Mặc dù nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng vẫn duy trì được một số mặt tích cực.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Trong đó, chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 1,64%; thị trường tiền tệ ổn định; tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực, đạt 6,66%;
Thứ hai, sản xuất, kinh doanh 7 tháng được duy trì mặc dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh, nhất là trong tháng 7. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng IIP tăng 7,9%.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, đầu tư, doanh nghiệp, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng... ở các địa bàn có dịch đều gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các vùng, địa phương động lực đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả chung của toàn nền kinh tế.
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tháng, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình, phân tích, dự báo, kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, phân phối, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Một vấn đề hiện nay là việc triển khai “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) đã chứng minh được hiệu quả tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Thực tiễn cho thấy, có thể đây là phương án tốt nhất hiện nay để các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh.
Nhưng khi triển khai tại các địa bàn khác, đặc biệt ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh lại có bất cập. Lý do là ở khu vực này, chuỗi cung ứng về logistic, hệ thống vận tải bị đứt gãy, có những vùng bị sớm nên gây rất khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ".
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đã tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp gửi đến Bộ Y tế, đề xuất giải pháp hỗ trợ thực hiện "3 tại chỗ", duy trì hoạt động sản xuất trong điều kiện có dịch.
Cụ thể, doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia “3 tại chỗ” giữa chừng và trở về nơi cư trú để người lao động yên tâm đăng ký tham gia “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó, có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
Trong trường hợp có ca bệnh xuất hiện trong nhà máy, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác trong doanh nghiệp yên tâm tập trung làm việc.
Tiếp đến, doanh nghiệp cũng đề xuất bổ sung quy định về tổ chức thực hiện xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm cắt giảm chi phí, giảm thời gian, tránh tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.
Đồng thời, cần có quy định cụ thể, cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (từ 30%, 50%, 70% tới 100% công suất như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh).
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đây là đề xuất hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Bộ Y tế sẽ cử đại diện cục, vụ chức năng phối hợp làm việc với Bộ Công Thương để xây dựng, đưa ra tiêu chí mới cho mô hình sản xuất an toàn, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Quá trình làm việc, hai bộ cũng sẽ khảo sát, tham vấn ý kiến thực tế của các doanh nghiệp, người lao động nhằm mục đích đưa ra tiêu chí sát thực tế, phù hợp nhất khi mô hình sản xuất an toàn trong thời dịch bệnh được ban hành.
Theo ông Thuấn, 2 bộ sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất đưa ra tiêu chí mô hình sản xuất, phù hợp tình hình mới.
Có mô hình sản xuất phù hợp hơn, cùng với việc đẩy nhanh tiêm vaccine cho 100% người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, vận tải, bán lẻ và logistics... là phương cách tốt nhất để tháo gỡ điểm nghẽn của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.