lợi nhuận cả niên độ.

Về tình hình tiêu thụ, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng bán hàng của Tập đoàn Hoa Sen đạt gần 791.000 tấn tôn mạ, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tiêu thụ qua kênh xuất khẩu đạt 498.400 tấn và qua kênh nội địa đạt 292.300 tấn, lần lượt tăng 29% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của nhiều hãng chứng khoán, xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy sản lượng bán hàng của Tập đoàn Hoa Sen trong thời gian tới nhờ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu đẩy mạnh xây dựng hạ tầng.

Đồng thời, với việc Ủy ban Châu Âu (EC) vừa chính thức thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen có thể hưởng lợi trực tiếp.

Do nguồn cung thép HRC đầu vào có giá thấp hơn vào thị trường EU bị hạn chế, sẽ khiến mặt bằng giá thép HRC tại đây neo cao như hiện nay hoặc làm chậm tốc độ giảm giá bán HRC ở đây so với các quốc gia khác. Từ đó, chênh lệch giá thép HRC giữa các khu vực sẽ gia tăng hơn, thúc đẩy biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam như Tập đoàn Hoa Sen.

Giá cổ phiếu HSG Tập đoàn Hoa Sen
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thị trường cần nhịp nghỉ tích luỹ, nhóm cổ phiếu thép ở vùng giá tương đối hấp dẫn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với thị trường nội địa, thị trường xây dựng trong nước đang phát tín hiệu “ấm dần”, kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tôn mạ trong nước. Tập đoàn Hoa Sen hiện là doanh nghiệp dẫn đầu mảng tôn mạ tại Việt Nam với 29% thị phần (tính đến cuối quý 2/2024).

Đáng chú ý, tính đến thời điểm 30/06/2024, Tập đoàn Hoa Sen có 5.159 tỷ đồng nguyên vật liệu, tồn kho thành phẩm. Con số này tăng gần gấp 2 lần cùng kỳ năm trước trong bối cảnh giá HRC có xu hướng giảm về vùng đáy cuối tháng 11/2022. Việc tăng dự trữ hàng tồn kho giá rẻ giúp doanh nghiệp có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp trong các quý tới khi nhu cầu hồi phục.

Xét về mặt kỹ thuật, Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, sau khi xuất hiện thông tin về việc các thị trường EU hay Ấn Độ khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam, các cổ phiếu nhóm thép đã điều chỉnh khá mạnh, HPG giảm gần 14% trong vòng 1 quý, HSG giảm 8,5%; NKG giảm 17,4%... Đây là vùng giá tương đương hoặc thậm chí thấp hơn thời điểm đầu năm nay và được xem là vùng giá tương đối thấp so với giá trị thực của nhóm cổ phiếu thép.

Tương tự, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, việc cổ phiếu HSG đang giao dịch tại mức P/B là 1,18x thấp hơn so với mức đỉnh P/B trong 5 năm gần nhất là 1,71x. Với kết quả kinh doanh khả quan trong 3 quý đầu niên độ tài chính 2023 - 2024, cổ phiếu HSG có thể bật tăng trong thời gian tới.

Duy Quang