Tập đoàn PAN: Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thuỷ sản, gia tăng thị phần mảng nông nghiệp

Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN) đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực với một số mảng cốt lõi như nông nghiệp - chế biến nông sản (10-15%) và mảng thuỷ sản (7-10%) thông qua việc gia tăng thị phần, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, gia tăng sản phẩm chế biến…

Gia tăng thị phần mảng nông nghiệp

Vừa qua, Tập đoàn PAN (mã cổ phiếu PAN - sàn HoSE) đã có buổi gặp gỡ nhà đầu tư nhằm chia sẻ triển vọng kinh doanh trong năm 2025. Tập đoàn sẽ đẩy mạnh các mảng kinh doanh trong năm nay với kế hoạch kinh doanh sơ bộ dự kiến tăng trưởng hai chữ số ở một số mảng cốt lõi như nông nghiệp và thuỷ sản.

Cụ thể, trong mảng nông nghiệp, đối với hoạt động kinh doanh giống cây trồng và gạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã cổ phiếu NSC) được kỳ vọng sẽ mở rộng thêm thị phần nhờ các giống lúa chất lượng cao được người tiêu dùng ưa chuộng và khai thác các sản phẩm bản quyền mới có biên lợi nhuận tốt.

Tập đoàn PAN
Tập đoàn PAN các sản phẩm gạo của Vinaseed đang hiện diện mạnh mẽ ở các kênh phân phối và được khách hàng đón nhận tích cực.

Tập đoàn PAN cho biết thị phần mảng giống cây trồng của Vinaseed trong năm 2024 đạt 18 - 20% đối với giống lúa và 20 - 25% đối với giống ngô. Sự tăng trưởng tích cực này đến từ việc chất lượng gạo của Vinaseed được cải thiện và sự hiện diện tương đối mạnh mẽ của công ty tại các kênh truyền thống, đại lý và siêu thị. Đặc biệt là tại chuỗi Winmart, các sản phẩm gạo của công ty được khách hàng đón nhận tích cực.

Luỹ kế cả năm 2024, doanh thu của Vinaseed tăng mạnh 20,3%, đạt 2.449 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ tăng nhẹ 2%, đạt 272 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cả năm của Vinaseed đã giảm xuống còn 29,7% khi giá thu mua lúa tươi tăng gần gấp đôi trong quý 4/2024.

Tập đoàn PAN kỳ vọng bên cạnh các giải pháp kinh doanh, biên lợi nhuận gộp của Vinaseed trong năm nay sẽ được cải thiện nhờ giá lúa tươi đã giảm trong khi đó giá bán gạo dự kiến tăng nhẹ.

Đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm khử trùng và nông dược của Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (mã cổ phiếu VFG), thị phần của công ty trong lĩnh vực thuốc trừ sâu tại Việt Nam đạt mức 11 - 13%.

Thị trường thuốc trừ sâu trong nước đã có những biến động đáng kể trong nửa cuối năm 2024 do tác động của các quy định chặt chẽ hơn về dư lượng hoạt chất trong nhiều loại nông sản xuất khẩu sang EU và Trung Quốc.

Tuy nhiên, Tập đoàn PAN kỳ vọng mảng thuốc bảo vệ thực vật tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng bền vững trong thời gian tới khi thị trường nông dược đang ưu tiên các sản phẩm chất lượng cao vốn là thế mạnh của tập đoàn. Đồng thời, nhu cầu của người nông dân đối với thuốc bảo vệ thực vật dành cho các loại nông sản xuất khẩu của Việt Nam như cà phê, gạo, sầu riêng… ở mức “mạnh mẽ”.

Tập đoàn PAN cũng cho biết, Khử trùng Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác phân phối quốc tế như Syngenta và mở rộng thêm các sản phẩm của các nhãn hàng khác để tăng cường xuất khẩu.

Trong năm 2024, Khử trùng Việt Nam ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng trưởng 7,2% và 51,7% so với năm 2023.

Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu thuỷ sản, giảm rủi ro

Trong mảng thuỷ sản, Tập đoàn PAN cho biết Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) sẽ tăng cường xuất khẩu các sản phẩm tôm chế biến đến Nhật Bản và EU nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do sẵn có của Việt Nam.

Đặc biệt, Thực phẩm Sao Ta đang tăng cường xuất khẩu sang Hoa Kỳ để trở thành bị đơn bắt buộc trong vụ kiện Chống bán phá giá ở kỳ đánh giá PR20 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), kỳ vọng có lợi thế hơn trong việc chứng minh tôm Việt không bán phá giá với DOC.

Tập đoàn PAN cũng cho biết công ty con của Thực phẩm Sao Ta là Khang An Foods đã nhận đơn hàng rất lớn từ Costco (Mỹ), tạo động lực tăng trưởng tích cực cho Thực phẩm Sao Ta trong năm 2025.

Năm 2024, Thực phẩm Sao Ta đã đạt các kết quả ấn tượng với doanh thu tăng 36% lên mức 6.913 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 38,5% đạt 422 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu trọng điểm của công ty là Nhật Bản (chiếm 40 - 45% tổng doanh số), Hoa Kỳ (30%), và EU (20%).

Tập đoàn PAN
Tập đoàn PAN cho biết Khang An Foods đã nhận đơn hàng rất lớn từ Costco (Hoa Kỳ), tạo động lực tăng trưởng mảng chế biến tôm trong năm nay.

Xem thêm: "Áp dụng chiến lược táo bạo, Thực phẩm Sao Ta (FMC) báo doanh số tăng 35% ngay tháng 1/2025" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với cá tra xuất khẩu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Bến Tre (mã cổ phiếu ABT), các vùng nuôi mới được đánh giá mới có chất lượng nước và điều kiện vùng nuôi rất tốt nhờ vị trí nằm ở thượng nguồn. Công ty sẽ gia tăng sự đóng góp từ các vùng nuôi mới, giúp đảm bảo tự chủ 100% cá tra nguyên liệu và dự kiến góp phần giảm chi phí nuôi trồng.

Ngoài ra, Thuỷ sản Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng sản phẩm cá tra chế biến vào thị trường Nhật Bản. Trong năm ngoái, việc tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăngg như cá tra tẩm bột và các mặt hàng chế biến sẵn - ăn liền đã giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh lên mức 18,7%.

Qua đó, doanh thu của Thuỷ sản Bến Tre chỉ tăng trưởng 7,8% trong năm 2024 nhưng lợi nhuận trước thuế tăng gần 30% so với năm 2023.

Tập đoàn PAN cũng chia sẻ các cơ hội và thách thức dưới thời Tổng thống Donald Trump vẫn chưa rõ ràng và đang chờ đợi các chính sách mới để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và dự phóng phù hợp cho năm 2025. Kế hoạch kinh doanh chi tiết và dự phóng dự kiến của mảng thuỷ sản sẽ được công bố vào cuối quý 1 này.

Lan Anh