Trong ngày 5/4, Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calviño đã cho biết chính phủ nước này đang xem xét kế hoạch phát tiền lương cho người dân trong số các biện pháp tháo gỡ các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo bà Nadia Calviño, việc cung cấp cho người dân tiền nhằm đảm bảo thu nhập cơ bản của họ và chủ yếu hướng đến các hộ gia đình, mức tiền lương mỗi hộ nhận được sẽ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của họ.
Mặc dù bà Nadia Calviño không nêu rõ thời điểm cụ thể chính phủ Tây Ban Nha sẽ triển khai việc phát tiền lương cho người dân nhưng cho biết chính phủ kỳ vọng “đây sẽ là một công cụ vĩnh viễn”.
“Chúng tôi đang cố gắng triển khai điều này càng sớm càng tốt, nó có thể không chỉ hữu ích trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng mà còn có tác dụng trong dài hạn”, theo bà Nadia Calviño.
Nếu như đề xuất trên trở thành hiện thực thì Tây Ban Nha sẽ trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Âu thực hiện việc phát tiền lương cơ bản cho người dân trong dài hạn. Vào năm 2017, Phần Lan đã thử nghiệm phát tiền lương cơ bản trong 2 năm cho 2.000 người thất nghiệp tại nước này. Theo tờ Business Insider, những người được nhận tiền đánh giá cuộc sống của họ trở nên hạnh phúc hơn và khoẻ mạnh hơn; tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục trong tình trạng thất nghiệp.
Bên cạnh Tây Ban Nha, một số quốc gia khác cũng tung ra các biện pháp hỗ trợ thu nhập cho người dân nhằm đối phó với các khó khăn cho đại dịch Covid-19 gây ra, tuy nhiên các biện pháp này chỉ mang tính ngắn hạn. Tại Hoa Kỳ, mỗi người trưởng thành có thu nhập dưới 75.000 USD/năm sẽ được nhận 1.200 USD; trong khi đó, chính phủ Singapore sẽ phát cho mỗi người dân nước này 600 SGD (tương đương 417 USD).
Tây Ban Nha hiện hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ, với gần 142.000 ca nhiễm và hơn 14.000 ca tử vong vì dịch Covid-19. Sự bùng phát của dịch bệnh đang tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế nước này. Bộ Lao động Tây Ban Nha cho biết số người thất nghiệp tại nước này trong tháng 3/2020 đã đạt mức cao kỷ lục 3,54 triệu người.
Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước này, số liệu của Viện thống kê quốc gia Tây Ban Nha cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong quý 4/2019 của nước này đạt 13,8% - mức cao thứ hai trong khu vực sử dụng đồng tiền chung Eurozone, chỉ xếp sau Hy Lạp.
Kể từ ngày 14/3, Tây Ban Nha đã áp dụng lệnh phong toả toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và tiếp tục đưa ra các chính sách phong toả nghiêm ngặt hơn kể từ ngày 30/3, bao gồm việc yêu cầu người dân phải ở nhà. Dự kiến lệnh phong toả sẽ kết thúc vào ngày 12/4 tới đây, tuy nhiên chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ có thể kéo dài lệnh phong toả cho đến khi nào số ca nhiễm Covid-19 giảm xuống.