Choáng ngợp vì kế hoạch đồ sộ
Các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam từ lâu. Nhưng lấy mốc từ 2015, năm Việt Nam cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài, cùng với các chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… khiến doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tràn vào Việt Nam.
Chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng chục hãng bán lẻ nước ngoài hiện diện, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ đọc tên lên thôi đã mỏi hết mồm: Aeon, Lotte Mart, Parkson, Auchan, Central Group, BigC, Letee Mart, 7-Eleven, Takashimaya, Bibo Mart, GS25, E-Mart, Family Mart…
Theo những bước chân gia nhập thị trường là những kế hoạch đồ sộ: Aeon đặt mục tiêu, có 20 trung tâm thương mại vào năm 2020; kế hoạch của Lotte là đến năm 2020 khai trương tại thị trường Việt Nam 60 trung tâm thương mại; 7 - Eleven đặt mục tiêu sẽ mở được 100 cửa hàng trong vòng 3 năm đầu và tăng gấp 10 lần con số này trong 7 năm tiếp theo; chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart của Thái Lan lên kế hoạch mở tới 3.000 cửa hàng; GS25 dự định mở 50 cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đến cuối 2018 và mở rộng mạng lưới lên 2.500 địa điểm trong vòng 1 thập kỷ; Parkson dự định mở 2-3 trung tâm mỗi năm tại các đô thị lớn của Việt Nam; Auchan lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD, mở 300 siêu thị và cửa hàng tại nước ta.
Choáng ngợp với những kế hoạch đồ sộ, một số dự báo đã đưa ra bức tranh khá “xám” cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước. TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (tại thời điểm đó) cho rằng, trong cuộc cạnh tranh nội-ngoại trong lĩnh vực bán lẻ, kẻ yếu về quản lý, năng lực sẽ bị những người có tiềm lực mạnh hơn thâu tóm. Nhìn từ phía các doanh nghiệp Việt, chắc chắn sự xuất hiện của những đối thủ "khổng lồ" trên có thể sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay kinh tế khó khăn. Cũng theo chuyên gia này, rất dễ có thể nhìn nhận được những lợi thế của các doanh nghiệp nước ngoài. Không những có chiến lược phát triển hợp lý theo kiểu "đi tắt đón đầu" mà họ luôn tỏ ra giàu có về vốn. Khi cần vốn, họ có thể huy động được nguồn vốn ở nước họ với lãi suất rất thấp, thấp hơn mặt bằng lãi suất ở Việt Nam nhiều. Nếu các doanh nghiệp Việt không có "đấu pháp" hợp lý thì ai cũng biết được kết quả của cuộc cạnh tranh này như thế nào!
Một chuyên gia khác, là nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước chính là tài chính và thiếu "chiến lược dài hơi", thiếu tầm nhìn. Đây chính là “tử huyệt” mà các tập đoàn nước ngoài đang khoét vào để thống lĩnh thị trường.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng nhận định, trong phân khúc thị trường bán lẻ, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thể bằng được các "ông lớn" ngoại quốc.
Ngậm ngùi kẻ ở người đi
Trái với dự đoán, sau hơn 4 năm kể từ 2015, Việt Nam cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài, những siêu thị và đại siêu thị của các nhà bán lẻ nước ngoài (Big C, Lotte Mart, Aeon, MM Mega Market) cộng lại, số lượng chưa bằng Co.op Mart (Co.op Mart hiện có 100 siêu thị tại Việt Nam, trong khi các nhà bán lẻ của nước ngoài cộng lại con số chỉ có vài chục).
Một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng. Các năm còn lại, con số lỗ của Metro dao động từ 89 đến 160 tỷ đồng. Năm 2014 Metro Cash & Carry bán lại hệ thống của mình với 19 trung tâm thương mại tại 14 tỉnh, thành, 5 kho trung chuyển và tổng cộng 3.600 nhân viên cho đối tác Thái Lan.
Parkson hồ hởi với dự định mở 2-3 trung tâm mỗi năm tại các đô thị lớn của Việt Nam, sau 4 năm đã đuối sức, rồi lần lượt phải đóng cửa các trung tâm thương mại khi kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Kết cục phải ngậm ngùi ra đi vào năm 2018. Auchan cũng đuối sức và ra đi sau 4 năm trụ tại thị trường bán lẻ nước ta. Trước Auchan, hãng phân phối Casino Group (Pháp) cũng đã bán lại hệ thống siêu thị Big C VN cho Tập đoàn Central Group của gia tộc tỉ phú Thái Chirathivat với tổng giá trị thương vụ 1,05 tỉ USD.
Nhiều người ngậm ngùi ra đi, nhưng số người ở lại còn đông hơn. Theo đánh giá, với phân khúc siêu thị hàng hiệu thì các thương hiệu hàng đầu Âu-Mỹ vẫn chiếm ưu thế. Với phân khúc siêu thị đại chúng, các tập đoàn ở khu vực lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc nhìn thấy cơ hội và khả năng tiếp cận của mình rõ rệt hơn so với các tập đoàn ở xa như Đức, Pháp. Do đó, cuộc cạnh tranh nội-ngoại trong lĩnh vực bán lẻ vẫn còn tiếp diễn.
Nhìn trên tổng thể, hiện nay thị phần kênh bán lẻ đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, chuỗi bán lẻ nội chiếm 73% và 27% là chuỗi ngoại. Như vậy, các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm thị phần khá cao là 3 /4, trong khi các nhà bán lẻ ngoại chỉ chiếm 1/4. Khoảng 3 năm gần đây, các nhà bán lẻ nội vẫn duy trì được thị phần hàng tiêu dùng nhanh phân phối cho người tiêu dùng (NTD), tăng từ 72% (năm 2016) lên 74% (năm 2018).
Như vậy, dự báo có những cuộc thôn tính của doanh nghiệp ngoại đối với doanh nghiệp nội trong lĩnh vực bán lẻ đều trật lất; nhưng lại là tin vui cho đến thời điểm này.