Tham dự sự kiện trên, về phía Việt Nam có các đại diện của Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải.
Về phía Belarus có các cán bộ của Đại sứ quán, đại diện của doanh nghiệp hợp tác theo Nghị định thư - Tập đoàn sản xuất ô tô Minsk (MAZ).
Có thể nói, tiếp sau Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu được ký kết năm 2015, việc ký Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam giữa Việt Nam và Belarus, một thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu, vào tháng 3/2016 đã tạo khuôn khổ quan trọng cho các dự án hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô giữa hai nước.
Theo Nghị định thư này, MAZ đã cùng đối tác Việt Nam thành lập Công ty TNHH Liên doanh MAZ-Asia để sản xuất, lắp ráp ô tô tải và một số loại xe chuyên dụng tại tỉnh Hưng Yên.
Tại Nghị định thư sửa đổi lần 2 năm nay, hai bên đã thống nhất các biện pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện có của Liên doanh, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các cam kết giữa hai bên trong Nghị định thư năm 2016, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Hai bên cũng thống nhất điều chỉnh các mốc yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, lắp ráp của Liên doanh, trên tinh thần đảm bảo những định hướng chính trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Các quy định về xuất xứ hàng hóa, quy trình cấp hạn ngạch thuế quan cũng được điều chỉnh rõ ràng hơn để Liên doanh triển khai có hiệu quả Nghị định thư.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và đặt ra mục tiêu cơ bản hình thành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô vào năm 2020; sản xuất một số chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số xe tải, xe khách và bước đầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới giai đoạn 2021 - 2025.
Các sản phẩm ô tô của Belarus được đánh giá có độ bền, độ ổn định cao, phù hợp với địa hình của Việt Nam như chạy trên các cung đường có độ dốc lớn, khả năng tiết kiệm nhiên liệu được tăng lên đáng kể so với các dòng xe cùng phân khúc. Trong khi đó, chất lượng sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn châu Âu và giá thành lại khá phù hợp với sự đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam.
Các sản phẩm ô tô của Belarus có chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu và giá thành sản phẩm ở mức phù hợp với sự đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng hy vọng với sự nỗ lực của doanh nghiệp hai nước và sự hỗ trợ của hai Chính phủ, Liên doanh Maz-Asia sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới, là hình mẫu trong hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Belarus nói riêng cũng như khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu nói chung.