Thái Bình đổi mới cơ cấu kinh tế gắn với hội nhập ở một tỉnh có điểm xuất phát thuần nông

Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO thì một năm sau đó, Thái Bình thành lập Ban hội nhập kinh tế quốc tế (Ban HNKTQT) của tỉnh, là tổ chức giúp UBND tỉnh trong việc xây dựng, triển khai thực hiện chương t

Sự khẩn trương của Thái Bình đến từ nhận thức sâu sắc về điểm xuất phát thấp của một tỉnh nông nghiệp. Năm 1990, tại hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh, có nhà khoa học đã nhận định: “Thái Bình là một tỉnh thuần nông, những tiền đề để phát triển công nghiệp, dịch vụ chưa rộng mở”.

Hội nhập là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Thái Bình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, đóng góp ngày càng quan trọng vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từ khi Việt Nam được kết nạp là thành viên WTO tháng 1/2007, Thái Bình đã chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của UBND tỉnh về HNKTQT đối với các tổ chức và cá nhân trong tỉnh.

Đồng thời xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hành động hội nhập KTQT của tỉnh theo Nghị quyết số 07/2001/NQ-TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 05/02/2007 của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Thái Bình cũng xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác, các chuyên đề, đề án cụ thể trong chương trình hội nhập KTQT của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả của việc triển khai nhiệm vụ hội nhập KTQT trên địa bàn.

Với những nỗ lực đó, từ năm 2007 đến nay, cơ cấu kinh tế của Thái bình có bước chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng khu vực I, tăng tỷ trọng khu vực II và khu vực III. Cụ thể, năm 2007, tỷ trọng khu vực nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng và dịch vụ lần lượt là 38,95%, 28,85% và 32,2%. Đến 2014, tỷ trọng ngành nông lâm thủy sản giảm xuống còn 34,96%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng lên 31,41% và dịch vụ tăng lên 33,63%.

Giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh 5 năm gần đây (2010 - 2014) tăng bình quân 7,4%/năm. Năm 2014, GRDP tăng 7,83% so với năm 2013, cao hơn mức tăng năm trước (7,24%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,42%. Đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã có 85 xã (chiếm 31,8%) đạt chuẩn nông thôn mới và dự kiến đến cuối năm 2015, Thái Bình có 135 xã (51,1%) đạt chuẩn nông thôn mới; 129 xã đạt từ 13 - 18 tiêu chí và phấn đấu có từ 1 - 2 huyện đạt huyện nông thôn mới. Nếu như trước đây, trong phát triển kinh tế nông nghiệp các địa phương của tỉnh mới chỉ tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi, thì hiện nay 2 huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải đã và đang tập trung vươn khơi, bám biển, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, Thái Bình đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, vừa bảo đảm năng suất, sản lượng, vừa nâng cao được giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Thái Bình cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha, tiến đến đạt từ 100 - 400 triệu đồng/ha. Ðặc biệt, trong những năm gần đây, Thái Bình đã xây dựng nhiều mô hình cánh đồng mẫu, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ ở các khâu sản xuất, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Bên cạnh đó, Thái Bình đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp khá mạnh, giảm giá trị trồng trọt, tăng giá trị sản xuất chăn nuôi, thủy sản…

Là tỉnh nông nghiệp, bên cạnh nhiệm vụ chính là sản xuất nông nghiệp góp phần đảm bảo an ninh lương thực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thái Bình còn đẩy mạnh việc chuyển đổi tái cơ cấu nền kinh tế nhằm giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp thương mại, dịch vụ.

Hiện có 6 khu công nghiệp, 31 cụm công nghiệp đã và đang được xây dựng, khai thác có hiệu quả; 375 dự án công nghiệp và 241 làng nghề đang sản xuất, tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD, thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 5.300 tỷ đồng.

Ðạt được các kết quả đó, Thái Bình đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cùng với việc tích cực thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, giảm bớt chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích cũng như quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, những năm qua ngoài việc thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước thì lượng DN được thành lập mới của tỉnh Thái Bình cũng tăng đáng kể. Năm 2014, Thái Bình có 418 DN được thành lập mới trong với số vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2013).

Trước những cơ hội và thách thức hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán tham gia các hiệp định thương mại tự do như TPP, EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakstan sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp trong nước, Thái Bình nói riêng đã tăng cường tuyên truyền về hiệp định thương mại, đặc biệt là giao cho các chuyên gia kinh tế nghiên cứu sâu, tìm hiểu, tư vấn, thông tin truyên truyền cho doanh nghiệp cũng như người dân hiểu được những tác động của các FTA, những thuận lợi cũng như khó khăn khi Việt Nam tham gia.

Đồng thời, khi xác định được những khó khăn của FTA, Thái Bình chỉ đạo các sở ban ngành giúp đỡdoanh nghiệp trong định hình chiến lược kinh doanh, chuẩn bị về mặt nguồn lực, năng lực sản xuất cũng như hỗ trợ về cơ chế, chính sách giúp cho DN tham gia các FTA một cách chủ động tự tin, lường trước được những khó khăn để nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Thái Bình hiện có khoảng 4.000 nghìn doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh đa dạng, hướng vào những ngành mà tỉnh có thế mạnh như: hàng dệt may, sản xuất VLXD, xây dựng công trình, cơ khí, kinh doanh vận tải biển, vật tư nông nghiệp, cây con giống... góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh trong những năm qua trên 8%, đóng góp phần lớn vào tổng thu ngân sách của tỉnh trên 5.000 tỷ đồng và tạo thêm việc làm cho hàng vạn lao động... Một số DN lớn vẫn duy trì tốc độ sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách tăng so với cùng kỳ hàng năm. Như Tập đoàn Hương Sen nộp 703 tỷ đồng, tăng hơn 2013 là 76 tỷ đồng; Công ty Hải Hà nộp 239 tỷ đồng, tăng hơn 2013 là 213 tỷ đồng; Chi nhánh Viettel nộp 60 tỷ đồng; Cty Cổ phần bia Hà Nội - Thái Bình nộp 71 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng; hai dự án nhiệt điện 1, 2 nộp trên 200 tỷ đồng…

Nhằm tạo ra bước đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong thời gian tới, Thái Bình tục triển khai có hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế; nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể tác động của việc thực thi các hiệp định thương mại đối với phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng, qua đó giúp tỉnh xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế; trong đó tập trung vào nhiệm vụ thực hiện Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, xúc tiến đầu tư, thương mại, trợ giúp doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng các ngành nông lâm thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ lần lượt là 20%, 45% và 35% như trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 theo Quyết định 733/2011/QĐ-TTg.