Đây là nhận định của ông Todd Li - Chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc), tập đoàn lớn thứ ba thế giới về sản xuất pin năng lượng mặt trời và hiện vận hành 2 nhà máy chuyên sản xuất tế bào quang điện và modun năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Ông Todd Li chia sẻ “Dự thảo Quy hoạch Điện 8 của Việt Nam đã xác định rất rõ các mục tiêu về năng lượng tái tạo. Với mục tiêu đó, năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Chúng tôi không thể dự đoán giá FIT mới dành cho điện mặt trời áp mái nhưng tôi cho rằng nhu cầu về điện mặt trời trên mái nhà sẽ vẫn mạnh mẽ, vì công nghệ ngày càng tiên tiến, chi phí lắp đặt hợp lý và tuổi thọ của tấm pin cũng ngày càng cao hơn.”
Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp thương mại và công nghiệp trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng triển khai lắp đặt điện mặt trời áp mái nhằm tiết giảm chi phí điện năng cũng như góp phần “xanh hoá” các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điển hình là tập đoàn sản xuất sữa TH đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái một số trang trại chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Nghệ An kể từ giữa năm 2020. Nguồn điện từ năng lượng mặt trời hiện đã đáp ứng từ 1/8, có thời điểm đạt 1/5 tổng nhu cầu điện năng của hệ thống trang trại TH.
Theo tính toán, hệ thống điện mặt trời của tập đoàn TH có thể sản xuất ra được khoảng 4.281 MW/năm khi toàn bộ mái của các cụm trang trại được phủ kín bởi các tấm pin năng lượng mặt trời. Lượng điện năng này cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tập đoàn TH không phải sử dụng nguồn điện từ năng lượng hoá thạch, góp phần giảm phát thải 2.100 tấn CO2 mỗi năm.
Trong khi đó, Tập đoàn Central Retail đã triển khai việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái của 11 trung tâm thương mại GO! trên khắp Việt nam; theo ước tính hệ thống này sẽ cung cấp khoảng 30% lượng điện năng tiêu thụ tại mỗi trung tâm thương GO!.
Một số tỉnh, thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh và Nghệ An đang đề xuất lắp điện mặt trời áp mái cho các trụ sở công. Một số mô hình thí điểm tại TP.Hồ Chí Minh cho thấy các hệ thống điện mặt trời giúp đáp ứng 35% - 40% nhu cầu sử dụng điện năng của trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công.
Theo ông Todd Li, đối với các đơn vị sử dụng điện được tạo ra từ tấm năng lượng mặt trời áp mái, giá FIT không quá quan trọng, vì trọng tâm của họ không phải là hoà lưới và bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đơn giản là việc sử dụng điện năng được tạo ra từ hệ thống điện áp mái sẽ giảm chi phí điện cho hoạt động hàng ngày của các doanh nghiệp. Những tháng vừa qua, hàng loạt dự án khu công nghiệp lớn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đây được xem là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh phát điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp.
Đối với các dự án mà chủ đầu tư thuê không gian trên mái nhà từ các công ty thương mại và công nghiệp, xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái và sau đó nhận tiền từ FIT để hoàn vốn đầu tư thì giá FIT vẫn được xem là một yếu tố hấp dẫn họ, ông Todd Li nhận định.
Tuy nhiên, chi phí lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời đang liên tục giảm mạnh nhờ các tiến bộ khoa học công nghệ. Điều này sẽ giúp bù đắp các biến động từ giá FIT khi áp dụng cơ chế đấu thầu và việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn trong dài hạn.
Nhiều chuyên gia đánh giá điện mặt trời áp mái là giải pháp năng lượng lý tưởng đối với các công trình công nghiệp và thương mại vì mức tiêu thụ năng lượng của các đơn vị này nhìn chung thường cao nhất vào ban ngày – thời điểm điện năng tạo ra từ các hệ thống năng lượng mặt trời cũng đạt mức cao nhất. Bên cạnh đó, các giải pháp mới về tích trữ năng lượng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác điện mặt trời, góp phần giảm áp lực nhu cầu điện năng lên lưới điện quốc gia.