Ngày còn nhỏ, đêm giao thừa thể nào tôi cũng được theo bố đi hái lộc đầu xuân và về tự bố xông nhà, còn mẹ ở nhà lo cơm cúng. Rồi nghe mẹ kể thuở hàn vi, nhà ở bến phà Bãi Cháy (Hòn Gai, Quảng Ninh). Thời bao cấp, có năm đói quá, mùng 1 Tết chả có gì ăn, cả nhà dắt nhau đi dạo ngoài bãi biển để không phải đi chúc tết và tiếp khách. Giờ mỗi lần nhớ lại câu chuyện đó, tôi không thể hình dung được hình ảnh 5 con người lang thang ngoài bãi biển ngày mùng 1 Tết nó cô đơn như thế nào, nhưng vẫn không thể ngừng rơi nước mắt.
Ngày giáp Tết, cơ quan nào cũng cố mua lợn về mổ chia cho cán bộ công nhân viên để có cái gói bánh chưng và cuốn giò xào. Bố mẹ tôi làm cùng cơ quan, nhà chúng tôi ở ngay trong khuôn viên cơ quan nên Tết đến tôi được chứng kiến cảnh tấp nập mổ xẻ, chia chác của các gia đình. Mẹ tôi vốn lo xa, năm nào cũng cố nhặt nhạnh đầu thừa đuôi thẹo rồi rán một vại sành mỡ để dành ăn dần. Tóp mỡ trộn với nước mắm mặn chát đầu lưỡi là món cải thiện ngon không thể tả với lũ trẻ lúc nào cũng thèm thịt như chúng tôi. Đến khi đi lấy chồng tôi vẫn mang theo hai cái vại sành hơn cả tuổi mình để muối dưa cà mà mỗi lần giở ra lại nhớ mẹ vô cùng, cả đời vất vả, tất bật lo toan co kéo cho gia đình đủ cái ăn cái mặc, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Bố tôi mất sớm, mẹ lại tìm niềm vui trong việc chùa chiền và những người bạn già cùng ăn chay, niệm phật.
Mẹ chồng tôi cũng là điển hình của mẫu người phụ nữ cũ, cả đời chỉ biết tận tụy, hy sinh cho chồng, cho con, dù có khổ mấy cũng không một lời kêu ca oán thán. Cũng đêm giao thừa, chồng và các con đi xem pháo hoa thì mình ở nhà lụi cụi cúng bái. Mấy năm nay đổi mới, mẹ cúng sớm hơn rồi đi xem bắn pháo hoa cùng cả nhà. Nét mặt rạng rỡ hẳn.
Tết xưa, được nghỉ có nửa ngày 30, nên cái gì cũng cuống cuồng cuồng. Rồi đi chúc Tết, đến đâu cũng giở ra ăn, nhà nào cũng bánh chưng, nem rán, canh măng… Nhưng cũng thấy vui vì tình anh em thêm gắn bó.
Nhưng rồi, cuộc sống ngày càng khấm khá, những món ăn mặc định của ngày Tết giờ có thể ăn bất cứ lúc nào. Thế nên, Tết đến đi chúc không còn mời nhau ăn nữa.
Cuộc sống lại tiếp tục đi lên, giờ còn chán cả chuyện đi chúc Tết. Nghỉ Tết ngày càng dài hơn. Nhà nhà, người người đi du lịch. Có điều kiện thì đi nước ngoài. Không có điều kiện thì loanh quanh trong nước, hoặc quanh thành phố, nhưng kiểu gì cũng phải đi. Mới đầu còn hết 3 ngày Tết mới đi, giờ có nhà đi luôn từ khi nghỉ tết, nghĩa là không còn cúng bái đầy đủ thủ tục bữa cơm tất niên, đêm giao thừa, ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3 và hạ cây nêu nữa.
Càng ngày càng thấy phai nhạt hương vị Tết xưa, khi cuộc sống còn đủ bề thiếu thốn. Tết nhà tôi bây giờ chỉ còn bữa cơm tất niên, đêm giao thừa, sáng mùng 1 và ngày hạ cây nêu (hóa vàng). Thế mà vẫn không cái tủ nào cất cho hết đồ thừa. Vẫn ngần ấy món lặp đi lặp lại, bởi có những món không thể nào thay thế trên mâm cơm cúng cổ truyền như giò, gà, bánh chưng, nem rán, canh bóng, canh măng…
Nhà tôi, suốt từ ngày 30 Tết đã chỉ ăn một bữa ở nhà, còn lại là bên ông bà nội, thế nên cứ cúng xong là gói gém cho vào ngăn đá. Lịch trình Tết năm nào cũng thế. Trưa 30 tất niên nhà nội. Cả ngày mùng 1 đi chúc Tết họ hàng nhà nội. Mùng 2 Tết đi họ hàng nhà ngoại, chiều lại về nhà nội tiếp khách. Mùng 3 Tết đưa các con ra Quốc Tử Giám, chiều về nhà nội hóa vàng. Sau bữa cơm hạ cây nêu, là câu nói quen thuộc của bố chồng “Tết thế là xong, bây giờ thoải mái, các con muốn đi đâu thì đi”, gia đình tôi mới lên đường và lúc đó mới thực sự là nghỉ Tết. Đi xa vừa đủ, nghỉ ngơi, đọc sách, xem phim, sống chậm, tận hưởng sự bình yên của Tết.
Năm nay các con lớn hơn, cùng chia sẻ việc nhà với mẹ, chúng kết luận: “Khiếp, Tết gì mà suốt ngày ăn và rửa bát”. Nghĩ cũng đúng. Tết sao vất vả quá. Lại còn lãng phí, vì đi chơi mấy hôm về dọn dẹp tủ lạnh, kiểu gì cũng có nhiều món đã cúng không có thời gian ăn lên đường vào sọt rác.
Rồi chúc Tết nữa, những lời chúc cũng khách sáo hơn nhiều. Vẫn những con người ấy, khuôn mặt ấy, có khi cả năm mới gặp, chả biết nói chuyện gì ngoài vài câu xã giao thiếu muối. Rồi bản thân các gia đình giờ cũng chỉ còn những người già ở lại, con cái ra ở riêng cũng đi du lịch cả, ít người còn mặn mà với cúng lễ truyền thống.
Có thể 5, 10 năm nữa, khi các con đi học xa, hoặc có gia đình riêng ở xa, Tết về đoàn viên sum họp, tôi mới thấy Tết có ý nghĩa hơn, chứ còn bây giờ, thấy Tết thật là nhàm chán, vô vị, chỉ còn ý nghĩa sau ngày hạ cây nêu, khi được thảnh thơi tận hưởng không khí Tết mà không phải nấu nướng, rửa bát, chúc tụng những lời sáo rỗng.
Bao giờ cho đến ngày xưa.