Thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Ngày 18/3/2017, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) chính thức được thành lập.

Tham dự Đại hội có hơn 200 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương; các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành nghề, các tập đoàn lớn như Samsung Việt Nam, Canon Việt Nam, Haesung Vina, Trường Hải,... và đặc biệt là hơn 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở tất cả các thành phần kinh tế, từ nhiều địa phương trên cả nước.

Ông Lê Dương Quang, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội: Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần một tổ chức độc lập giúp kết nối họ với nhau và với khách hàng

Ông Lê Dương Quang, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn thấp. Do vậy, họ cần một tổ chức độc lập đại diện cho tiếng nói của người sản xuất, giúp họ  kết nối với nhau và với khách hàng, với các tổ chức hỗ trợ,... nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng trong viễn cảnh toàn cầu hóa.

Việc thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là một trong những kết quả quan trọng của Dự án “Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng đến thị trường châu Âu” trong khuôn khổ dự án “EU-MUTRAP” do Liên minh châu Âu tài trợ được Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC), Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương thực hiện từ tháng 6/2014 đến tháng 6/2017.

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương): Việc thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là rất thiết thực, kịp thời

Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhận định: Hiện giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đóng góp vào GDP rất thấp, chỉ khoảng 14%; trong khi đó, con số này ở Thái Lan là khoảng 26%, Trung Quốc là 36%. “Nguyên nhân cơ bản của sự yếu kém này là do sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam rất yếu. Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Vì lẽ đó, việc thành lập Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là rất thiết thực, kịp thời trong giai đoạn hiện nay, là cánh tay nối dài giữa cơ quan quản lý nhà nước để liên kết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ , phản ánh chính sách để các cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách, từ đó góp phần tạo động lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển”, ông Trương Thanh Hoài nói.

Biểu quyết thông qua điều lệ và phương hướng hoạt động của Hiệp hội

Tại Đại hội đã thảo luận, góp ý và thông qua điều lệ và phương hướng hoạt động của Hiệp hội. Đại hội đã bầu ra ban chấp hành gồm 32 người. Ông Lê Dương Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội. Bà Trương Thị Chi Bình làm Tổng Thư ký.

Sau Đại hội, Hiệp hội sẽ sớm thành lập 3 chi hội gồm: Chi hội chi tiết linh kiện cơ khí; Chi hội chi tiết linh kiện điện tử và Chi hội nhựa, cao su, hóa chất.

Sự ra đời của Hiệp hội là một bước tiến mới, góp phần quan trọng nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp công nghiệp hỗ trợ, thay đổi diện mạo ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần phát triển bền vững các ngành công nghiệp Việt Nam.

Phan Tâm