Than Thống Nhất đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số

Thời gian qua, Than Thống Nhất đã chủ động, linh hoạt trong điều hành, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, nhanh chóng tiếp cận và triển khai các hệ thống, giải pháp tiện ích phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phục vụ hiệu quả công tác quản trị và vận hành.
than thong nhat
Ứng dụng khoa học công nghệ giúp nâng cao năng suất

"Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 nhằm thực hiện mục tiêu kép là: “Vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”.

Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng rãi.

Bám sát Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã có Quyết định số 243/QĐ-TKV phê duyệt Đề án Chuyển đổi số của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã đề ra các mục tiêu cho toàn bộ Tập đoàn và các đơn vị thành viên theo tiêu chí xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trở thành doanh nghiệp số vào năm 2030, trong đó chuyển đổi số hoàn thành cơ bản vào năm 2025. Chuyển đổi hầu hết các hoạt động của TKV trên nền tảng số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất trong TKV.

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia và quan điểm chỉ đạo của Đề án chuyển đổi số, các chỉ thị, nghị quyết của TKV, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, kế thừa những thành tựu mà “3 hóa” đã và đang được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất tại Công ty Than Thống Nhất trên tất cả các lĩnh vực. Ban lãnh đạo Than Thống Nhất đã chủ động, linh hoạt trong điều hành, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, nhanh chóng tiếp cận và triển khai các hệ thống, giải pháp tiện ích phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phục vụ hiệu quả công tác quản trị và vận hành.

Công ty đã triển khai áp dụng  ứng dụng nhiều phần mềm để nâng cao mức độ tự động hóa các công đoạn sản xuất, công tác quản lý và đem lại hiệu quả như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành E-office tích hợp chữ ký số và trục liên thông, Phần mềm ca lệnh sản xuất, Phần mềm Kế toán ESOFT sử dụng Online, Phần mềm Quản lý vật tư sử dụng trên nền tảng Web, Phần mềm Thiết kế-tính toán Khối lượng Mỏ (HMO), Phần mềm lưu trữ, Phần mềm quản lý nhân sự, Phần mềm Quản trị chi phí sử dụng trên nền tảng Web, Phần mềm quản lý thiết bị Cơ điện - Vận tải, Hệ thống thông báo trạm kiểm soát khí mỏ MineSCADA, Hệ thống tuyên truyền trực quan E-Home sử dụng trên nền tảng Web, Chữ ký số điện tử...

Đặc biệt trong năm 2024, Công ty đã khảo sát và triển khai “Lắp đặt trạm bơm nhũ hoá điều khiển tập trung phục vụ 3 lò chợ KT1, KT6, KT7” tại lò XV1 -140 nhằm hợp lý hoá sản xuất, nâng cao năng suất, giảm công nhân vận hành thiết bị. Sau khi trạm bơm đi vào hoạt động đã tận dụng được tối đa hiệu quả hệ thống thiết bị điều khiển tập trung; Tiết giảm chi phí do không cần thi công đào nhiều cúp lắp đặt thiết bị; công tác kiểm tra sửa chữa linh hoạt; Thuận tiện cho công nhân vận chuyển vật tư dầu nhũ hoá không phải chuyển thủ công như trước. Tiết giảm nhân lực trong công tác vận hành thiết bị. Tiết giảm điện năng sử dụng khi giảm vận hành 01 trạm bơm.

Bên cạnh đó, Công ty còn lắp đặt hệ thống tự động hóa băng tải tại Mặt bằng +52 do PX. Sàng tuyển quản lý và vận hành. Hệ thống băng tải gồm 08 tuyến băng, trong đó 06 tuyến băng: 1A, 1B, 1C, 3B, 2A, 2B đã lắp đặt điều khiển tập trung. Hệ thống lắp đặt bao gồm: 01 phòng điều khiển tập trung, hệ thống camera cho các tuyến băng, nút bấm điều khiển tập trung tại mặt bằng +52, mỗi ca bố trí vận hành 01 người/tuyến nhưng vẫn đảm bảo phương thức vận hành và quản lý theo quy định. Công nhân vận hành tại phòng điều khiển tập trung kết hợp với công nhân cơ điện kiểm tra điều kiện vận hành của các tuyến băng trước khi vận hành tại tủ điều khiển và theo dõi màn hình giám sát để kịp thời dừng băng khi có sự cố.

Việc áp dụng KHCN và chuyển đổi số vào phục vụ sản xuất được xác định là giải pháp mang tính “xương sống”, nó đã đem lại hiệu quả thiết thực trong lao động sản xuất, tiết giảm sức lao động thủ công, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao năng suất, chất lượng lao động cho CNCB-NLĐ trong Công ty, đặc biệt là đội ngũ thợ lò. Hiện tại, Công ty Than Thống Nhất - TKV đang tích cực phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và đầu tư vào KHCN để góp phần thực hiện tốt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, xây dựng Công ty ngày một phát triển bền vững.

 

Nguyễn Hiền