Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm, thị trường M&A (mua bán - sáp nhập) tại Việt Nam đã có phần chậm lại so với tốc độ kỷ lục vào năm 2021, với tổng số thương vụ trong năm 2022 giảm 3% từ 142 còn 138. Tuy nhiên, tổng giá trị thương vụ vẫn tăng nhẹ 6% so với con số ước tính năm 2021, đạt 5,7 tỉ USD (theo Mergermarket).
Trong khi đó, số lượng và giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu năm 2022 lần lượt giảm 34% và 39% so với năm trước. Vì vậy, có thể thấy rằng 2022 vẫn là một trong những năm khởi sắc nhất của thị trường M&A tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm.
Trong năm nay, nhiều tổ chức tài chính uy tín nhận định, tổng thể chung, thị trường M&A Việt Nam tiếp tục ở mức tích cực với nhiều thương vụ tiềm năng bất chấp các khó khăn kinh tế. Đặc biệt, thế chủ động trong “cuộc chơi” sẽ thuộc về các doanh nghiệp có sẵn lượng tiền dồi dào, cấu trúc vốn lành mạnh trong bối cảnh các ngân hàng thương mại tại Việt Nam vẫn đang duy trì chặt chẽ tỷ lệ tài trợ vốn cho mục đích M&A và mặt bằng chi phí sử dụng vốn trong và ngoài nước đều đã tăng cao.
Tận dụng giai đoạn trầm lắng, doanh nghiệp nội mạnh tay xuống tiền
Ngay trong 4 tháng đầu năm nay, thị trường đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A sôi động từ dòng vốn trong nước, diễn ra dưới nhiều hình thức, từ thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp mục tiêu đến bắt tay hợp tác, thông qua chào mua công khai trên thị trường chứng khoán hay thoả thuận bí mật. Đặc trưng các thương vụ này là mang khẩu vị chiến lược trong việc tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh lõi.
Điển hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang nổi lên là doanh nghiệp “mua sắm” mạnh tay với 2 thương vụ liên tiếp nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang.
Trong đó, đầu tháng 2, Hoá chất Đức Giang chi ra gần 135 tỷ đồng mua vào 3,4 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng (Tibaco) để nâng sở hữu từ 0% lên 51% vốn điều lệ từ 2 cá nhân. Hai cá nhân này là người đã thâu tóm toàn bộ số cổ phiếu của Tibaco khi Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp này vào giữa tháng 1. Tibaco là đơn vị có hơn 60 năm kinh nghiệm sản xuất pin ắc quy.
Thương vụ này được đánh giá mang lại lợi ích cho tất cả các bên có liên quan. Đối với Hoá chất Đức Giang, việc sở hữu Tibaco sẽ giúp tập đoàn này mở rộng danh mục sản phẩm và phát triển lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới - sản xuất pin lithium phosphate. Đây là sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp xe điện, được đánh giá có nhiều tiềm năng trong tương lai.
Với vị thế là nhà sản xuất và thương mại phốt pho vàng lớn nhất Việt Nam (hiện chiếm hơn 50% thị phần), phía Hoá chất Đức Giang sẽ cung cấp các hợp chất liên quan đến phốt pho cho Tibaco, dự kiến trong quý 2/023 sẽ thực hiện sản xuất những viên pin lithium đầu tiên.
Về phía Tibaco, việc về chung nhà Hoá chất Đức Giang có thể mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhờ tận dụng các lợi thế về công nghệ, quản trị và vốn của tập đoàn này để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường ắc quy. Đối với Vinachem, giới quan sát đánh giá thương vụ thoái vốn nhà nước khỏi Tibaco là thương vụ hiệu quả khi giá thoái vốn cao hơn gấp đôi so với thị giá của cổ phiếu Tibaco trên thị trường chứng khoán.
Hoá chất Đức Giang cho biết kế hoạch mua lại phần vốn tại Tibaco phải đi đường vòng vì sợ các đối thủ sẽ tham gia và đẩy giá thâu tóm Tibaco lên cao.
Đến giữa tháng 4, Hoá chất Đức Giang tiếp tục thông báo sẽ chi 635 tỷ đồng để mua lại 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Phốt Pho 6, dự kiến thương vụ sẽ diễn ra trong quý 2/2023. Mức giá này tương ứng với việc Hoá chất Đức Giang phải bỏ ra tới 17.500 đồng cho mỗi cổ phần của Phốt Pho 6, cao hơn 75% so với mệnh giá cổ phần của Phốt Pho 6. Đây được xem là thương vụ giúp Hoá chất Đức Giang đạt được nhiều mục tiêu chiến lược cùng lúc.
Thông qua thâu tóm Phốt Pho 6, tổng sản lượng phốt pho vàng của Hoá chất Đức Giang sẽ thăng thêm tới 18%. Qua đó, loại bớt sự cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu phốt pho vàng đang ở mức yếu; cũng cố vững chắc vị thế đầu ngành nhờ gia tăng cách biệt công suất đáng kể với các đối thủ đang bám đuổi, nhất là khi ngành hoá chất là ngành có rào cản gia nhập lớn.
Hoá chất Đức Giang cũng cho biết thương vụ sẽ giúp doanh nghiệp tạo chuỗi sản phẩm chế biến sâu các sản phẩm từ phốt pho, sẵn sàng đón đầu cơ hội khi thị trường bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Ông Đào Hữu Duy Anh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Đức Giang cho biết: “Năm nay là cơ hội để chúng tôi mua sắm các tài sản giá rẻ. Khi nền kinh tế khó khăn, chính phủ có các chính sách thúc đẩy, đó là cơ hội tốt để đầu tư. Việc các đơn vị trong ngành suy yếu cũng tạo điều kiện cho các thương vụ thâu tóm diễn ra”.
Thị trường M&A tiếp tục chứng kiến việc Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO thông báo sẽ đầu tư để nắm quyền chi phối tại Công ty TNHH MTV Chế Biến Thực Phẩm Thọ Phát – đơn vị sở hữu thương hiệu nổi tiếng Bánh bao Thọ Phát.
Thương vụ thâu tóm thương hiệu bánh bao 35 năm tuổi này được Tập đoàn KIDO đưa ra khá nhanh khi lãnh đạo tập đoàn cho biết mới tiếp xúc phía Thọ Phát từ quý 3/2022. Dù không tiết lộ giá trị thương vụ, KIDO cho biết đây là khoản đầu tư lớn.
Thọ Phát được xem là thương hiệu bánh báo số 1 tại Việt Nam, đặc biệt được ưa chuộng tại khu vực phía Nam. Bên cạnh dòng bánh bao, Thọ Phát còn đang kinh doanh nhiều dòng bánh phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.
Tuy nhiên, lợi nhuận của Thọ Phát trong những năm gần đây không tương xứng với quy mô doanh thu khi doanh nghiệp này có mức đòn bẩy tài chính cao, quy mô nợ phải trả gấp hàng trăm lần vốn chủ sở hữu.
Việc để Tập đoàn KIDO nắm quyền chi phối sẽ giúp Thọ Phát giải quyết các vấn đề tài chính. Đồng thời, tận dụng thế mạnh về quản trị, phát triển thương hiệu, vận hành logistics và hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh trên toàn quốc, Tập đoàn KIDO sẽ đưa các sản phẩm thương hiệu Thọ Phát nhanh chóng phủ toàn bộ thị trường miền Bắc, miền Trung cũng như xuất khẩu ra thế giới.
Về phía Tập đoàn KIDO, thương vụ này đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của tập đoàn này trong lĩnh vực chế biến bánh, dần hiện thực hoá mục tiêu xếp thứ 2 ngành chế biến bánh Việt Nam, sau Mondelez Kinh Đô Việt Nam (thuộc tập đoàn Mondelēz International, Mỹ) khi mục tiêu này đã bị trì hoãn trong 2 năm dịch COVID-19. Trước đó, vào cuối năm 2014, Tập đoàn KIDO đã bán lại thương hiệu vương miện đỏ Kinh Đô cho Mondelēz International với giá khoảng 10.000 tỷ đồng và cam kết không tham gia lại ngành bánh kẹo trong vòng 5 năm.
Ngành bánh kẹo Việt Nam hiện được đánh giá là lĩnh vực hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng từ 5 - 8%/năm và biên lợi nhuận hấp dẫn đối với nhiều dòng sản phẩm.
Ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết: “Thông qua thương vụ M&A thương hiệu Thọ Phát, chúng tôi đặt kế hoạch doanh thu cho Thọ Phát cùng với mảng bánh của Tập đoàn KIDO, dự kiến sẽ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận kế hoạch là 200 tỷ đồng năm 2023, đây là khoản đóng góp quan trọng vào tổng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch của tập đoàn trong năm nay ”.
Ngoài ra, thị trường M&A thời gian tới sẽ chứng kiến chuỗi thương vụ trong ngành cấp nước đến từ Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase). Biwase cho biết sẽ nắm giữ từ 50% - 100% cổ phần của 5 công ty trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Long An và Quảng Bình để mở rộng địa bàn và lĩnh vực kinh doanh.
Dễ thấy, cơ sở chủ chốt cho các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn xuống tiền nhanh các thương vụ M&A trong giai đoạn này đến từ lợi thế nắm giữ khối tiền mặt lớn, sở hữu “lớp đệm vốn dày”. Cụ thể, tính đến cuối quý 1/2023, Hoá chất Đức Giang đang nắm giữ tới 8.800 tỷ tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm (chiếm 67% tổng tài sản). Trong khi đó, KIDO hiện có hơn 2.700 tỷ tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm (chiếm 21% tổng tài sản), hơn 1.300 tỷ lợi nhuận chưa phân phối (chiếm gần 10% tổng nguồn vốn) và hệ số đòn bẩy tài chính chỉ ở mức khoảng 48%.
Thị trường hấp dẫn, tiền ngoại chấp nhận rủi ro cao hơn
Thông thường, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tiếp cận thận trọng hơn so với các nhà đầu tư trong nước. Quá trình xem xét và phê duyệt các cơ hội đầu tư đối với thị trường Việt nam thường mất khá nhiều thời gian vì nhà đầu tư nước ngoài cần cân đo giữa các lợi ích hiện có với những cơ hội đầu tư khác trước khi ra quyết định.
Tuy nhiên, một số tín hiệu cho thấy mặc dù thị trường tài chính quốc tế hiện còn nhiều biến động khó lường nhưng nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, đang chấp nhận khẩu vị rủi ro cao hơn đối với thị trường Việt Nam trong giai đoạn gần đây. Khẩu vị của dòng vốn nước ngoài cũng đang dần chuyển từ số lượng sang chất lượng.
Nổi bật là thương vụ ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, Nhật Bản) chi 1,5 tỷ USD mua 15% cổ phần phát hành riêng lẻ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vào cuối tháng 3 vừa qua. Đánh dấu thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay. Thương vụ này giúp SMBC trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank – ngân hàng có hệ sinh thái đa tầng và tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu trong ngành ngân hàng Việt Nam.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Ngân hàng UOB (Singapore) thông báo đã hoàn tất việc mua lại mảng ngân hàng bán lẻ và thẻ tín dụng khách hàng cá nhân của tập đoàn Citigroup (Mỹ) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng trong nước đang tích cực tìm đối tác nước ngoài trong bối cảnh năm nay sẽ có 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó, có 2 ngân hàng nhận chuyển giao đề xuất được nâng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.
Cũng tranh thủ lúc thị trường trầm lắng, dòng vốn ngoại đang tích cực tìm kiếm các cơ hội M&A mảng bất động sản. Hãng tin Reuters cho biết, tập đoàn CapitaLand (Singapore) đang xem xét mua lại một phần dự án của Vinhomes với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD. Nếu thoả thuận này thành công, đây sẽ là một trong những thương vụ M&A bất động sản lớn nhất Đông Nam Á trong vài năm gần đây.
Có nhiều cơ sở để thị trường Việt Nam được đánh giá hấp dẫn, giàu tiềm năng bậc nhất trong khu vực đối với các tập đoàn quốc tế, trong đó, ngoài nhu cầu đa dạng của gần 100 triệu dân, cơ hội mở rộng và nhộn nhịp hơn khi kinh tế Việt Nam ngày càng mở, hội nhập sâu toàn cầu mang đến các dòng vốn đa chiều từ các bên.
Giai đoạn trầm lắng của nền kinh tế hiện nay được xem là thời điểm “vàng” để các doanh nghiệp trong và ngoài nước với tầm nhìn dài hạn củng cố vị thế, thâm nhập thị trường sâu hơn, sẵn sàng chinh phục các đỉnh cao mới khi bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Tiến sĩ Gregory Bournet, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo mảng tư vấn Tài chính doanh nghiệp PwC Malaysia và PwC Việt Nam cho biết: “Việt Nam được coi là ngôi sao đang lên trong khu vực và trên thế giới về các hoạt động M&A nhờ tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ, môi trường kinh tế và chính trị ổn định, tốc độ số hóa nhanh chóng và số lượng công ty khởi nghiệp công nghệ ngày càng tăng bất chấp những rào cản trên. Việt Nam được dự đoán sẽ thu hút 36-38 tỉ USD vốn FDI trong năm 2023, tăng từ 22,4 tỉ USD vào năm 2022 (theo Cục Đầu tư Nước ngoài). Các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, ưu tiên các dự án liên quan đến yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), xây dựng niềm tin của nhà đầu tư và việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã ảnh hưởng tích cực đến thị trường M&A.”