TÓM TẮT:
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với rất nhiều các đối tác quốc tế quan trọng và tiềm năng, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment - FDI) vào Việt Nam đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng. Bài viết đưa ra thực trạng và thách thức cho Việt Nam trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI trong bối cảnh hợp tác chiến lược gia tăng, từ đó đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy nguồn FDI đổ vào nội địa.
Từ khóa: đầu tư trực tiếp, đối tác chiến lược toàn diện, nguồn vốn nước ngoài.
1. Khái quát quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và quốc tế
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là đại diện cho một mối quan hệ đặc biệt trong quan hệ quốc tế, trong đó có hai hoặc nhiều bên hình thành một liên kết với mục tiêu gắn bó lợi ích lâu dài, thúc đẩy hợp tác sâu rộng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực có lợi cho cả các bên. Đồng thời, quan hệ này dựa trên sự tin cậy chiến lược, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ quốc tế. (Hình 1)
Tính tới năm 2024, Việt Nam có: 9 Đối tác chiến lược toàn diện; 19 Đối tác chiến lược và 13 Đối tác toàn diện. Trong đó, 8/10 nước cùng là thành viên CPTPP với 1 nước là Đối tác chiến lược toàn diện, 5 nước là Đối tác chiến lược và 2 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại chưa có quan hệ đối tác cao là Peru và Mexico.
Với các nước khối Asean, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với toàn bộ 9/9 nước thành viên với 1 nước Đối tác chiến lược toàn diện, 4 nước Đối tác chiến lược và 2 nước Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại là Campuchia và Lào là Quan hệ đặc biệt. Bên ngoài khối Asean thì Việt Nam còn thiết lập quan hệ đặc biệt với Cuba.
Với các nước trong nhóm G20, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với 16/20 thành viên với 8 thành viên Đối tác chiến lược toàn diện, 5 thành viên Đối tác chiến lược và 3 thành viên Đối tác toàn diện; 4 thành viên còn lại chưa có quan hệ đối tác cao là Mexico, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu.
Có một trường hợp đặc biệt khác trong các đối tác của Việt Nam là Hoa Kỳ, được nâng thẳng mức quan hệ từ Đối tác Toàn diện (2013) lên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược toàn diện (2023), bỏ qua mức Đối tác Chiến lược.
2. Thực trạng nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh tăng cường các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (2008-2024)
Hiện nay, khu vực kinh tế có vốn FDI không chỉ là một trụ cột quan trọng cho sự phát triển kinh tế mà còn là động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Về diễn biến dòng vốn FDI của Việt Nam, có thể thấy, sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã đón một lượng lớn FDI vào 2008 với số vốn đăng ký lên tới 64 tỷ USD, cao hơn 3 lần so với năm 2007. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ công châu Âu vào năm 2010, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn 2009 - 2012 có sự sụt giảm đáng kể, trước khi hồi phục lại và dao động tương đối ổn định trong giai đoạn kế tiếp từ năm 2013 - 2019. (Hình 2)
Nguồn: Bộ Tài chính
Hình 2: Nguồn vốn FDI vào Việt Nam từ năm 2007 đến tháng 10/2024
Năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới chịu thiệt hại nặng nề, khiến các dòng vốn đầu tư ra nước ngoài giảm mạnh - đặc biệt là đầu tư FDI vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam năm 2020 giảm 6,7% so với năm 2019, với giá trị khoảng 21 tỷ USD, cho thấy Việt Nam liên tục thu hút các nhà đầu tư mới vào thị trường.
Kết quả thu hút vốn FDI vào Việt Nam lạc quan hơn từ năm 2021. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp hơn năm 2020, nhưng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được coi là những con số ấn tượng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang sụt giảm mạnh và có nhiều điều chỉnh do tác động từ đại dịch Covid-19.
Tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt hơn 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021; vốn thực hiện đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng năm 2023, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm tốc (chỉ đạt 5,05% GDP) bởi kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn FDI. Giai đoạn 2018-2023 nguồn vốn FDI vào Việt Nam đạt 36,61 tỉ USD, đạt mức cao kỉ lục. Năm 2023, điểm nổi bật là dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh, bất chấp nhiều khó khăn kinh tế toàn cầu và những hạn chế sau đại dịch Covid-19.
Tính đến tháng 10 năm 2024, vốn FDI vào Việt Nam đã đạt gần 27,3 tỷ USD, tăng 1,9%, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 19,6 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ, cao nhất trong 5 năm. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Vốn FDI vẫn được xem là “cơn gió thuận” đối với Việt Nam trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam thì được đánh giá cao vì môi trường đầu tư hấp dẫn có nhiều ưu thế vượt trội và chính sách thu hút vốn FDI hấp dẫn.
Hình 2: Nguồn vốn FDI do các đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược
đầu tư vào Việt Nam, tính đến ngày 31/10/2024.
Theo đối tác đầu tư, tính đến tháng 10/2024, đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 7,79 tỷ USD, chiếm gần 28,6% tổng vốn đầu tư, tăng 61,3% so với cùng kỳ 2023. Trung Quốc đứng thứ hai với hơn 3,61 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông,… Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,8%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23%) và GVMCP (chiếm 25,7%). Nhìn vào Bảng 3 có thể thấy Nhóm các đối tác ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam có FDI vào Việt Nam lớn nhất với tổng vốn đăng ký là 10,7043 tỷ USD (chiếm gần 40% tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam).
3. Thách thức trong thu hút vốn FDI trong bối cảnh Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và giải pháp
3.1. Thách thức
Mặc dù khu vực FDI có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế Việt Nam nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn nhấn mạnh về tình trạng tiêu cực, cảnh báo về “lợi bất cập hại” trong thu hút FDI. Việt Nam vẫn bị thua thiệt vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về quốc gia của họ “những khoản lợi nhuận khổng lồ”. Về công nghệ và quản trị, Việt Nam vẫn chưa thực sự thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI. Việt Nam được đánh giá thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác bởi các yếu tố như vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với các tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam vẫn chưa bằng quốc gia của họ.
Nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn thiếu tính đa dạng và cạnh tranh do chủ yếu là ưu đãi thuế dựa trên thu nhập mà chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Bên cạnh đó, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định như tại Điều 18 Luật Đầu tư nhưng chưa được quy định thống nhất và đồng bộ với pháp luật về ngân sách nhà nước nên không thể thực thi trong thực tế. Việt Nam vẫn chưa bắt kịp được với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế. Đồng thời, nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn chưa phù hợp với yêu cầu trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi. Việt Nam vẫn mắc “bẫy” về giá trị gia tăng thấp khi thu hút được FDI như: không có sự hình thành các mối liên kết với nền kinh tế trong nước; hiệu quả hoạt động thấp xét về mọi mặt (đầu tư, năng suất, phát triển kỹ năng...); chủ yếu đầu tư vào các ngành thâm dụng lao động, cạnh tranh bằng giá, nhìn nhận lao động là yếu tố chi phí hơn là nguồn lực…
3.2. Giải pháp góp phần thúc đẩy thu hút vốn FDI trong bối cảnh tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế
Trong những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng trong thu hút dòng vốn FDI, do vậy, Việt Nam cần giải pháp phù hợp để chọn lọc kỹ hơn các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết và tạo lan tỏa với khu vực doanh nghiệp trong nước. Các giải pháp nên được thực hiện bao gồm:
Huy động tối đa các nguồn lực, từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Thứ nhất, tăng cường hợp tác, quảng bá môi trường đầu tư Việt Nam và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, đón làn sóng FDI mới; đồng thời hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Nâng cao tính chuyên nghiệp, chuẩn hóa trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác xúc tiến đầu tư. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh.
Thứ hai, thu hút đầu tư có chọn lọc: Việt Nam cần chủ động chọn và sẵn sàng từ chối những dự án FDI không phù hợp, không đáp ứng các tiêu chí do Việt Nam đặt ra. Đồng thời, Việt Nam cũng cần thiết lập các tiêu chuẩn về môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ khi đầu tư vào Việt Nam.
Tiếp theo, Việt Nam cần tích cực xây dựng hệ tiêu chuẩn quốc gia về thu hút FDI như: quy mô vốn; lĩnh vực đầu tư có thuộc nhóm ưu tiên thu hút hay không; mức độ sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết lan toả và tham gia các chuỗi giá trị; mức độ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư; cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng tính chống chịu, bền vững thông qua việc liên kết FDI với doanh nghiệp trong nước, phát triển công nghiệp xanh, chuyển đổi năng lượng; phát triển năng lực công nghệ sản xuất cơ bản để có thể phục vụ mô hình kinh tế tuần hoàn; và môi trường chính sách minh bạch, dài hạn dễ dự báo…
Trong dài hạn, Việt Nam cũng cần xây dựng một lộ trình thu hút FDI nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp nhận FDI thế hệ mới. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, để đáp ứng được thời kỳ “chuyển đổi số” cũng như đáp ứng những yêu cầu thu hút FDI chất lượng cao, nguồn nhân lực cần phải được cải thiện để không phụ thuộc mãi vào gia công giá rẻ. Muốn nâng cao dòng vốn FDI, Việt Nam cần tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và rất cần phải có đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020-2023), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020-2023.
2. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
3. Lê Thị Như Hằng, Nguyễn Đức Dương (2023). Các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình thu hút FDI tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 6, tháng 02/2023.
4. Kiều Chinh (2024). Kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 đạt mức 39-40 tỉ USD, https://mekongasean.vn
5. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2021), Kỷ yếu hội thảo quốc tế: FDI toàn cầu và ứng biến của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong bối cảnh mới.
Enhancing foreign direct investment inflows amid Vietnam's strengthening comprehensive strategic partnerships
Master. Nguyen Hong Yen
Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economic and Technical Industries
Abstract:
As Vietnam fosters comprehensive strategic partnerships with key international partners, attracting foreign direct investment (FDI) has emerged as a critical priority for economic development. This study examines the current state of FDI inflows into Vietnam, highlighting both opportunities and challenges in the context of expanding strategic cooperation. By analyzing these dynamics, the study proposes targeted solutions to enhance Vietnam's appeal as an FDI destination, aiming to strengthen its position in the global investment landscape and support sustainable economic growth.
Keywords: direct investment, comprehensive strategic partnership, foreign capital.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]