Tại Hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2023 do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 21/9, các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ biến một số nội dung mới của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường cần được thực hiện một cách xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, các bên liên quan và từ cam kết của chính doanh nghiệp.
Từ năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò người dân, doanh nghiệp là vị trí trung tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng cũng cần phải tuân thủ chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc tuân thủ sẽ đảm bảo cho doanh nghiệp không gặp những vấn đề về mặt pháp lý và duy trì liên tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc tuân thủ cũng góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của người mua về vấn đề môi trường, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến một số nội dung mới của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: Quy định về giấy phép môi trường, đăng ký môi trường; vi phạm các quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường và vận hành công trình bảo vệ môi trường; quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.
Các vi phạm dán nhãn và công bố thông tin có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; vi phạm công bố thông tin quan trắc chất lượng môi trường, công khai thông tin môi trường, cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu cho cơ sở dữ liệu môi trường; vi phạm đối với thực hiện quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; vi phạm sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên; vi phạm các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn; vi phạm quy định về thực hiện quan trắc môi trường…
Bên cạnh đó, các giảng viên cũng phổ biến những quy chuẩn kỹ thuật về môi trường xung quanh và QCVN 01-195:2022/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng; các quy định về công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Thái Nguyên đã ban hành; đồng thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.