Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất từ đầu năm
Tháng 11 năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,3% so với tháng 10 năm 2014 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 12,6% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung 11 tháng năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2013 so với năm 2012 tăng 5,8%) và cao nhất kể từ đầu năm 2014 đến nay. Trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%.
Các ngành sản xuất và phân phối điện và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng chỉ số sản xuất cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng 11,7% (năm 2013 tăng 8,5% so với năm 2012); chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6% (năm 2013 tăng 7,3% so với năm 2012) cho thấy sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi.
Trong ngành khai khoáng, 11 tháng năm 2014 so với cùng kỳ chỉ số sản xuất có xu hướng tăng nhẹ ở các ngành khai thác than cứng và than non (tăng 0,9%), ngành khai thác dầu thô và khí đốt (tăng 2,6%), ngành khai khoáng khác tăng 14,1%.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (tăng 34,9%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (tăng 21,8%); dệt (tăng 19,28%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 15,28%)...Tuy nhiên, một số ngành có mức tăng trưởng giảm như: Sản xuất mỳ ống, mỳ sợi và sản phẩm tương tự giảm 10,6%; sản xuất thuốc lá giảm 12,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 6%...
Một số sản phẩm chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành gồm: Điện sản xuất (tăng 12,9%); thép cán (tăng 24,16%); ô tô (tăng 28,29%); ti vi (tăng 11%); ôtô (tăng 28,5%); phân đạm urê (tăng 5,5%); vải dệt từ sợi thiên nhiên (tăng 15,8%); biến thế điện (tăng 15,1%); điện thoại di động (tăng 59,26%); …
Chỉ số tiêu thụ tăng, chỉ số tồn kho giảm
Tháng 10 năm 2014, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 15,1% so với tháng 10 năm 2013. Tính chung 10 tháng đầu năm 2014 chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ, trong đó tăng chủ yếu ở các nhóm hàng: Sản xuất các thiết bị truyền thông (tăng 46,1%); sản xuất linh kiện điện tử (tăng 30,9%); sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác (tăng 20,2%); sản xuất giày, dép (tăng 23,59%); … Những nhóm hàng có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ là sản xuất mì ống, mì sợi và sản phẩm tương tự (giảm 30,75%); sản xuất thuốc lá (giảm 10%); sản xuất hàng may sẵn (giảm 12,3%); sản xuất mô tô, xe máy (giảm 9,5%)...
Tại thời điểm 01 tháng 11 năm 2014, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,3% so với thời điểm 01 tháng 10 năm 2014 (tại thời điểm 01 tháng 10 năm 2014 so với thời điểm 01 tháng 9 năm 2014 tăng 2,4%) và tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước. Tuy nhiên, còn một số ngành có chỉ số tồn kho cao là: sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản (tăng 41,1%); Sản xuất đường (tăng 92,6%); Sản xuất vải dệt thoi (tăng 25,9%); may trang phục (trừ trang phục từ da, lông thú) (tăng 28,4%);...