Tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ, ngày 28/3/2024, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cùng đại diện các đơn vị Bộ Công Thương đã lần lượt có các cuộc Tọa đàm với Đoàn công tác Bộ Thương mại Trung Quốc do ông Lý Hưng Kiền, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương làm Trưởng đoàn và Đoàn công tác Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc do ông Lưu Tường, Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây làm Trưởng đoàn.
Trong khuôn khổ hai Tọa đàm, các bên đều cùng nhận định quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc thời gian vừa qua diễn ra hết sức mật thiết, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các cơ chế hợp tác thường xuyên được triển khai hiệu quả. Trong 02 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 27,3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 7,95 tỷ USD, tăng 7,6%; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 19,3 tỷ USD, tăng 38,8%.
Đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường nông sản
Tại Tọa đàm với Đoàn công tác Bộ Thương mại Trung Quốc do ông Lý Hưng Kiền, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương làm Trưởng đoàn, Bộ Công Thương đã đề xuất phía Trung Quốc tiếp tục phối hợp áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai bên, bao gồm một số biện pháp như: Đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường nông sản, xem xét ký kết Thỏa thuận khung về thương mại gạo, phối hợp thông quan hàng hóa hợp lý tại các cửa khẩu biên giới, tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa. Tiếp tục ủng hộ, giới thiệu các địa phương có tiềm năng của phía Trung Quốc tăng cường hợp tác với Bộ Công Thương, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, nhanh chóng mở Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Nam trong năm 2024.
Đồng thời thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp để đáp ứng Lệnh 259 của Hải quan Trung Quốc về biện pháp quản lý đối với việc kiểm tra và chấp nhận kết quả giám định hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp
Phản hồi những vấn đề Bộ Công Thương nêu, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ nhất trí cao đối với các nội dung phía Việt Nam quan tâm đặc biệt là nội dung hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng, ủng hộ Việt Nam tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao vào Trung Quốc như mô hình thành công của quả sầu riêng. Chỉ riêng năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 2,14 tỷ USD giá trị sầu riêng từ Việt Nam, tăng trưởng hơn 10,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng ủng hộ và thúc đẩy các địa phương liên quan tăng cường hợp tác với Bộ Công Thương, thúc đẩy việc thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Hải Nam, ủng hộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham dự các Hội chợ, triển lãm quy mô lớn tại Trung Quốc, đồng thời sẵn sàng tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia các Hội chợ, triển lãm do Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức.
Năm 2024, phía Trung Quốc sẽ tổ chức các khóa đào tạo đa phương về chuyển đổi số và hoan nghênh các cán bộ của Bộ Công Thương tích cực tham gia.
Ông Lý Hưng Kiền cũng đề xuất một số phương hướng hợp tác như tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, tăng cường hợp tác thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi cung ứng dệt may, điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng và các ngành công nghiệp khác.
Nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa, mở rộng hợp tác logistics
Cùng ngày, ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cùng Phó Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây đã chủ trì Tọa đàm về hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây).
Tham gia buổi Tọa đàm, về phía Việt Nam có đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại), lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Về phía Quảng Tây, có Lãnh đạo Sở Thương mại Quảng Tây, Lãnh đạo Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, thành phố Phòng Thành Cảng - những địa phương có các cửa khẩu biên giới với Việt Nam.
Tại Tọa đàm, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Quảng Tây và Việt Nam trong hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc khi Việt Nam 24 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây và thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Quảng Tây chiếm tới trên 95% kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
Hai bên cũng đã thống nhất các biện pháp quan trọng về việc mở rộng quy mô thương mại đặc biệt là thương mại nông sản, nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa, phát huy hiệu quả đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc, mở rộng hợp tác logistics, xây dựng Trung tâm Giao dịch trái cây Trung Quốc – ASEAN với phương châm “Mua từ ASEAN, bán tới toàn Trung Quốc” tại Quảng Tây và Trung tâm giao dịch nông thủy sản tại Quảng Ninh.
Hai bên nhất trí sẽ sớm trao đổi để thống nhất về Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 thuộc Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 giữa Bộ Công Thương và Quảng Tây.
Cũng tại buổi Tọa đàm, thay mặt các địa phương vùng trồng và sản xuất nông sản xuất khẩu của Việt Nam, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang đã đề nghị phía Quảng Tây phối hợp các biện pháp để tiêu thụ nông sản trái cây của Việt Nam, đặc biệt trong cao điểm vụ thu hoạch sắp tới.
Trong đó, ông Trần Quang Tấn đề nghị: (i) Sở Thương mại Quảng Tây, các địa phương, các cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện, chia sẻ thông tin về các quy định mới, chính sách xuất nhập khẩu nói chung và nông sản nói riêng (mã vùng trồng, cơ sở đóng gói…) để Bắc Giang kịp thời hướng dẫn người dân, doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa với chất lượng cao nhất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu, phù hợp với nhu cầu thị trường, tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Trung Quốc; (ii) khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội, thương hội đến khảo sát, thu mua, xuất khẩu vải thiều và các loại nông sản khác của tỉnh Bắc Giang sang tỉnh Quảng Tây; (iii) phối hợp tổ chức các buổi gặp gỡ trực tiếp, trực tuyến kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản đúng thời điểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu vải thiều năm 2024.
Trưởng đoàn phía Quảng Tây nhất trí với các đề xuất của phía Việt Nam và cho biết sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan của Quảng Tây và các địa phương có chung đường biên giới Việt Nam để phối hợp các nội dung theo đề xuất của Việt Nam.
Hai cuộc Tọa đàm đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng cần triển khai trong thời gian tới. Các bên nhất trí sẽ báo cáo Lãnh đạo cấp trên về kết quả các cuộc Tọa đàm và tích cực triển khai nhiệm vụ được giao.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 5,6%; nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 110,6 tỷ USD, giảm 6,6%. Trong 02 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 27,3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 7,95 tỷ USD, tăng 7,6%; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 19,3 tỷ USD, tăng 38,8%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Quảng Tây là địa phương có chung đường biên giới với 04 tỉnh biên giới của Việt Nam bao gồm Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, là địa phương duy nhất có cả cửa khẩu đường sắt, đường bộ và đường thủy với Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây với Việt Nam đạt 253,9 tỷ NDT (khoảng 36,3 tỷ USD), tăng 29,2%. Trong đó, Quảng Tây xuất khẩu 191,6 tỷ NDT (khoảng 27,4 tỷ USD), nhập khẩu từ Việt Nam 62,26 tỷ NDT (khoảng 8,9 tỷ USD), tăng 52,5%. Việt Nam tiếp tục 24 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.