Đến năm 1989, Chủ tịch Kim Jong-il đã cho phép khôi phục lại Tết âm lịch. Sau khi được khôi phục lại, Tết của người Triều Tiên cũng diễn ra vào ngày mồng Một tháng Giêng Âm lịch. Năm mới ở Triều Tiên thường được gọi là “Nguyên nhật” hay còn gọi là “Seol”.
Trước Tết, các gia đình ở Triều Tiên thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt là quà tặng, kế hoạch đi lại và thực phẩm. Người thân và bạn bè sẽ trao quà cho nhau, vì vậy đi mua quà trước lễ hội là một việc rất cần thiết. Món quà phổ biến nhất trong dịp tết là thẻ mua hàng ở siêu thị và tiền mặt. Một số món quà phổ biến khác là sâm, mật ong, các sản phẩm sức khỏe, ghế massage, đồ phòng tắm, các gói quà chứa thức ăn gồm cá ngừ, thịt jam-bông hộp, cá hoặc hoa quả khô, kẹo bánh truyền thống.
Bên cạnh đó, người dân còn may quần áo mới và trang phục truyền thống, có tên gọi là Solbim. Đây là trang phục dành riêng cho dịp Tết Triều Tiên, thường rất sặc sỡ vì được trang trí bằng 5 màu chính.
Vào ngày 30 Tết, các gia đình dọn dẹp trong nhà ngoài hiên và treo câu đối Tết, tranh Tết và trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ. Họ cũng chuẩn bị làm cơm Tết và may quần áo Tết.
Cũng trong ngày cuối cùng của năm cũ, người dân Triều Tiên chuẩn bị một chiếc rổ lớn làm bằng rơm và treo trước cửa nhà để xua đi cái xui xẻo của những ngày đã qua cũng như đón may mắn và tốt đẹp đến với năm mới.
Buổi tối, trước khi giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy.
Vào đêm giao thừa không ai ngủ cả, vì theo truyền thuyết nếu ngủ thì sáng hôm sau sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn khi thức dậy.
Sáng ngày mồng 1, người Triều Tiên thức dậy từ rất sớm và mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Mỗi người sẽ lấy một ít tiền cho vào trong hình nộm bằng rơm, sau đó đem bỏ ra ngoài phố để đuổi tà ma, đón vận may. Đây được gọi là phong tục “đuổi quỷ”, một nghi lễ không thể thiếu trong ngày tết ở Triều Tiên.
Sau đó, các thành viên trong gia đình quây quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên).
Sau nghi lễ này, trẻ con ùa ra đường chơi cùng nhau, bé trai cùng nhau thả diều và chơi quay, các bé gái thì chơi bập bênh hoặc rủ nhau nhảy dây.
Cũng trong buổi sáng ngày đầu năm mới, những người đàn ông sang nhà hàng xóm để chúc tết. Khi đi chúc tết, họ thường mang theo một chai rượu nửa lít, đi đến từng nhà và ở mỗi nhà, họ sẽ uống một chén. Hành động này mang ý nghĩa chúc chủ nhà một năm mới mạnh khỏe và hạnh phúc. Chính vì vậy, hình ảnh những người đàn ông với khuôn mặt đỏ hồng vì rượu đi từ nhà này sang nhà kia rất thường thấy ở Triều Tiên trong dịp năm mới.
Tuy nhiên, phụ nữ ở đây thì không được phép tham gia vào tục lệ này, vì người dân Triều Tiên vẫn tin rằng gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo trong cả năm nếu người xông đất là phụ nữ. Do vậy họ thường giết thời gian bằng cách chơi một loại cờ dân gian có tên gọi là Yut Nori và cùng nhau chia sẻ đồ ăn, ca hát và nhảy múa.
Đến xế chiều, người Triều Tiên thực hiện phong tục thứ 2 đó là tục “đốt tóc”. Người ta sẽ đem tóc rụng thu nhặt trong cả năm ra đốt sạch, với mong ước năm mới gặp nhiều may mắn, xua đuổi dịch bệnh và cầu bốn mùa bình an.
Bên cạnh những tục lệ đón tết truyền thống, ngày Tết của người Triều Tiên còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc khác như: dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy pháp saman đến cúng tế và xem bói.
Đặc biệt, trong những ngày năm mới, người dân thường đến thăm viếng tượng đài cựu lãnh tụ Kim Nhật Thành và đặt hoa dưới chân tượng đài để thể hiện lòng tôn kính. Việc làm này đã dần trở thành nét văn hóa đẹp của người dân Triều Tiên.
Trong khi người dân Hàn Quốc thường ăn canh bánh gạo trong dịp tết thì món ăn truyền thống ngày tết của người Triều Tiên là một loại bánh gạo nhỏ có tên gọi là Songpeon, một loại bánh gạo được nặn theo hình trăng lưỡi liềm thể hiện quan niệm sống “trăng khuyết rồi trăng lại tròn” như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ.
Ngoài món bánh songpeon truyền thống, Tết của người Triều Tiên còn có một món đặc trưng là “cơm thuốc”. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương... rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên đã gọi loại cơm này là cơm thuốc. Loại cơm này dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.