Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Qatar trong ngày 22/6, Giám đốc điều hành tập đoàn Glencore ông Ivan Glasenberg cảnh báo thiếu hụt tình trạng thiếu hụt ngày càng trở nên trầm trọng hơn đối với nguồn cung các kim loại cần thiết cho quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo như đồng, nickel. Tập đoàn đa quốc gia Glencore hiện là một trong những hãng khai khoáng và giao dịch kim loại lớn nhất thế giới.
Theo ông Ivan Glasenberg, hiện nhu cầu tiêu thụ đồng trên toàn cầu đạt 30 triệu tấn/năm và với tốc độ tăng trưởng nhu cầu như hiện nay thì sản lượng khai thác đồng cần phải tăng thêm 1 triệu tấn/năm để đạt mức 60 triệu tấn/năm vào năm 2050 nhằm đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, sản lượng khai thác đồng toàn cầu chỉ tăng thêm khoảng 500.000 tấn/năm và không có các dự án khai thác lớn được đưa vào hoạt động, ông Ivan Glasenberg cho biết.
Với tính chất dẫn điện vượt trội, đồng được xem là một trong những kim loại quan trọng nhất trong sản xuất năng lượng tái tạo, từ sản xuất xe điện đến các turbine điện. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cùng với các cam kết thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của nhiều nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu đang khiến nhu cầu về kim loại này tăng mạnh.
Trong tháng 5 vừa qua, giá kim loại đồng đã chạm mức cao nhất mọi thời đại 10.556 USD/tấn. Tuy nhiên, ông Ivan Glasenberg không đưa ra bất kỳ dự báo nào về một siêu chu kỳ tăng giá mới đối với các kim loại. Hiện nay, giá đồng đã giảm khoảng 1.000 USD/tấn so với mức cao kỷ lục trong tháng trước.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) mới đây đã gọi kim loại đồng là một “loại dầu mỏ mới” với dự báo giá đồng sẽ đạt mức trung bình 11.000 USD/tấn trong vòng 12 tháng tới và đạt 15.000 USD/tấn vào năm 2025, tăng khoảng 66% so với mức giá hiện tại.
Goldman Sachs cho biết nếu không tăng cường sử dụng đồng và các kim loại cơ bản khác thì năng lượng tái tạo sẽ không thể thay thế được dầu mỏ trong thời gian tới.
Do yêu cầu về phát triển năng lượng tái tạo, Goldman Sachs dự báo nhu cầu sử dụng đồng cho riêng lĩnh vực truyền dẫn điện năng sẽ tăng mạnh đến 900%, lên mức 8,7 triệu tấn, vào năm 2030; ngay cả khi tăng trưởng ở mức chậm hơn thì nhu cầu sử dụng đồng trong lĩnh vực này cũng sẽ đạt 5,4 triệu tấn, tương đương gần 600%.
Chủ tịch tập đoàn khai khoáng BHP ông Ragnar Udd cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng đồng trên toàn cầu. “Các chính sách hậu thuẫn cho việc phổ biến xe điện tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất xe điện phát triển trong tương lai. Xe điện sử dụng đồng nhiều gấp bốn lần xe chạy xăng, bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng để kết nối các trạm sạc xe điện với lưới điện cũng sử dụng lượng lớn kim loại đồng”, theo ông Ragnar Udd.
BHP kỳ vọng các mục tiêu giảm phát thải theo khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc trong năm 2015 sẽ giúp nhu cầu sử dụng đồng trên toàn cầu tăng gấp đôi và gấp bốn lần đối với nickel trong 30 năm tới.
Đối với các kim loại công nghiệp khác, ông Ivan Glasenberg cũng cảnh báo thị trường nickel và coban đang đối mặt với thâm hụt nguồn cung trầm trọng trong vài thập kỷ tới. Nhu cầu sử dụng nickel toàn cầu sẽ tăng mạnh từ 2,5 triệu tấn/năm lên 9,2 triệu tấn/năm vào năm 2030 nhờ nhu cầu sản xuất pin cho xe điện tăng mạnh, theo ông Ivan Glasenber.