Thu hút FDI tăng trưởng mạnh nhất trong 10 năm qua

Năm 2017 sắp kết thúc với những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế. Trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những điểm sáng ấn tượng nhất. Số vốn FDI năm 2017 vượt mục tiêu đề ra

Dấu ấn 2017

Theo đánh giá của ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư thì có nhiều lý do thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Một trong những yếu tố thu hút FDI phải kể đến việc Việt Nam là quốc gia có địa chính trị - kinh tế ổn định thì nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh được xem là yếu tố hàng đầu thúc đẩy vốn FDI tăng cao trong năm qua.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2017 dự ước khoảng 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016 và vốn đăng ký cũng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Đóng góp của FDI ngày càng tăng vào GDP.

Chính trị ổn định và cải cách là những điểm thu hút đầu tư quan trọng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, công nghệ cao, giá trị lan toả, nghiêm cấm các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong những điểm sáng ấn tượng nhất của năm 2017

Thông tin mới nhất từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, tính đến hết năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Năm 2017 là năm Việt Nam thu hút được nhiều dự án “tỷ đô” và hầu hết các dự án này đều đến từ các đối tác truyền thống lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Dẫn đầu danh sách các dự án lớn là Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá, với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200MW.

Một dự án khác cũng đến từ nhà đầu tư Nhật Bản là Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, với công suất tinh 1.320MW, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD, được đầu tư tại Khánh Hòa.

Cũng trong năm 2017, Tập đoàn Samsung đã mở rộng đầu tư tại Việt Nam khi Dự án SamSung Display Việt Nam tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm, với tổng số vốn là 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng năm 2017.

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI cũng đóng góp lớn vào kỷ lục xuất khẩu của Việt Nam năm 2017, với kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 152,34 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 25,9 tỷ USD không kể dầu thô.

Nhiều giảp pháp thu hút FDI trong năm 2018

Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh nhân tố chính trị ổn định là điều kiện tiên quyết, một sự bảo đảm xuyên suốt để thúc đẩy nhà đầu tư quốc tế gia tăng đầu tư vào Việt Nam, thì môi trường đầu tư thông thoáng hơn dưới sự điều hành của Chính phủ chính là động lực thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian qua.

Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài thì tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng. Hiện mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ tiêu chuẩn đáp ứng được các tiêu chí về sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn nước ngoài, còn lại vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI.

Do đó, để nguồn vốn FDI đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, vấn đề đặt ra là cần tăng cường liên kết giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, làm sao để doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

GS Nguyễn Mại nhận định, chất lượng vốn mới là quan trọng nhất và một trong những yếu tố thể hiện chất lượng vốn chính là tác động lan tỏa đến nền kinh tế. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI bằng các ưu đãi thích hợp.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực quản trị, công nghệ, nguồn nhân lực. Khuyến khích việc nhân rộng các mô hình thành công của các doanh nghiệp FDI như Samsung…

Hoàng Hòa