Thế nào là thời trang tuần hoàn?

Circular, còn gọi là tuần hoàn, đã trở thành một khái niệm hoàn toàn mới mẻ gắn liền với xu hướng thời trang bền vững, được đưa ra bởi Tiến sĩ Anna Brismar vào năm 2014.

Thế nào là thời trang tuần hoàn?

Khác với thời trang bền vững, khi mà ở đó, thương hiệu sẽ tập trung vào việc mang đến các sản phẩm sử dụng chất liệu xanh, chất liệu hữu cơ hay tái chế, hoặc cắt giảm những chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và vận chuyển, thì… thời trang tuần hoàn lại tập trung vào việc kéo dài tuổi thọ của vật chất, của sản phẩm, nhằm loại bỏ mọi tác động tiêu cực đến môi trường.

Nói một cách khác, thời trang bền vững sẽ hướng đến sản xuất những sản phẩm mới với tính năng thân thiện cùng môi trường. Thời trang tuần hoàn, theo một hình thức khác, sẽ tập trung vào việc tái sử dụng những sản phẩm cũ, và dùng đi dùng lại trong một thời gian cố định lâu dài.

thoi trang tuan hoan

Mô hình thời trang công nghiệp hiện tại đang được vận hành theo đường thẳng hay mô hình tuyến tính (như mô hình ở hình trên). Theo đó, tài nguyên được khai thác một cách thiếu sự kiểm soát. Điều đó để nhằm cung cấp nguyên liệu thô cho quá trình sản xuất trước khi đến tay người tiêu dùng. Và sau đó? Những sản phẩm ấy sẽ bị vứt bỏ khi không còn cần thiết nữa. “Khai thác - Sản xuất - Đào thải” luôn là quá trình chung quy của nền công nghiệp thời trang hiện tại.

Mô hình thời trang bền vững, ở một khía cạnh khác, sở hữu đầy đủ tính chất tuần hoàn. Theo đó, sau khi được khai thác và đưa vào sử dụng, tài nguyên sẽ được giữ lại và xoay vòng trong hệ tuần hoàn tiêu dùng ấy lâu nhất có thể, thông qua việc sử dụng và tái sử dụng sản phẩm ấy dưới nhiều hình thức khác nhau. Sau đó, chính sản phẩm ấy sẽ được tái chế thành vật liệu thô được dùng trong sản xuất, nhằm tạo nên một sản phẩm hoàn toàn mới mà không cần phải khai thác thêm tài nguyên. “Khai thác - Sản xuất - Tái chế” là hướng đi mới mà mô hình thời trang tuần hoàn đem lại.

Thời trang tuần hoàn kéo dài tính ứng dụng và tuổi thọ của sản phẩm

Thời trang tuần hoàn đòi hỏi sản phẩm phải có độ bền cao và đáp ứng được quy trình tái sử dụng lận tái chế. Tuy nhiên, ngoài tuổi thọ vật lý, người dùng có thể tăng tính ứng dụng để kéo dài thời gian sử dụng của chính sản phẩm ấy. Nói cách khác, chúng ta tạo ra nhiều mục đích sử dụng hơn đối với sản phẩm ấy, điển hình như chia sẻ sản phẩm thông qua việc bán lại, cho thuê và tái thiết kế. Điều này còn nhằm tăng giá trị lẫn kéo dài vòng đời của sản phẩm.

Tương lai của thời trang tuần hoàn

Trong vài thập kỷ qua, cách thức sản xuất và tiêu dùng của thời trang đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội. Thời trang ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên ở mức báo động, ít quan tâm tới tác động môi trường, và 85% trong số 53 triệu tấn hàng dệt được sản xuất mỗi năm cuối cùng cũng bị thải hoặc bị thiêu hủy. Trong toàn ngành công nghiệp, chỉ có 13% hàng dệt được tái chế. Ít hơn 1% hàng dệt may được tái chế thành quần áo mới, gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD nguyên liệu mỗi năm. Mô hình tuyến tính của thời trang cần một sự chuyển đổi căn bản và tính tuần hoàn có thể đáp ứng điều đó.

Người tiêu dùng có thể hỗ trợ gì cho thời trang tuần hoàn

Nhu cầu và sự ủng hộ ngày càng tăng đối với các mẫu thời trang tuần hoàn đã trực tiếp dẫn đến việc nhiều thương hiệu cung cấp các chương trình mua lại, sử dụng chất liệu bền vững, v.v. Vậy bạn có thể làm gì để hỗ trợ nền kinh tế thời trang tuần hoàn? Một số hành động chính mà người tiêu dùng có thể thực hiện để phù hợp với thời trang tuần hoàn, đó là:

- Quan tâm tới quần áo của mình hơn

- Mua quần áo có tính bền vững

- Mua lại hàng đã sử dụng

- Thuê lại các bộ thời trang theo mùa vụ, sự kiện

- Đổi quần áo với bạn bè

- Thực hiện các chương trình tái chế

- Mua quần áo được làm từ các chất liệu bền vững

- Tham gia các chương trình trao đổi quần áo cũ cho người khác sử dụng

 

Lam Anh (Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam)