Thái Sơn cảnh đẹp Trung Hoa

Lịch sử văn hoá thế giới từ xa xưa đã từng ngợi ca Ngũ Nhạc với 5 ngọn núi Đông Nhạc Thái Sơn; Tây Nhạc Hoa Sơn; Nam Nhạc Hành Sơn và Trung Nhạc Tùng Sơn, Thái Sơn đã được tôn là “Thiên hạ đệ nhất sơn

Thái Sơn có tên gọi Đại Sơn, do nằm ở phía Đông nên còn gọi là Đông Nhạc. Dải núi này chạy dài qua miền Trung tỉnh Sơn Đông, có đỉnh cao 1545mét; phía trước là Khúc Phụ, quê hương Khổng Tử; mặt sau là thành phố Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông. Thái Sơn nổi danh bởi cảnh núi non hùng vĩ với 112 ngọn núi, 98 vách đá, 18 hang động, 102 suối khe lớn, 56 đầm thác, trên 64 suối nguồn đã được đặt tên... Ngoài ra, Thái Sơn còn có 22 ngôi chùa, 97 di tích lịch sử và gần 2000 bia khắc, phiến đá tự nhiên kỳ dị hoặc được đẽo tạc...

Từ Bắc xuống Nam Thái Sơn, người ta bắt gặp những dòng suối lớn như Đông Khê, Trung Khê, Tây Khê, Thiên Tân Hà... và những thung lũng đẹp Thiên Trúc, Đào Hoa... chia cắt địa bàn thành những tiểu vùng mang sắc thái riêng; thoáng rộng, yên tĩnh, thần bí, tươi đẹp của cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.

Đông Lộ là một vùng yên tĩnh. Từ Hồng Môn đến Thiên Nam Môn, du khách được đi trên tuyến đường quanh co, uốn khúc với 6293 bậc thang đá, có cảnh sắc luôn thay đổi theo từng bước đi. Tương truyền, đây là con đường dành cho các bậc quân vương lên đỉnh núi thiêng để “Phong Thiền”. Vào thời cổ, khi lên ngôi báu hoặc những năm, tháng thái bình, nhà Vua thường đến Thái Sơn cử hành nghi lễ tế Trời-Đất. Trước đời Tần hơn 72 vị vua đã đến Thái Sơn, từ Tần-Hán đến Minh-Thanh, Thái Sơn cũng đã 27 lần đón Hoàng Đế tới “Phong Thiền”. Trên bãi Kim Thạch Cốc hiện lưu lại nhiều bút tích, điêu khắc; những bài ca ngợi Đức Phật của người Bắc Tề viết từ trên 1400 năm trước. Tại Thập Bát Bàn, một cảnh điểm hiểm trở, có vách đá dựng đứng cao trên 400 mét với 1600 bậc thang thông lên đến Nam Thiên Môn. Từ đây, phóng tầm mắt trước cảnh trời cao lồng lộng và đất thấp dưới chân, đã tạo cho con người có những cảm xúc lạ thường.

Tây Lộ được xem là khu vực thông thoáng, rộng rãi nhất dải Thái Sơn. Ở đây có đầm Hắc Long, cầu trường Thọ, vách Lá Quạt; khung cảnh non xanh, nước biếc của đỉnh Thuý Bình, Giá Bút, Ngũ Phong... suối Tải Đới, Nhất Tuyền Thiên... càng thêm kỳ diệu với muôn vàn ngọn núi nhấp nhô hoà cùng suối reo, thác đổ; tạo nên những khác biệt làm ngỡ ngàng biết bao du khách. Hậu Thạch Ô với rừng thông xanh lá bạt ngàn, là một trong những phong cảnh tuyệt vời mang đặc thù huyền bí, thanh thoát và tĩnh mịch. Hai ngọn núi Trúc Phong như đôi bảo kiếm vươn thẳng lên bầu trời cao vút; thác Bách Trượng và Thiên Trúc ào ào nước đổ, tiếng vọng vang xa đến hàng chục km của cả một vùng.

Cái tuyệt diệu của Thái Sơn được mọi người ngưỡng mộ là ở Đại Đỉnh. Đặt chân lên Nam Thiên Môn, dạo bước trên những bậc đá cẩm thạch của phố Trời, du khách có cảm giác như lạc vào cõi Tiên Bồng, bị cuốn hút hoàn toàn vào những cảnh đẹp thiên nhiên kỳ diệu.

Trên đỉnh Ngọc Hoàng, ngọn núi cao nhất Thái Sơn, vào lúc rạng đông, nhìn về hướng Đông khi biển mây ngả dần sang màu hoàng kim, vầng Thái Dương từ từ lên cao, biển mây như muôn ngàn lớp sóng xao động trên những đỉnh núi như những hòn đảo ẩn hiện giữa một thiên nhiên kỳ ảo. Với những cảnh đẹp ttự nhiên, Thái Sơn đã thu hút biết bao tao nhân, mặc khách từ cổ chí kim tìm đến. Danh nhân văn hoá của nhiều thời đại đã từng đến với Thái Sơn, họ đã để lại đây những ghi nhận, bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Đã có hàng ngàn tác phẩm thơ, văn, chạm khắc còn trên vách đá. Trong những chước tác phong phú này, di bút của Khổng Tử, Tư Mã Thiên, Tào Thực. Lý Bách, Đỗ Phủ... là những áng văn để lại biết bao ấn tượng làm rung động lòng người. Bia đá và bản khắc trên núi gần như hội tụ hầu hết thể thức nghệ thuật thư pháp Trung Hoa của đầy đủ môn phái; được coi là một bảo tàng nghệ thuật của nhiều thời đại. Các nhà phân tích cho rằng, khả năng tiềm tàng của núi Thái Sơn được coi là độc nhất vô nhị. Cùng với những di tích như Vạn Lý Trường Thành và những cảnh quan khác của Hoàng Hà, Trường Giang... Thái Sơn đã trở thành biểu tượng Trung Hoa, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá và Di sản Tự nhiên của toàn nhân loại.

  • Tags: