Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp Hiện trạng và những kiến nghị.

Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến nay, đã có 3.617 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với số vốn đăng ký là 38,9 tỷ USD, và số vốn thực hiện đạt trên 20,7 tỷ US

Thực tế đã chứng minh sự đóng góp tích cực của khu vực FDI vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội, cũng như sự thành công của công cuộc đổi mới, cải thiện quan hệ đối ngoại, mở ra nhiều triển vọng hợp tác đa phương, củng cố vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ chỗ giữ vai trò không đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam (tỉ lệ đóng góp của khu vực FDI trong GDP năm 1992 mới chỉ là 2%), đến nay, các doanh nghiệp FDI đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng, phát triển năng động và đóng góp đến 30% tổng vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiều doanh nghiệp FDI đang được ưu đãi miễn giảm thuế, nhưng nguồn thu ngân sách từ khu vực này vẫn tiếp tục tăng và chiếm khoảng 6-7% tổng thu ngân sách hàng năm. Năm 2002, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt 7.250 triệu USD (tăng 7.198 triệu USD so với năm 1991), chiếm 38% giá trị xuất khẩu trong cả nước. Các doanh nghiệp FDI đã thu hút trên 35 vạn lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp khác. Với nguồn vốn đầu tư đến từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, FDI không chỉ bổ sung nguồn vốn mà còn mang đến Việt Nam công nghệ, kỹ thuật hiện đại, kinh nghiệp quản lý tiên tiến, tạo thêm nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, qua đó góp phần khai khác tốt hơn các nguồn lực trong nước, thúc đẩy tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH.

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực FDI tăng nhanh với tốc độ bình quân 20%/ năm. Với 60,8% tỉ lệ thực hiện vốn trong các phân ngành kinh tế, tính đến năm 2001, khu vực FDI đã đóng góp tới 35,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chiếm tỉ trọng ngày càng cao. Song vốn FDI không đầu tư dàn trải đều ở các lĩnh vực, mà tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân như năng lượng dầu khí, cơ khí, điện tử, hoá chất, dệt may, chế biến thực phẩm… Đối với một số sản phẩm công nghiệp như kết cấu thép, thép, thép cán, đèn hình, xe máy, ti vi, xà phòng, khu vực FDI đã chiếm tới trên 50% sản lượng toàn Ngành. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng chi phối hoặc tuyệt đối như dầu thô, bột ngọt, ô tô, linh kiện máy tính, tổng đài điện thoại, sản phẩm điện lạnh. Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và dịch vụ dầu khí, có 30 dự án FDI với tổng số vốn cam kết là 3,408 tỷ USD,  vốn thực hiện đạt trên 2,8 tỷ USD đang hoạt động rất hiệu quả. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và khai khoáng, có 24 dự án với tổng số vốn đăng ký 588,68 triệu USD, trong đó 15 dự án đã triển khai với vốn đăng ký 368,38 triệu USD, 3 dự án đang triển khai với vốn đăng ký 41,57 triệu USD, 2 dự án có khả năng triển khai với vốn đăng ký 65,58 triệu USD, và 4 dự án không có khả năng triển khai với vốn đăng ký 118,2 triệu USD. Các dự án FDI sản xuất ô tô, xe máy và phụ tùng cũng hoạt động tương đối tốt. Riêng 4 dự án sản xuất lắp ráp xe máy với số vốn đầu tư đăng ký là 343,25 triệu USD đã đạt công suất sản xuất, lắp ráp 1,5 triệu xe/năm, doanh thu năm 2000 hơn đạt 400 triệu USD, nộp ngân sách 40 triệu USD và tổng số lãi gần 30 triệu USD. Trong lĩnh vực Công nghiệp vật liệu xây dựng, hiện có 35 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 2,149 tỷ USD, 4 trong 5 dự án sản xuất xi măng chiếm 64% tổng số vốn đăng ký toàn ngành đã đi vào hoạt động đã đạt doanh thu trên 200 triệu USD (năm 2001). 10 dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh đều hoạt động hiệu quả, với sản lượng 1 triệu sản phẩm/năm, sản phẩm sứ vệ sinh của các doanh nghiệp FDI chiếm 40% thị phần cả nước. Trong lĩnh vực công nghiệp Hóa chất, hiện có 29 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư 695,4 triệu USD. Nhìn chung các dự án trong ngành Công nghiệp Hóa chất đang gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt, nên phần lớn còn bị lỗ. Chỉ có một số dự án có lãi là Castrol, Khí hoá lỏng LPG Việt Nam, Lever Việt Nam… Vướng mắc lớn nhất hiện nay của các dự án trong lĩnh vực này là thuế nhập thành phẩm thấp hơn thuế nhập nguyên liệu để sản xuất ra thành phẩm đó như vải giả da, thuốc trừ sâu. 32 dự án và tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD thuộc lĩnh vực Công nghiệp thực phẩm, dù được triển khai hoạt động nhanh, nhưng mới chỉ có 12 doanh nghiệp có lãi. Những doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn trong cân đối ngoại tệ cho nhu cầu sản xuất, do sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, các dự án sản xuất bia phải nộp thuế tiêu thụ  đặc biệt cho cả bao bì đựng bia, còn một số nhà máy bia có thị trường tiêu thụ, quỹ khấu hao lớn, nhưng lại chưa được phép mở rộng, tăng công suất với các dự án đang hoạt động nên ứ đọng vốn, không đầu tư được…

Như vậy, so với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, công tác thu hút FDI cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực FDI trong năm qua vẫn còn một số hạn chế. Số dự án được cấp phép tăng, nhưng phần lớn là các dự án có quy mô nhỏ. Nhiều doanh nghiệp FDI trong các ngành công nghiệp sản xuất giầy dép, bao bì, điện tử dân dụng, sản xuất ô tô… kinh doanh chưa có lãi, nhiều dự án FDI còn triển khai khó khăn, thậm trí giải thể trước thời hạn….Mặc dù môi trường đầu tư ở Việt Nam thường xuyên được cải thiện, nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn và còn tồn tại nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của Nhóm chuyên gia kinh tế học của Liên minh Châu Âu (MULTRAP) đúc kết từ các kết quả nghiên cứu và ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư thì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng không kém nhiều so với Thái Lan và Inđônêxia… Trong đó, các yếu tố kinh tế bao gồm hạ tầng cơ sở, quy mô thị trường, trình độ thu nhập học vấn của dân cư, vốn, lao động, công nghệ, nguyên vật liệu…của Việt Nam được xếp vào loại trung bình hoặc trên trung bình, còn nhóm yếu tố khung chính sách và pháp lý lại bị đánh giá là kém hơn so với hầu hết các nước có trình độ phát triển kinh tế tương đương nước ta trong khu vực châu á. Trong tình hình cạnh tranh quốc tế diễn ra găy gắt như hiện nay, thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đang giảm do chi phí đầu vào còn cao, chưa có ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vệ tinh hỗ trợ cho các ngành sản xuất chính ở Việt Nam, một số chính sách mới về vấn đề bản quyền và bảo hộ trí tuệ, chống gian lận thương mại…. còn chậm thực thi trong cuộc sống. Luật FDI đã được sửa đổi, bổ sung, nhưng trong quá trình thực hiện lại có một số quy định cụ thể hạn chế về điều kiện kinh doanh, phần nào làm cho các nhà đầu tư cho rằng, chính sách của Việt Nam còn thiếu nhất quán, minh bạch…. Hơn nữa, việc thu hút FDI những năm tới ngày càng đứng trước nhiều thách thức khi nhiều nước trong khu vực liên tục gia tăng sức cạnh tranh thu hút FDI bằng cách thay đổi chính sách, đẩy nhanh quá trình cải cách mở cửa, mở rộng hình thức và lĩnh vực thu hút FDI….

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư vừa phải tốt hơn trước đây, vừa phải tốt hơn các nước khác trong khu vực và đưa ra những giải pháp định hướng để tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả FDI là rất cấp bách. Theo hướng này, một biện pháp quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến FDI nhằm tạo sự hấp dẫn, thông thoáng, rõ ràng, ổn định, tiến tới xây dựng một mặt bằng pháp lý chung cho cả đầu tư trong nước và nước ngoài. Xây dựng hệ thống cơ chế chính sách mới phù hợp với tình hình trong nước, với luật FDI đã được sửa đổi và các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam để cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn,  tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI làm ăn có hiệu quả. Từ đó các thủ tục cấp phép FDI sẽ được đơn giản hoá, các quy định, các giấy phép không hợp lý đang cản trở hoạt động của doanh nghiệp FDI sẽ được bãi bỏ hoặc điều chỉnh. Các doanh nghiệp FDI cần được thực hiện đa dạng hoá mục tiêu hoạt động, được đầu tư ra nước ngoài để mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ, được thuê lại mặt bằng nhà xưởng dôi dư để tận dụng hết công suất…. Để tháo gỡ những khó khăn về thị trường tiêu thụ, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, xi măng, sắt, thép, điện tử…. phải thực hiện triệt để hơn công tác chống hàng nhập lậu và gian lận thương mại, nhất quán chính sách hạn chế nhập khẩu với các sản phẩm trong nước dư thừa… Mặc khác, cần đưa ra các chính sách kích cầu sản xuất và tiêu dùng hợp lý, nhằm nâng cao sức mua của thị trường trong nước. Đa dạng hoá các hình thức đầu tư để khai thác thêm các kênh thu hút đầu tư mới. Đồng thời phải đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý vĩ mô của Nhà nước, mở rộng thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng như cung cấp điện, nước, thông tin …cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ kỹ thuật công nghệ…là yếu tố quan trọng để tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư. Việt Nam cần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vệ tinh để kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp chính, đòi hỏi vốn lớn và công nghệ cao. Ví dụ như ngành sản xuất nguyên phụ liệu cho các sản phẩm dệt may, da giầy, ngành chế tạo các chi tiết, phụ kiện đơn giản cho ngành cơ khí, điện tử, điện lạnh…   Ngoài ra, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu của chủ doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư hướng vào các địa bàn và lĩnh vực trọng điểm, tăng cường cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, việc gia nhập các tổ chức và Hiệp định thương mại, Hiệp định bảo hộ đầu tư song phương, đa phương thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc tuân thủ các quy định, luật chơi quốc tế cũng như mở cửa thị trường, tự do hoá thương mại và đầu tư trong thời gian tới sẽ có tác động khuyến khích tích cực đối với thu hút vốn FDI, mở ra nhiều cơ hội và thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam./

  • Tags: