Vừa qua, Văn phòng Uỷ ban Nhân dân (UBND) TP.Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến chủ trương đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Vãn Hoan đã giao Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (EVNHCMC) có văn bản trao đổi với cơ quan cấp trên, gồm Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để được hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục, nguồn vốn... đối với việc phát triển hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để có cơ sở triển khai thực hiện.
Trước đó, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có chủ trương triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tiết giảm chi phí điện năng của các đơn vị; đồng thời, tăng cường sử dụng năng lượng sách, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như bảo vệ môi trường gắn liền với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của thành phố nói riêng và của Việt Nam nói chung.
UBND TP.Hồ Chí Minh yêu cầu EVNHCMC nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính để thực hiện đối với đề án đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại trụ sở của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu, trao đổi, xin ý kiến Bộ Tài chính để làm cơ sở đề xuất cơ chế, phương án tài chính và trình tự, thủ tục triển khai thực hiện đối với đề án này. Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh tổng hợp ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan, báo cáo đề xuất UBND TP.Hồ Chí Minh.
TP.Hồ Chí Minh được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời nhờ số giờ nắng trong năm cao và cường độ bức xạ mặt trời tương đối lớn. Theo tính toán sơ bộ của EVNHCMC, TP.Hồ Chí Minh cần bỏ ra khoảng 3.000 tỉ đồng để lắp điện mặt trời trên các trụ sở công, ngân sách sẽ tiết kiệm khoảng 400 tỉ đồng mỗi năm sau khi các hệ thống hết thời gian hoàn vốn. Khảo sát sơ bộ cho thấy các trụ sở UBND, trường học, bệnh viện... trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đều có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.
Phó Tổng giám đốc EVNHCMC ông Bùi Trung Kiên cho biết "Lắp điện mặt trời trên mái nhà công lập cũng tương tự nhà dân, thay vì ngân sách chi trả tiền điện, các cơ quan này sẽ tiết kiệm một phần tiền điện, lúc trụ sở không hoạt động sẽ phát ngược lên lưới, ngành điện trả tiền điện dư thừa này lại. Ngân sách bỏ ra một lần nhưng thu về trong 20 năm, thời gian hoàn vốn đầu tư khoảng 7 năm".
Hệ thống điện mặt trời ở trụ sở Quận 4, 10, 12, Phú Nhuận... được đánh giá hiệu quả, tiết kiệm chi phí, và giúp bảo vệ môi trường. Cụ thể, đầu năm 2017, trụ sở mới của UBND Quận Phú Nhuận được xây dựng thay cho tòa nhà cũ xuống cấp. Trong tổng vốn gần 137 tỷ đồng đầu tư trụ sở, quận Phú Nhuận dành một khoản kinh phí lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên phần mái tòa nhà. Đến nay hệ thống này đạt công suất 90 kWp, bình quân mỗi ngày tạo ra 350-370 kWh, mỗi tháng xấp xỉ 11.000 kWh điện, giúp đáp ứng 35% - 40% nhu cầu sử dụng điện năng của toàn bộ toà nhà. Vào những ngày nghỉ không dùng hết, nguồn điện mặt trời ở UBND quận được công ty điện lực mua lại.
Hệ thống điện mặt trời tại Trung tâm Hành chính Quận 4 được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2018. Hệ thống này được lắp tại mái tầng 2 và mái nhà để xe với tổng công suất hơn 34 kWp, mức đầu tư gần 1 tỷ đồng. Hiện hệ thống đáp 10% điện năng tiêu thụ trong ngày của toà nhà.
Tương tự, hai hệ thống điện mặt trời công suất 10 kWp (được Sở Khoa học - Công nghệ thành phố hỗ trợ) và 25,6 kWp (đầu tư khoảng 700 triệu đồng) giúp UBND Quận 10 mỗi tháng tiết kiệm 7,5% tổng chi phí tiền điện đơn vị này.
Theo UBND TP.Hồ Chí Minh, thành phố luôn chủ trương khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trong đó có nguồn điện từ năng lượng mặt trời trên mái nhà. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục triển khai phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà hiện cần có sự hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.