Khác nhau trong nhìn nhận về CNC không chỉ tạo bất đồng tại các hội thảo mà còn có thể làm triệt tiêu các nỗ lực của mỗi phía. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển CNC của Nhà nước ít được doanh nghiệp chú ý và hưởng ứng. Giới khoa học cảm thấy, Nhà nước chưa tạo điều kiện tốt để họ phát triển CNC. Thiện chí, hợp tác của các cơ quan KH&CN với các doanh nghiệp thường bị từ chối. Doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước và giới khoa học chưa quan tâm đúng những gì cần cho phát triển CNC ...
Tình trạng chính sách không đi vào cuộc sống, nghiên cứu không gắn với sản xuất, sự lạc hậu về công nghệ của các doanh nghiệp đang tồn tại phổ biến ở nước ta và gây cản trở đối với sự phát triển kinh tế nói chung. Song, riêng đối với lĩnh vực CNC, chúng có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Phát triển CNC vốn đòi hỏi và cho phép thống nhất chặt chẽ hơn bao giờ hết các thành phần trong nền kinh tế cũng như kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và sản xuất. Có thể nói, đặc trưng động lực và sức mạnh của CNC chính là ở sự thống nhất và gắn bó chặt chẽ đó.
Rõ ràng, để phát triển CNC, trước hết phải khắc phục những khác biệt về khái niệm. Hơn nữa nên coi đó là vấn đề tất yếu phát sinh từ thực tế.
1. ý nghĩa kinh tế cần được nhấn mạnh như là mục tiêu và công nghệ chỉ là phương tiện hướng vào mục tiêu kinh tế. CNC mang lại sức cạnh tranh và lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua nỗ lực của doanh nghiệp với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan KH&CN và Nhà nước.
Với một nền kinh tế đang phát triển, công nghệ còn lạc hậu, đang trong quá trình CNH, HĐH thì nhu cầu CNC ở nước ta khá đa dạng. Hiểu về CNC cũng cần linh hoạt trên các khía cạnh nhất định: ứng dụng CNC nhằm vào phục vụ lợi ích trước mắt, sáng tạo CNC nhằm tới lợi ích lâu dài; CNC khác nhau tuỳ theo các giai đoạn phát triển và các ngành kinh tế; Tính linh hoạt sẽ là thách thức đối với tính thống nhất và đặt ra yêu cầu cân đối vĩ mô trong các chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển CNC của Nhà nước.
2. Phát triển CNC phải chú ý tới những dạng thức cụ thể như ngành công nghiệp CNC, khu CNC, doanh nghiệp CNC, sản phẩm CNC. Cần có những hệ thống tiêu chí và sự lựa chọn kỹ lưỡng về các dạng thức trên. Tuy nhiên có thể hiểu một cách giản đơn nhất là CNC là các ngành sản xuất và dịch vụ dựa trên CNC; khu CNC là tích hợp giữa nghiên cứu và sản xuất CNC; doanh nghiệp CNC là doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm CNC, có dây chuyền thiết bị công nghệ cao; sản phẩm CNC là những sản phẩm được chế tạo ra trên cơ sở của hoạt động sản xuất công nghiệp CNC. Như vậy, bản chất ở đây là phát triển sản xuất dựa trên CNC.
Một khi đã đi vào xác định ngành công nghiệp CNC, khu CNC, doanh nghiệp CNC, sản phẩm CNC thì chính sách phát triển CNC, chương trình CNC, dự án CNC, hệ thống tổ chức KH&CN về CNC sẽ có định hướng rõ rệt. Qua đó, sự thống nhất quan niệm về CNC được cụ thể và mang ý nghĩa thực tiễn hơn cả.
3. Phát triển CNC nên chú ý tới quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học dưới sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.
Có nhiều hình thức liên kết doanh nghiệp với viện, trường trong phát triển CNC như: liên kết trong khuôn khổ của mạng lưới đổi mới; liên kết thực hiện theo chương trình của Nhà nước; liên kết được hình thành độc lập bởi các viện, trường và doanh nghiệp. Việc thiết lập các hình thức liên kết đòi hỏi những nỗ lực từ nhiều phía.
Các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ cho NC&PT. Cùng với đầu tư, hoạt động nghiên cứu cũng phải chiếm phần đáng kể trong quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải được tổ chức lại để gắn kết chặt chẽ giữa bộ phận nghiên cứu với các bộ phận khác, nhất là bộ phận marketing. Các biện pháp giảm sự ngăn cách các bộ phận có thể là kích thích quay vòng công việc giữa các bộ phận, hợp tác toàn thể bộ phận dưới hình thức các nhóm theo những dự án cụ thể...
Hiện tại, dường như các doanh nghiệp chưa thấy rõ hoạt động nghiên cứu của các tổ chức khoa học mang lại ích lợi thiết thực cho công việc kinh doanh của họ. Để thoát khỏi định kiến này và cải thiện hình ảnh trước doanh nghiệp, các trường đại học cần xác định rõ lại chức năng của mình là coi trọng đồng thời các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và thương mại hoá, triển khai kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Các nhà nghiên cứu của viện cần hạn chế tập trung vào những vấn đề quá xa vời và tiếp cận hơn nữa vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Mặc khác, đặt trong mối liên kết với doanh nghiệp, cộng đồng khoa học phải có sự liên kết chặt chẽ nội bộ. Từ những đơn vị khác nhau, lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học tạo thành các nhóm phối hợp hoạt động nhằm giải quyết vấn đề bức xúc của sản xuất. Từ chỗ tồn tại tản mạn, độc lập chuyển sang liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị nghiên cứu khác nhau để đủ sức tiến hành nghiên cứu tổng hợp theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Tham gia vào hỗ trợ cho quan hệ liên kết viện, trường với doanh nghiệp gồm có nhiều cấp chính quyền. Bên cạnh chính quyền trung ương, chính quyền địa phương ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong thúc đẩy những liên kết giữa các lực lượng trên địa bàn. Hỗ trợ của Nhà nước thông qua chương trình là một hình thức quan trọng nhằm tác động vào liên kết viện, trường với doanh nghiệp để phát triển công nghệ mới.
Quan hệ liên kết sẽ là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp, cơ quan KH&CN và cơ quan nhà nước chia sẻ các quan niệm cũng như phối hợp hành động trong phát triển CNC.
Không thể phủ nhận những nỗ lực phát triển CNC trong thời gian qua với nhiều chính sách được ban hành, nhiều chương trình nghiên cứu được thực hiện... Tuy nhiên, kết quả thực tế lại không được như mong đợi bởi một nguyên nhân chính là thiếu quan niệm thống nhất về CNC. Đây chính là điều cần nhấn mạnh trong mối quan hệ thống nhất giữa quan niệm, tổ chức và hành động nhằm phát triển CNC ở nước ta.