Những năm gần đây, xu hướng sử dụng điện mặt trời mái nhà đang được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đặc biệt quan tâm. Việc tận dụng phần diện tích không dùng đến trên mái các toà nhà, nhà máy để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái vừa giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí năng lượng, tiến tới hạ giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.
Đồng thời, các hệ thống điện mặt trời tại các khu công nghiệp mang tính chất phân tán, cung cấp năng lượng ngay tại chỗ cho đơn vị sử dụng điện cũng góp phần làm giảm áp lực lên hệ thống nguồn điện và hệ thống truyền tải.
Ông Phạm Trọng Quý Châu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Năng lượng tái tạo Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh (HBA) cho biết, từ tháng 6/2020, HBA chính thức phát động Chương trình phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
Kết thúc năm 2020, đã có tổng cộng 118 công trình được đầu tư lắp đặt mới với tổng công suất trên 76MWp, trong đó có những công trình lớn trên 8MWp được lắp đặt trên mái của một nhà máy, thậm chí có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đến gần 15MWp trên mái của hệ thống kho bãi trong 4 khu công nghiệp khác nhau đều ở TP.Hồ Chí Minh.
Đánh giá về những lợi ích do điện mặt trời mái nhà đem lại, ông Nguyễn Văn Thông - Giám đốc phát triển Dự án Công ty Cổ phần VNG cho biết “Cuối tháng 9/2019, doanh nghiệp đã hoàn thành lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái tòa nhà có công suất thiết kế 620.73kwp và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2019. Thực tế năm đầu tiên đi vào hoạt động đã đạt sản lương 859.039 kwh tương đương 1,5 tỷ đồng tiền điện, đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu sản lượng điện cần cho tòa nhà”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thông còn cho biết việc đẩy mạnh sử dụng nguồn năng lượng xanh cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đạt các chứng chỉ xanh như LEED, LOTUS hay EDGE, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh trong bối cảnh ngày càng nhiều khách hàng quan tâm đến hoạt động phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Có thể thấy rõ nhiều lợi ích từ việc phát triển điện mặt trời mái nhà nhưng trên thực tế, việc đẩy mạnh triển khai lắp đặt hệ thông điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp còn gặp một số khó khăn vướng mắc khiến việc đầu tư, thi công còn bị kéo dài. Giới chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp cùng nhìn nhận, vướng mắc lớn nhất hiện nay của đa phần các dự án điện mặt trời mái nhà là do văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các dự án điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường với ngành nghề sản xuất điện.
Trao đổi về vấn đề cơ chế, chính sách hiện nay, về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam có vai trò, động lực quan trọng trong việc phát triển điện mặt trời áp mái. Hiện nay, Bộ Công Thương đang kiến nghị các cơ chế chính sách tiếp tục phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung và trong đó có điện mặt trời mái nhà nói riêng, tiếp tục khai thác các loại hình năng lượng sạch này. Các chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt điện mặt trời mái nhà và phù hợp với nhu cầu sử dụng tại chỗ.
“Điện mặt trời mái nhà trong định hướng chiến lược chính sách sắp tới sẽ tiếp tục đi theo hướng đấu nối vào lưới điện 35KV trở xuống, không phải đầu tư thêm lưới điện phân phối để giải tỏa các nguồn công suất điện mặt trời mái nhà. Điện mặt trời mái nhà phải tận dụng được hai yếu tố có sẵn là mái của các công trình xây dựng và lưới điện có sẵn. Chính sách mới cũng sẽ thiết kế theo hướng không hạn chế công suất nhưng sẽ đưa ra tỷ lệ tự dùng. Mục đích để không phải đầu tư thêm lưới điện cũng như đảm bảo hệ thống điện mặt trời mái nhà có tính phân tán, hạn chế phải truyền tải, tránh tổn thất điện năng và tăng đầu tư xã hội. Phần chênh lệch có thể bán cho lưới điện thì phần giá điện Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sao có cơ chế để tận dụng tốt, hài hoà với việc mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị khác. Tránh tình trạng lợi dụng chính sách, làm rõ và khích lệ cho các nhà đầu tư khai thác tốt trên hạ tầng có sẵn”, ông Hùng cho biết.
Đối với việc áp dụng cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà và giá điện mặt trời FIT 3, Bộ Công Thương hiện đang xây dựng quy định, giá bán sẽ không cố định và nếu có sẽ cho bán điện dư với giá bán theo khung giá được ban hành hàng năm, sẽ không đi theo cơ chế bù trừ trong năm.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết hiện Chính phủ chưa có chính sách mua điện với các dự án điện mặt trời mái nhà sử dụng cho các khu công nghiệp, do đó vẫn đang chờ hướng dẫn. Bên cạnh đó, EVN luôn công khai minh bạch với các nhà đầu tư. Các thủ tục đều được hướng dẫn chi tiết đầy đủ và giải quyết nhanh chóng liên quan tới thoả thuận đấu nối. Tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ đấu nối cho các nhà đầu tư.