Thu hút các nguồn lực triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang

Các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào tỉnh An Giang gồm: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có giá trị gia tăng cao; dịch vụ, du lịch, logistics, thông tin, truyền thông và chuyển đổi số; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; khu đô thị, nhà ở...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 99/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nội dung chính của Kế hoạch là hoàn thiện, đồng bộ hệ thống các quy hoạch; trong đó, thực hiện tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh An Giang theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

An Giang
Một góc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

Phát triển hạ tầng nhằm thúc đẩy liên kết vùng gắn với 03 hành lang kinh tế

Kế hoạch nêu rõ trọng tâm thực hiện các chương trình, đề án, dự án. Cụ thể, đối với các chương trình, dự án đầu tư công: Tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả các dự án quan trọng của tỉnh. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy liên kết phát triển 03 vùng kinh tế - xã hội gắn với 03 hành lang kinh tế. Trong đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các ngành lĩnh vực đột phá phát triển của tỉnh, gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông; khu, cụm công nghiệp; khu kinh tế cửa khẩu; hạ tầng dịch vụ logistics; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; các đô thị động lực, hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao và du lịch.

Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thủy lợi; hệ thống các hồ chứa nước; giáo dục, y tế, hạ tầng công nghệ thông tin; văn hóa - xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Huy động, thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế có tiềm lực tài chính mạnh, sử dụng công nghệ hiện đại để đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá của tỉnh; các dự án lớn có tính chất liên kết, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm đúng định hướng phát triển, phù hợp với nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có giá trị gia tăng cao; dịch vụ, du lịch, logistics, thông tin, truyền thông và chuyển đổi số; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; khu đô thị, nhà ở; hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch; văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường...

Phát triển An Giang thành tỉnh khá trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 15/11/2023.

Mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.

Về kinh tế, An Giang phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 20,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 25,0%; khu vực dịch vụ khoảng 50,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 5,0%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng. Kinh tế số đạt trên 20% GRDP.

Về xã hội, dân số tăng bình quân 0,9%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 39%. Tỷ lệ đô thị hóa trên 50%.

Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN; bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Thanh Hà