Phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn (các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh) có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Từ đó, tạo ra chuỗi sản xuất hoàn chỉnh tại Việt Nam,giúp doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTAs.
Do năng lực các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn thấp, hàm lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trong nước chưa cao, vì vậy, trước tiên cần bảo đảm quy mô thị trường nội địa để phát triển công nghiệp.
Trên cơ sở đó, Chính phủ cần có các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ thị trường nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nước thông qua các biện pháp sau:
+ Có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như ngành ô tô, điện - điện tử, dệt may, da - giày trở thành các Tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT trong nước phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng chiến lược công nghiệp Việt Nam.
+ Trong bối cảnh hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ khi Việt Nam tiến hành hội nhập thông qua các Hiệp định thương mại tự do, Chính phủ cần xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để vừa bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước; vừa là điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp trong nước vươn lên tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu.
+ Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh để phát triển các sản phẩm công nghiệp trong nước.
+ Xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp để giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cắt giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hoá nhập khẩu.
+ Thực thi có hiệu quả việc kiểm soát hiện tượng chuyển giá, gian lận thuế đối với các doanh nghiệp FDI nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đầu tư sản xuất kinh doanh thông qua các biện pháp: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá của các cơ quan chức năng; Tăng cường thanh tra giá chuyển giao, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế.
+ Xây dựng chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn cụ thể
Công nghiệp cơ khí
Tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm từ việc xây dựng, chế tạo cho các nhà máy nhiệt điện, các công trình giao thông đường sắt, tàu điện ngầm; chế tạo thủy công cho các công trình chống ngập mặn; chế tạo kết cấu thép xây dựng cho nhà cao tầng... Trong đó, cần tập trung ưu tiên đối với những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia để tạo những đơn hàng lớn cho phát triển ngành.
Công nghiệp ô tô
+ Tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây và tương lai.
+ Nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô trong nước so với ô tô nhập khẩu.
+ Về dài hạn, có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.
Ngành dệt may, da – giày
+ Tập trung đầu tư vào lĩnh vực thiết kế thời trang và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu số hóa một số khâu trong dây chuyền sản xuất. Đồng thời, chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm nhằm phát triển hơn nữa thị trường nội địa và hướng tới thị trường ngoài nước.
+ Thu hút và hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm, đẩy mạnh hỗ trợ công nghệ nhuộm nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt vải, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may trong nước và khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang.
+ Hỗ trợ công tác xử lý môi trường cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may và da – giày. Dệt may (đặc biệt là dệt nhuộm), da – giày là các ngành công nghiệp dễ gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, vì vậy nhà nước cần có những chính sách định hướng và hỗ trợ về công tác xử lý môi trường cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này như: quy hoạch các vùng, khu, cụm công nghiệp chuyên ngành tại các địa phương có lực lượng lao động dồi dào, đảm bảo không gian phát triển công nghiệp hài hòa (với vị trí cách biệt các khu đông dân cư và gần các cảng nước sâu) cho các chuỗi dệt may, da – giày để phát triển cũng như thuận lợi trong việc xử lý chất thải; các vùng công nghiệp chuyên ngành này phải có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, số liệu quan trắc nước thải đã xử lý phải được nối mạng với trung tâm quản lý môi trường của khu vực; tạo cơ chế thu hút các doanh nghiệp có các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may và da – giày.
Công nghiệp điện - điện tử
+ Xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…) đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.
+ Tiếp tục duy trì hoạt động lắp ráp của Samsung tại Việt Nam; phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Những biện pháp nói trên sẽ tạo ra một thị trường công nghiệp trong nước đủ mạnh để thúc đẩy các doanh nghiệp đang hiện diện và doanh nghiệp chuẩn bị gia nhập thị trường hướng tới chuỗi sản xuất đa quốc gia, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong các FTAs