“Đây hồ Gươm, Hồng Hà, hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…”
(Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi)
Thế nhưng mỗi khi nhắc đến Hồ Tây, người ta không thể không nhắc đến những mùa sen nở sớm mỗi khi hè về. Chẳng biết sen ở hồ Tây có từ bao giờ, chỉ biết cứ đến mỗi độ cuối tháng năm, đầu tháng sáu (khoảng tháng tư, tháng năm âm lịch), hoa sen trong đầm ở một góc Tây Hồ lại mơn mởn, chúm chím, chớm nở tỏa hương thơm ngát. Những đầm sen lại nô nức đón những người, người đến mua hoa, hay đến để gắm sen, thưởng sen …
Buổi sáng sớm, trên con đường xanh mướt cỏ non dẫn vào khu đầm sen Tây Hồ đã thấy lác đác những cô, những chị cùng chiếc xe đạp đến mua hoa sen về bán. Dưới đầm sen, một chiếc thuyền nan chở đầy hoa sen buổi sớm bên bóng bác chủ đầm dập dềnh theo làn sóng nước nhẹ nhàng vào bờ. Những bông sen mơn mởn, lung linh trong nắng sớm, phớt hồng, cánh hoa e ấp như đôi môi thiếu nữ vẫn còn đọng trên cánh hoa những giọt sương ban mai để rồi từ đây những bông sen bắt đầu “cuộc hành trình” đi vào từng con đường, ngõ phố, tô điểm cho không gian ấp áp trong mái ấm của từng người Hà Nội.
Nhiều người mua những bông sen trên phố mang về nhà cắm thường không nở, bông hoa cứ chúm chím như vậy rồi rũ cuống mà không thấy một chút hương sen. Hỏi ra thì được biết những loại hoa sen bán trên đường đó không phải sen mà là Quỳ. Giống hệt hoa sen, nhưng hoa Quỳ có mầu tím thẫm hơn, hoa chỉ có những lớp cánh ngoài rồi đến đài hoa mà không có những lớp cánh nhỏ, hoa quỳ không có hương thơm.
Nhiều người thủ thỉ nhau rằng, muốn được ngắm sen nở đẹp thì phải mua được sen Hồ Tây. Chẳng biết người dân xứ Kinh Kỳ có cái thú chơi sen tự bao giờ và cách chơi sen cũng rất sành. Nhiều người không quản ngại công sức dậy sớm để đến tận đầm mua được những bông sen tươi mởn buổi sớm mang về cắm. Sen Hồ Tây cánh hồng tươi, mỗi bông hoa có 3 lớp cánh lớn rồi đến rất nhiều lớp cánh nhỏ ôm sát vào đà. Mỗi chục Sen được quấn trong 1 chiếc lá to chứ không phải gói bằng giấy báo như các loại hoa khác, cánh sen mỏng manh nếu không được che chắn cẩn thận thì về đến nhà sẽ tơi tả chứ không còn nguyên vẻ đẹp. Sen Hồ Tây được hái bán là những bông đã chúm chím nở để có thể nhìn thấy những lớp cánh bên trong và đài sen. Sen Hồ Tây nhiều lớp cánh hơn sen trồng ở các nơi khác nên bông hoa khi nở ra rất to, vì vậy còn có tên là Sen Bách Diệp (Sen trăm cánh).
Sen Hồ Tây mang về nhà cắm một ngày hoa vẫn chúm chím như vậy. Qua một đêm, sáng hôm sau dậy thấy hoa nở bung, tròn to hơn cái bát tô canh, cánh hoa hồng rực, hương thơm ngát cả căn phòng.
Giờ đây, những đầm sen ở Hồ Tây đã bị thu hẹp nhiều. Các đầm sen phải nhường chỗ cho những đầm tôm, đầm cá, những khu vui chơi giải trí. Nhưng không phải vì thế mà sen Tây Hồ bị mất đi những giá trị mà nó vốn có. Hè về, sen Tây Hồ vẫn tỏa hương, khoe sắc rực rỡ cả một góc trời phía Tây Bắc mảnh đất Kinh Kỳ, vẫn lắng đọng một góc hồn Đất nước, một góc hồn của Thăng Long - Hà Nội như trong ca khúc của cố nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi.
Sen là loại cây thân mềm sống chủ yếu ở dưới nước. Sen có giống màu đỏ, cánh kép gọi là quì. Một giống khác có thân, lá, hoa đều nhỏ gọi là sen tịch thượng, được trồng vào chậu nước hay bể cạn. Hoa sen còn có nhiều tên gọi khác như Hà hoa, liên, phù dung, hạm đạm, phù cử, thủy chi
Ở Việt Nam, hoa sen được xếp vào bộ tứ quí (bốn mùa): Lan, sen, cúc, mai và còn là biểu tượng của mùa hạ. Hoa sen có mùi thơm dịu nhẹ.
Cây sen có rất nhiều tác dụng. Hoa sen thường dùng để thờ cúng. Nhụy sen có những hạt trắng dùng để ướp với trà làm thành trà sen. Lá sen dùng để gói hàng, gói cốm. Hạt sen dùng làm một vị thuốc bổ, để nấu chè, hầm chim, gà... Tâm sen phơi khô, sắc uống có tác dụng an thần.