Thanh Hóa: Khởi công nhà máy dệt may hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc)

Dự án thứ 3 của Tập đoàn Nam Ích (Hồng Kông - Trung Quốc) tại tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 01/2025 tại Cụm công nghiệp Thái Thắng, huyện Hoằng Hóa và giải quyết việc làm ổn định cho hơn 5.000 lao động.

Sáng ngày 25/5/2024, tại Cụm công nghiệp Thái Thắng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Công ty TNHH South Asia Knitwer Limited và Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Hưng đã phối hợp tổ chức Lễ động thổ Dự án Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng.

Thanh Hóa
Nghi thức động thổ Dự án Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng. (Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn)

Dự án Nhà máy dệt may Nam Ích Thái Thắng được xây dựng tại Cụm công nghiệp Thái Thắng, thuộc địa phận xã Hoằng Thái và xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Dự án có diện tích gần 8,2 ha, tổng mức đầu tư trên 1.090 tỷ đồng do Công ty TNHH South Asia Knitwear Limited thuộc Tập đoàn Nam Ích (Hồng Kông) làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Hưng là đơn vị tổng thầu thi công.

Theo kế hoạch, Dự án được triển khai thi công xây dựng từ cuối tháng 5/2024 đến tháng 01/2025. Sau khi hoàn thành, Nhà máy sẽ có 02 khu sản xuất, gồm khu xưởng dệt rộng trên 33.000m2 và khu xưởng may có diện tích trên 22.000m2, sản xuất các sản phẩm dệt len, may mặc chất lượng cao phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu.

Ngoài ra, dự án còn xây dựng khu văn phòng và khu nhà nghỉ ca, ký túc xá cho công nhân với diện tích sàn trên 3.000m2. Với việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, sau khi đi vào vận hành, Dự án dự kiến sẽ giải quyết việc làm ổn định cho hơn 5.000 lao động địa phương và các vùng lân cận.

Đây là dự án thứ 3 của Tập đoàn Nam Ích tại tỉnh Thanh Hóa sau các nhà máy may tại Khu công nghiệp Tây Bắc Ga (TP. Thanh Hóa) và huyện Thường Xuân.

Phát biểu tại buổi lễ, Lãnh đạo huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đề nghị chủ đầu tư và nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo đưa công trình vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt. Đồng thời, quan tâm đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong thi công; các đơn vị chức năng trên địa bàn, chính quyền và nhân dân địa phương đồng hành, hỗ trợ, phối hợp tốt với chủ đầu tư và nhà thầu giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đảm bảo tốt an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư, nhà thầu triển khai thi công, sớm đưa dự án vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2024 đã xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh (trụ cột phát triển).

Trong đó, về Công nghiệp dệt may, giầy da, Quy hoạch định hướng phát triển Thanh Hóa trở thành khu vực phát triển ngành dệt may, da giầy lớn nhất vùng Bắc Trung Bộ. Giai đoạn 2021 - 2025 thu hút một số dự án đầu tư dệt may và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, giầy da có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có công nghệ xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Giai đoạn 2026 - 2030, hạn chế và dừng thu hút đầu tư mới các dự án may mặc, giầy da khu vực đồng bằng và ven biển; khuyến khích doanh nghiệp may mặc, giầy da đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, quy trình quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Thanh Hà