Trả lời báo chí về việc kiểm tra phát triển điện mặt trời tại cuộc Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều nay (30/3/2022), ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành một số quy định khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời.
Riêng đối với điện mặt trời, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Cùng với đó, ngày 17/7/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.
Sau khi có những chính sách, hướng dẫn này, các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân đã tham gia phát triển rất nhiều dự án điện mặt trời. Đến cuối năm 2020, một lượng lớn các dự án điện mặt trời đã được đưa lên lưới điện, trong đó bao gồm khoảng 9.000MW điện mặt trời mặt đất và khoảng 8.000MW điện mặt trời mái nhà.
Theo ông Hùng, chủ trương phát triển năng lượng mặt trời là chủ trương rất đúng để tăng cường khả năng phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần sự phụ thuộc của phát triển ngành điện – trong đó có sản xuất điện – vào các dạng năng lượng hóa thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an toàn môi trường và chống biến đổi khí hậu.
“Đặc biệt, phát triển điện mặt trời mái nhà là yêu cầu, cũng là mong muốn của cả Bộ Công Thương và ngành điện, bởi phương thức sản xuất điện này phục vụ mục đích tiêu thụ tại chỗ đồng thời, không cần truyền tải đi xa, mang lại hiệu quả lớn trong việc không phải phát lên lưới quốc gia và không cần đầu tư xây dựng đường dây truyền tải”, ông Bùi Quốc Hùng cho hay.
Tuy nhiên, do các quyết định này chỉ có hiệu lực đến ngày 31/12/2020, thời gian ngắn dẫn đến phát triển “nóng”, xuất hiện một số vướng mắc, ví dụ như đối với các dự án điện mặt trời trên mặt đất có tình trạng quá tải cục bộ tại một số địa phương, khi các dự án điện mặt trời chỉ tập trung phát triển tại một số tỉnh thành có tiềm năng về đất, cát, cường độ ánh sáng như các tỉnh phía Nam miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ. Sự phát triển tập trung, không phân tán này cũng gây ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện.
Trước tình hình này, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 185/TTg-CN giao Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/3/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 795/QĐ-BCT về kiểm tra phát triển điện mặt trời và Văn bản số 1376/BCT-ĐL ngày 15/3/2021 về Kế hoạch kiểm tra phát triển điện mặt trời tại các địa phương Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn kiểm tra được thành lập với nòng cốt là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương gồm Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Thanh tra Bộ Công Thương và đại diện Sở Công Thương địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh.
Do thời gian có hạn, Đoàn công tác đã khẩn trương tiến hành kiểm tra từ tháng 3 đến tháng 5/2021 theo hình thức kiểm tra xác suất một số dự án và kết thúc đợt kiểm tra thứ nhất để tiến hành báo cáo.
Sau đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra thứ hai để có đánh giá tổng thể hơn đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngày 9/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, theo đó Chính phỉ có chỉ đạo tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP, Bộ Công Thương đã dừng kiểm tra tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà.
Hiện, Bộ Công Thương đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với EVN tiếp tục kiểm tra, rà soát các địa phương khác. Được biết, các tỉnh, thành phố đã tổ chức hoạt động kiểm tra. EVN cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra của Tập đoàn và các Tổng Công ty Điện lực để rà soát, đánh giá việc thực hiện phát triển điện mặt trời.
Liên quan đến kết quả kiểm tra đợt 1, ngày 21/3/2022 Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận số 1424/KL-BCT về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, phát hiện một số vấn đề có tồn tại như: hiện tượng quá tải lưới phân phối, một số dự án chưa lắp đủ số lượng tấm pin, dự án đã ký thỏa thuận đấu nối và hợp đồng mua bán điện nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại COD,… do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Đơn cử, tại Ninh Thuận, có những vị trí tập trung đến 17 dự án, nhưng khi Đoàn kiểm tra có những dự án mới chỉ lắp được 1/3 tấm pin, cũng có những dự án mới chỉ lắp được 1/2 tấm pin, nguyên nhân do họ chưa kịp mua sắm, lắp đặt. Tại một số nơi, EVN và các Công ty Điện lực báo cáo việc thiếu tấm pin là do trước thời điểm kiểm tra có thiên tai, mưa bão làm hư hỏng tấm pin và chưa kịp lắp đặt bổ sung.
Hay tại Gia Lai, có điểm kiểm tra thiếu rất nhiều tấm pin, doanh nghiệp báo cáo là khi đưa vào vận hành vẫn đầy đủ tấm pin, nhưng trước thời điểm kiểm tra các tấm pin này hư hỏng do lỗi của nhà sản xuất nên buộc phải tháo đi sửa chữa, có biên bản bàn giao.
Tại Ninh Thuận, một số thủy điện đăng ký đấu nối lưới điện, nhưng do dự án chậm tiến độ nên trong 2 năm vẫn chưa thể đấu nối, dẫn đến có vị trí trống và Công ty Điện lực đã thỏa thuận đấu nối thêm cho các dự án điện mặt trời dù đã thông báo đủ tải.
Tại Đắk Lắk, Đắk Nông, kiểm tra trên mạng nội bộ của đơn vị điện lực cho thấy, từ tháng 7/2020 đã thông báo đầy tải trên đường dây phân phối 22kV, 35kV, tuy nhiên đến tháng 10/2020 đã tính toán lại và công bố đường dây vẫn có khả năng mang tải thêm.
Cũng có một số trường hợp, tại thời điểm kiểm tra đường dây đã đầy tải, nhưng khi ký hợp đồng mua bán điện và công nhận vận hành thương mại trước 31/12/2020, đường dây vẫn đủ tải để đảm bảo đấu nối cho dự án điện mặt trời mái nhà.
“Chúng tôi đều đã ghi nhận toàn bộ hiện trạng tại thời điểm kiểm tra như vậy”, ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh.
Được biết, EVN cũng đã tiến hành kiểm tra, thậm chí có hình thức xử lý đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm thực tế trong chấp thuận số lượng tấm pin vượt quá quy định hay đấu nối quá tải.
Sau khi ban hành kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương tiếp tục có những kiến nghị để EVN tiến hành kiểm tra và báo cáo lại với Bộ Công Thương. Trên cơ sở này, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo chính thức trình Thủ tướng Chính phủ và công bố rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp.
Đối với câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề này, ông Bùi Quốc Hùng khẳng định, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương đã quy định rõ đối tượng của các chính sách này là dự án điện mặt trời mái nhà có công suất dưới 1MW và đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35kV, các tấm pin phải lắp trên mái của công trình xây dựng. Việc thỏa thuận đấu nối do EVN căn cứ vào các quy định hiện hành để thực hiện đấu nối với khách hàng. Theo quy định của Luật Xây dựng, các công trình này là công trình cấp 4, nên Bộ Công Thương không có thỏa thuận về quy hoạch và do công trình dưới 1MW nên cũng không cần cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn để triển khai thực hiện Quyết định 13/2020/QĐ-TTg cũng như thực hiện việc kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh để khắc phục các sai phạm. Tuy nhiên, thời gian thực hiện Quyết định khá ngắn, nên chưa thể kịp thời kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc xây dựng chính sách tiếp theo, như đảm bảo phát triển đúng quy hoạch và đảm bảo quản lý, kiểm soát được vấn đề đo nguồn công suất các dự án; đồng thời động viên, khuyến khích các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sản xuất và tự cung cấp nguồn điện cho tiêu thụ tại chỗ.
Đối với vấn đề phóng viên đặt ra về quy hoạch điện mặt trời vượt quá 850MW so với Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh), ông Bùi Quốc Hùng cho biết tại thời điểm đó có khá nhiều dự án nguồn điện đang chậm tiến độ như Long Phú, Song Hậu, Thái Bình,… và “nếu như không bùng phát dịch Covid-19, thì chắc chắn trong giai đoạn 2020-2021 chúng ta sẽ thiếu điện trầm trọng”.
Dự báo trước tình hình này, để đẩy nhanh tiến độ khai thác đưa vào sử dụng các nguồn điện, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt, đảm bảo an ninh chính trị quốc gia, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng đưa vào bổ sung một số quy hoạch để phát triển điện mặt trời; mặt khác Bộ Công Thương cũng phê duyệt đưa vào bổ sung các quy hoạch điện lực tỉnh và trình Thủ tướng để đưa vào bổ sung quy hoạch điện lực quốc gia đối với một số dự án năng lượng tái tạo, nhằm nhanh chóng, kịp thời đưa vào vận hành, đảm bảo cho việc cung cấp điện khi một số dự án nguồn khác có thể không kịp tiến độ.
Thông tin thêm với báo chí, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong quá trình thực hiện các quy hoạch, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian vừa qua còn có những tồn tại, bất cập, vì vậy nhiều cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra, ban hành kết luận về vấn đề này.
Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện năng và đặc biệt là năng lượng tái tạo, đã và đang thực hiện nghiêm túc thẩm quyền, trách nhiệm theo đúng quy định hiện hành và các kết luận nói trên.