Thị trường tiềm năng 10.000 tỷ USD
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường thực phẩm Halal phục vụ gần 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam.
Trong đó, các thị trường Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là những khu vực tiềm năng với vị trí địa lý gần Việt Nam. Số dân theo đạo Hồi ở đây đạt khoảng 860 triệu người, tương đương 66% tổng số người Hồi giáo toàn cầu. Quy mô thị trường Halal tại khu vực Đông Nam Á chiếm khoảng 230 tỷ USD và khu vực Nam Á - Nam Thái Bình Dương ước đạt 238 tỷ USD mỗi năm.
Đặc biệt, với những lợi ích cho sức khoẻ, môi trường… nên hiện nay nhu cầu về sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal không chỉ phổ biến với những người theo đạo Hồi giáo mà ngày càng nhiều thị trường lớn trên thế giới như Bắc Mỹ, Liên minh châu Âu… gia tăng.
Một số tổ chức kinh tế dự báo quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7.700 tỷ USD trong năm 2025 và sẽ cán mốc 10.000 tỷ USD vào năm 2028.
Đánh giá về tiềm năng khai thác thị trường Halal, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới và nằm gần các thị trường Halal trọng điểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ bước đầu khai phá thị trường này với khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal mỗi năm. Các sản phẩm chủ yếu bao gồm hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu tận dụng tốt cơ hội, sản phẩm Việt Nam có thể vươn xa hơn trên thị trường Halal”.
Đồng tình với nhận định trên, ông Võ Trung Hiếu - Giám đốc Kinh doanh quốc tế Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE) cho biết, thị trường Halal hiện chiếm khoảng 80% doanh số xuất khẩu của công ty. Trong đó, có những nhóm thị trường tăng trưởng cao cả về tỷ trọng đóng góp lẫn giá trị, thậm chí có thị trường có mức tăng trưởng ước tính hơn 80% trong năm 2024.
"Việt Nam mở rộng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (CEPA), tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước thâm nhập thị trường Halal. Đón cơ hội mới này, công ty đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng sản lượng 5 -10% cho các thị trường truyền thống. Đồng thời, nghiên cứu các sản phẩm phù hợp để mở rộng các thị trường Halal lớn như Malaysia, Indonesia…", ông Võ Trung Hiếu chia sẻ.
Chứng nhận Halal liệu có đủ?
Vinamilk cho biết, giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal là điều kiện tiên quyết để tham gia vào thị trường này. Hiện 387 mặt hàng xuất khẩu của công ty đều đạt chuẩn Halal. Nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực là sữa bột công thức, sữa bột đặc trị, bột dinh dưỡng và sữa đặc. Ngoài ra, Vinamilk còn đang mở rộng các dòng sản phẩm ngoài sữa và sữa chua uống men sống (probiotic drink).
Tuy nhiên, ông Võ Trung Hiếu cũng lưu ý, các tiêu chuẩn Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn. Chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn và không đồng nhất giữa các quốc gia, do đó doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu thâm nhập thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nhìn nhận việc logo Halal gắn trên sản phẩm không chỉ đơn thuần là một chứng nhận, mà còn là cam kết của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng.
"Cam kết này bao gồm nhiều yếu tố phía sau, từ tìm kiếm sản phẩm và hương vị phù hợp, thực hành sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn Halal đến các chương trình hậu mãi, thiết kế bao bì… phù hợp với đặc thù thị trường. Logo Halal trên sản phẩm không phải là "bài thi" duy nhất để thâm nhập thị trường. Điều quan trọng là phải thật sự am hiểu về nhóm thị trường này, để có nhận thức và thực hành tương thích", Giám đốc Kinh doanh quốc tế nhấn mạnh.
Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp bản địa
Cùng với việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về chất lượng, việc gắn kết chặt chẽ với các đối tác địa phương được xem là một trong những “bí quyết” chính giúp Vinamilk “bám rễ” tại một thị trường 10 - 20 năm.
Ông Zia Ahmad, một nhà nhập khẩu của Vinamilk tại khu vực Trung Đông cho biết, "Tôi biết Vinamilk tại hội chợ quốc tế từ hơn 10 năm trước. Tôi quyết định hợp tác với Vinamilk để phân phối sữa bột trẻ em Việt Nam vào thị trường Afghanistan. Doanh nghiệp này đã hỗ trợ chúng tôi cách tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi cũng như các hội thảo về sức khỏe và dinh dưỡng cho khách hàng. Ngoài sữa bột trẻ em, chúng tôi đang mở rộng sang nhiều dòng sữa khác".
Minh chứng cho thực tế này, nhãn hiệu Alpha của Vinamilk thành sản phẩm quen thuộc với người dân, doanh thu tăng trưởng gấp nhiều lần sau hơn 10 năm thâm nhập thị trường Afghanistan, ông Võ Trung Hiếu chia sẻ.
Thông qua các đối tác bản địa, nhà xuất khẩu này có thể cung cấp các sản phẩm sát với nhu cầu của người dùng, cũng như thiết kế bao bì, quảng cáo, hình ảnh thương hiệu… phù hợp thị hiếu từng thị trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến văn hoá, tôn giáo.
Ngoài ra, việc tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, giao lưu kết nối… cũng được Vinamilk tiết lộ là kênh hiệu quả để mở rộng thị trường xuất khẩu, không riêng với sản phẩm Halal
Trong năm 2024, doanh nghiệp đã tham gia gần 20 hội chợ, triển lãm và hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó nhiều hợp đồng triệu USD đã được ký kết.