"Nghĩ sâu làm lớn, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải nguồn lực"
Kết luận tại buổi làm việc chiều 8/2/2025 với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về tình hình kinh tế-xã hội, kết quả triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến công tác tại Quảng Nam năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp về những kết quả, thành tựu của Quảng Nam thời gian qua, nhất là tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển hạ tầng, khuyến khích doanh nghiệp làm được một số việc; khai thác các di sản Hội An, Mỹ Sơn; cùng cả nước tổ chức cho nhân dân đón Tết, nhà nhà có Tết, người người có Tết…; đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.
![Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/8/thu-tuong--quang-nam-phan-dau-tang-truong-kinh-te-ca-nam-dat-it-nhat-10_67a77044784ff.jpg)
Thủ tướng Chính phủ cũng biểu dương Tập đoàn Trường Hải (THACO) đã làm tốt các nội dung trong kết luận của Thủ tướng tại cuộc làm việc với Quảng Nam năm 2022.
Tuy nhiên Thủ tướng bày tỏ băn khoăn vì Quảng Nam chưa phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Có những cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa thực sự dành hết thời gian, công sức, tâm huyết, dành trọn tâm trí, gắn bó với Quảng Nam. Tỉnh có đầy đủ các phương thức giao thông, song thiếu hoàn thiện, thiếu kết nối, liên thông; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đời sống một bộ phận người dân, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; môi trường đầu tư kinh doanh chậm được cải thiện; tội phạm còn tiềm ẩn nguy cơ…
Phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ Quảng Nam phải gắn bó, "sống chết" với Quảng Nam, phát huy đoàn kết thống nhất, bám đất, bám người để lãnh đạo, chỉ đạo, làm việc, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra; kiên trì, kiên định, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải nguồn lực, làm việc nào ra việc đó, làm việc nào dứt việc đó.
Thủ tướng cũng lưu ý, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và động lực của phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong phục vụ hành chính công, trong đổi mới sáng tạo, trong xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và trong huy động nguồn lực.
![Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/8/thu-tuong--quang-nam-phan-dau-tang-truong-kinh-te-ca-nam-dat-it-nhat-10_67a770d6a4ab9.jpg)
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt ít nhất 10%
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ và nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, địa phương cũng như các quy hoạch, chương trình đã được xác định. Tỉnh cần nhận thức rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để khai thác phát triển, đặc biệt về công nghiệp, năng lượng, thương mại, logistic, du lịch, dịch vụ.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2025 và giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế tỉnh cả năm đạt ít nhất 10%.
Muốn vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn, các ngành có liên quan, các huyện, thành phố phải cùng quyết tâm, nỗ lực với chỉ tiêu được giao cụ thể; phát triển các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp, năng lượng, thương mại, logistics, du lịch, dịch vụ; và đẩy mạnh đa dạng hóa, thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế ban đêm… và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.
![thủ tướng Phạm Minh Chính](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/8/thu-tuong--quang-nam-phan-dau-tang-truong-kinh-te-ca-nam-dat-it-nhat-10_67a7718871fae.jpg)
Thủ tướng lưu ý tỉnh cần khẩn trương ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về thể chế với quan điểm coi đây là "đột phá của đột phá"; tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, thể thao; đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Rà soát, huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư PPP).
Tập trung nguồn lực đầu tư sân bay Chu Lai theo cấp 4F
Cũng tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã phản hồi và Thủ tướng đã cho ý kiến cụ thể về các đề xuất, kiến nghị của Quảng Nam để giải quyết dứt điểm các vấn đề, vướng mắc liên quan việc xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai gắn với khu phi thuế quan Tam Quang; bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn; phát triển khu kinh tế mở Chu Lai trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ ô tô và cơ khí đa dụng quốc gia; đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics container tại cảng Chu Lai; đầu tư, nâng cấp quốc lộ 14D, 14B; điều chỉnh quy hoạch khu đô thị đại học Đà Nẵng…
![Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/8/thu-tuong--quang-nam-phan-dau-tang-truong-kinh-te-ca-nam-dat-it-nhat-10_67a77106c436f.jpg)
Thủ tướng nêu rõ, sân bay Chu Lai có vị trí rất chiến lược, quan trọng, là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, phải xây dựng sân bay Chu Lai cấp 4F (cấp cao nhất trong phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) và quy hoạch, phát triển đô thị sân bay, phát triển hệ sinh thái sân bay.
Thủ tướng giao tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền để kêu gọi nhà đầu tư, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, hoàn thành thủ tục trong 6 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành đầu tư xây dựng sân bay này để khai thác lưỡng dụng trong vòng 2 năm.
Nêu rõ trong tương lai, tỉnh phải tích cực tham gia cùng các địa phương làm dự án đường sắt tốc độ cao, đồng thời nghiên cứu mở đường cao tốc lên biên giới với nước bạn Lào, Thủ tướng cũng chấp thuận đề xuất về đầu tư luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn và quy hoạch trung tâm logistics Chu Lai, yêu cầu tỉnh hoàn thành các thủ tục để đến tháng 6/2027, phải hoàn thành trung tâm này.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành Trung ương phải chung sức, đồng lòng xử lý các vướng mắc, phát huy các mặt mạnh, truyền thống của Quảng Nam, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", không trả lời địa phương chung chung mà phải có đầu ra cho các vấn đề với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ) và thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thoại tại huyện Núi Thành.
Sau đó, đoàn thăm, khảo sát một số cơ sở kinh tế trọng điểm, doanh nghiệp lớn của tỉnh gồm Khu kinh tế mở Chu Lai, cảng biển Chu Lai, sân bay Chu Lai, các nhà máy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO), Tập đoàn HS Hyosung.