Thép Việt chờ đợi "phán quyết" cuối cùng của EC về việc gia hạn biện pháp tự vệ

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ để gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép nhập khẩu trên cơ sở yêu cầu của một số nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU).

Trước đó, ngày 1/2/2019, EC đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với 26/28 nhóm sản phẩm thép bị điều tra trong 3 năm, kết thúc vào ngày 31/6/2021. 

EC cho biết, một số thành viên EU đã cung cấp đủ thông tin, bằng chứng có cơ sở về sự cần thiết phải gia hạn biện pháp tự vệ để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất EU và việc các nhà sản xuất EU đang điều chỉnh, do đó, theo quy định pháp luật của EU, EC khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ để xem xét gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ và thời gian gia hạn (nếu có). 

Việc rà soát bao gồm: (i) đánh giá sự cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng, (ii) xem xét, đánh giá hoạt động của ngành sản xuất trong nước, (iii) việc gia hạn biện pháp có tác động tới lợi ích công chúng EU không.

EC cho biết sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các nhà sản xuất thép EU để thu thập thông tin. Ngoài ra, EC cho phép các bên liên quan gửi ý kiến bình luận, thông tin bằng chứng bằng văn bản tới EC trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố Thông báo khởi xướng trên Công báo EU (tức kể từ ngày 26/2/2021). Cũng trong thời hạn này, các bên liên quan có thể gửi yêu cầu tham vấn bằng văn bản tới EC.

Ngoài ra, EC cũng cho phép các bên liên quan bình luận về thông tin mà các bên liên quan khác đệ trình trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày các bên liên quan đệ trình lập luận và các nhà sản xuất EU gửi bản trả lời câu hỏi điều tra.

Kết luận điều tra rà soát dự kiến được ban hành muộn nhất vào ngày 30/6/2021.

Hiện nay, trong số các sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang EU, có 4 nhóm sản phẩm đang bị áp dụng biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan bao gồm: nhóm 2 (thép tấm cán nguội), nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng), nhóm 9 (thép tấm không gỉ), nhóm 24 (ống thép đúc).

Nhóm sản phẩm

Hạn ngạch thuế quan toàn cầu (tấn)

Xuất khẩu của Việt Nam năm 2020

Quý 1/2021

Quý 2/2021

Lượng (Tấn)

Giá trị (Triệu Euro)

Nhóm 2 (thép tấm cán nguội)

252.391,11

255.195,45

331.860,5

182,6

Nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng)

37.843,96

37.264,44

128.259,20

97,3

Nhóm 24 (ống thép đúc)

35.461,44

35.855,45

111.433,4

220,8

Nhóm 9 (thép tấm không gỉ)

46.526,20

47.043,16

68

0,137

Để ứng phó kịp thời và hiệu quả vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan xem xét gửi ý kiến bình luận về vụ việc, yêu cầu tham vấn tới EC theo đúng thể thức và thời gian quy định. Đồng thời, theo dõi thông tin vụ việc, gửi ý kiến bình luận đối với ý kiến của các bên liên quan khác trong trường hợp cần thiết cũng như hợp tác toàn diện với Cơ quan điều tra trong suốt quá trình vụ việc diễn ra.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của EU để có ý kiến với Chính phủ EU, yêu cầu xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế xã hội và lợi ích công chúng; mặt khác liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để trao đổi thông tin và nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

“Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ, cung cấp thông tin không trung thực có thể dẫn tới việc EC sử dụng các chứng cứ sẵn có”, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thông tin vụ việc và trong trường hợp cần thiết, sẽ phối hợp với Hiệp hội thép Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan có các hành động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành thép xuất khẩu của Việt Nam.

Thy Thảo