Tóm tắt:
Một trong những điều kiện quan trọng để thị trường chấp nhận sản phẩm của doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp có điều kiện cạnh tranh với sản phẩm của doanh nghiệp khác là chất lượng sản phẩm cao với giá thành hợp lý. Vì vậy, việc tổ chức công tác kế toán nói chung và đặc biệt là công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm đúng đắn, hợp lý và chính xác có ý nghĩa rất lớn. Tác giả đã chọn Công ty TNHH Minh Trung có trụ sở chính đặt tại tỉnh Bắc Giang để phân tích về thực trạng kế toán chí phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.
Từ khóa: Kế toán chi phí sản xuất, tính giá thành, Công ty TNHH Minh Trung, khấu hao, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp…
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bất kỳ một doanh nghiệp nào hoạt động sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường hiện nay cũng đều nhận thức được tầm quan trọng của nguyên tắc đảm bảo thu nhập bù đắp chi phí đã bỏ ra bảo toàn được vốn và có lãi để tích lũy, tái sản xuất mở rộng từ đó mới đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này chính là việc hạch toán ra sao để cho chi phí sản xuất và giá thành ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể được của doanh nghiệp.
Ngoài ra làm tốt công tác tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm sẽ giúp cho doanh nghiệp nhìn nhận đúng đắn thực trạng của quá trình sản xuất, quản lý cung cấp thông tin một cách chính xác kịp thời cho bộ máy lãnh đạo để đề ra các quyết sách, biện pháp tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và cũng đồng thời giúp doanh nghiệp có sự chủ động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ TÍNH GIÁ THÀNH SẢN PHẨM TẠI CÔNG TY TNHH MINH TRUNG
1. Nội dung hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty TNHH Minh Trung
- Kế toán chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tại Công ty TNHH Minh Trung chiếm 62,31% trong tổng chi phí sản xuất (số liệu năm 2015), bao gồm toàn bộ chi phí về nguyên liệu, vật liệu xuất dùng vào sản xuất trực tiếp trong kỳ. Công ty hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, sử dụng TK 621 “Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp” để theo dõi và phản ánh chi phí NVL trực tiếp dùng cho sản xuất. Việc xuất kho nguyên vật liệu được căn cứ vào nhu cầu về khối lượng sản phẩm sản xuất trong tháng theo kế hoạch và theo định mức tiêu hao vật tư cho một đơn vị chi tiết sản phẩm do khối kỹ thuật quy định có sự ký duyệt của giám đốc. Căn cứ phiếu đề nghị xuất vật tư, các kho sẽ lập phiếu xuất kho nguyên vật liệu, thủ kho cho xuất nguyên liệu và tập hợp lên thẻ kho. Đến cuối tháng, nhân viên kế toán sẽ ra lệnh cho phần mềm tính ra đơn giá xuất kho của từng loại vật liệu theo phương pháp bình quân gia quyền.
- Kế toán chi phí nhân công trực tiếp
Chi phí nhân công trực tiếp tại Công ty TNHH Minh Trung - CN Hòa Bình gồm tiền lương chính, phụ cấp (phụ cấp chức vụ, phụ cấp lương trách nhiệm, phụ cấp khác) của công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm tại các phân xưởng mà không bao gồm các khoản trích theo lương của công nhân trực tiếp sản xuất. Tại Công ty TNHH Minh Trung tại Hòa Bình, việc tính giá thành phân làm 2 bước. Đó là tập hợp từng chi phí chế biến giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có trong thành phẩm. Vì vậy, việc tính lương cho công nhân thuộc tổ đóng thùng được tách riêng so với lương nhân viên văn phòng, tổ kho và tổ sản xuất (gọi chung là lương chung của nhà máy). Công ty hiện đang sản xuất 24 sản phẩm chính, trong đó đơn vị tính của hầu hết các sản phẩm là lon, chỉ có sản phẩm chân gà hấp đông là tính theo đơn vị gói. Vì số lượng sản phẩm chân gà hấp đông vẫn còn chiếm tỉ lệ thấp trong tổng số lượng sản phẩm hoàn thành của nhà máy, nên tuy đơn vị tính của các sản phẩm khác nhau nhưng Công ty vẫn quy đổi đơn vị tính 1 gói bằng 1 lon và tiến hành cộng tổng số lượng sản phẩm với đơn vị tính chung là “lon”. Sau khi tiến hành phân bổ cả lương chung và lương công nhân đóng thùng, kế toán sẽ lên được bảng lương sản phẩm của toàn nhà máy.
Hiện tại, Công ty Minh Trung mới chỉ kế toán các khoản chi phí nhân công trực tiếp theo thực tế phát sinh mà chưa tiến hành trích trước tiền lương nghỉ phép của công nhân trực tiếp sản xuất vào chi phí. Trên thực tế, việc công nhân nghỉ phép theo chế độ là thường xuyên diễn ra và không dự đoán trước được, điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến công tác tính giá thành sản phẩm tại Công ty.
2. Kế toán chi phí sản xuất chung
Chi phí sản xuất chung bao gồm tất cả các chi phí có liên quan đến việc phục vụ, quản lý sản xuất trong phạm vi các phân xưởng sản xuất, các bộ phận sản xuất trong Công ty.
Như đã trình bày trên phần kế toán chi phí nhân công trực tiếp, lương của nhân viên quản lý phân xưởng và bộ phận kĩ thuật không được tính vào chi phí sản xuất chung mà tính vào chi phí nhân công trực tiếp. Tại đây, chi phí sản xuất chung bao chi phí công cụ dụng cụ, khấu hao tài sản cố định, chi phí dịch vụ mua ngoài (tiền điện cho sản xuất, chi phí gia công sửa chữa…) và chi phí bằng tiền khác phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm.
Để tập hợp và kết chuyển chi phí sản xuất chung, kế toán sử dụng tài khoản 627 “Chi phí sản xuất chung”. Tài khoản 627 được mở chi tiết theo nội dung chi phí.
TK cấp 1
TK cấp 2
Tên tài khoản
TK 627
6273
Chi phí dụng cụ sản xuất
6274
Chi phí khấu hao TSCĐ
6278
Chi phí sản xuất chung
- Chi phí dụng cụ sản xuất:
Đây là phần chi phí chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí sản xuất chung. Cụ thể trong năm 2015, chi phí dụng cụ sản xuất chiếm 55,26% trong tổng chi phí sản xuất chung. Chi phí công cụ dụng cụ (CCDC) tại nhà máy sản xuất được chia làm 2 loại. Một là chi phí CCDC để sản xuất sản phẩm như chi phí lon rỗng, bao gói,… Chi phí này được tập hợp cùng với các chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ), chi phí sản xuất chung (SXC) để tính ra chi phí chế biến giai đoạn 1 trong giá thành sản phẩm. Hai là chi phí CCDC để hoàn thiện từ bán sản phẩm sang thành phẩm, bao gồm: thùng carton, bao pp, nắp, thìa, băng dính,... Chi phí này được tập hợp riêng để tính được chi phí chế biến giai đoạn hai trong giá thành sản phẩm.
Quy trình hạch toán công cụ dụng cụ tại đơn vị cũng giống với nguyên vật liệu. Từ các phiếu nhập, xuất kho đơn vị lập bảng phân bổ công cụ dụng cụ thuộc bảng nhập xuất vật tư, và ghi tăng chi phí dụng cụ sản xuất đồng thời ghi giảm trực tiếp trị giá công cụ dụng cụ tồn kho trên tài khoản 153 (TK).
Cuối tháng, kế toán tiến hành tập hợp và phân bổ chi phí SXC theo khối lượng sản phẩm hoàn thành cho từng loại sản phẩm. Căn cứ vào bảng phân bổ chi phí sản xuất chung cho từng sản phẩm, kế toán tiến hành định khoản: ghi tăng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trên TK 154 và ghi giảm chi phí SXC trên TK 627 chi tiết theo từng mã sản phẩm.
Theo khảo sát thực tế, dưới nhà máy chưa xác định mức công suất hoạt động bình thường của máy móc thiết bị, cộng thêm việc không phân loại rõ chi phí sản xuất chung thành chi phí cố định và chi phí biến đổi nên chi phí SXC được tính hết vào giá thành. Cuối tháng, kế toán thực hiện các bút toán kết chuyển và phần mềm tự động xử lý và vào các sổ liên quan như nhật ký chứng từ số 7, sổ cái TK 6273, TK 6274, TK 6278.
- Kế toán tổng hợp chi phí sản xuất
Việc tập hợp chi phí sản xuất căn cứ vào các đối tượng hạch toán chi phí sản xuất. Mỗi đối tượng tập hợp chi phí sản xuất được mở sổ theo dõi riêng từng khoản mục chi phí để làm cơ sở cho việc tính giá thành sản phẩm.
Toàn bộ chi phí sản xuất phát sinh trong tháng được tập hợp trên các tài khoản chi phí 621, 622 và 627 và cuối tháng kế toán thực hiện bút toán kết chuyển tự động từ các tài khoản chi phí về TK 154.
3. Phương pháp tính giá thành sản phẩm
Trên cơ sở chi phí sản xuất đã tập hợp, kết chuyển và phân bổ, kế toán tiến hành tập hợp chi phí chế biến giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong thành phẩm, sau đó tính ra giá thành sản phẩm. Đối tượng tính giá thành là thành phẩm hoặc nửa thành phẩm theo từng mã sản phẩm.
Do Công ty không đánh giá sản phẩm dở dang nên tổng chi phí sản xuất đã tập hợp trong kỳ theo từng loại sản phẩm cũng chính là giá thành của loại sản phẩm đó.
Tại Công ty, việc tính giá thành được thực hiện thủ công vào cuối kì trên Excel. Kế toán dựa trên số liệu chi phí đã tập hợp và phân bổ trên từng sản phẩm như chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí sản xuất chung, chi phí lương chung, chi phí khấu hao, dịch vụ mua ngoài, chi phí công cụ dụng cụ, chi phí công nhân đóng thùng để lên bảng excel tính giá thành thủ công.
Qua khảo sát thực tế tại Công ty có thể thấy, trong công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm về cơ bản đã thu được thành tựu:
- Về tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán: Nhìn chung công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm đều thực hiện theo đúng chế độ kế toán hiện hành, tuân thủ các chuẩn mực kế toán 02, 03, 04 về việc xác định giá trị và kế toán hàng tồn kho được tính vào chi phí, phương pháp tính trị giá hàng tồn kho và phương pháp khấu hao TSCĐ.
- Về thực hành kế toán:
+ Chứng từ kế toán: Hệ thống chứng từ kế toán đang được áp dụng được tổ chức hợp lý, hợp lệ, đúng với quy định của Bộ Tài chính. Công ty đã sử dụng những chứng từ cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý tại doanh nghiệp. Các nghiệp vụ kinh tế phát sinh hầu hết đều có căn cứ rõ ràng.
- Công tác phân loại chi phí sản xuất: Công ty phân loại chi phí sản xuất theo mục đích và công dụng của chi phí sản xuất. Việc phân loại này giúp cho kế toán thuận lợi trong việc thiết lập tài khoản và tính giá thành sản phẩm, từ đó đưa ra các quyết định quản lý nhằm tiết kiệm chi phí và hạ giá thành sản phẩm.
- Về đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá thành: Tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại chi phí mà Công ty xác định đối tượng tập hợp chi phí là khác nhau. Việc lựa chọn đối tượng tập hợp chi phí và đối tượng tính giá thành này thuận lợi cho việc sử dụng phần mềm kế toán trong kết chuyển, phân bổ và tính giá thành sản phẩm theo phương pháp phân bước.
- Về công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm: Công tác hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của Công ty dựa trên đặc điểm tổ chức sản xuất, đặc điểm quy trình công nghệ của sản xuất sản phẩm tại Công ty. Chi phí sản xuất được tập hợp theo khoản mục chi phí tạo điều kiện cho Công ty có thể so sánh tình hình thực hiện với kế hoạch đề ra, từ đó thấy được những ưu điểm cùng những hạn chế và có biện pháp khắc phục kịp thời. Công ty còn có một hệ thống định mức chi phí cho mỗi loại sản phẩm nên đảm bảo cho việc kiểm tra, kiểm soát chi phí một cách chặt chẽ.
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế:
* Về việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán 02, 03, 04:
- Về chi phí được tính vào giá gốc hàng tồn kho:
+ Chi phí nhân công trực tiếp (NCTT): Tại Công ty, các khoản trích theo lương của người lao động như BHXH, BHYT, KPCĐ không được tính vào chi phí NCTT để tính giá gốc của sản phẩm mà phản ánh vào tài khoản 6428. Điều này không phù hợp với bản chất của nguyên tắc phù hợp khi chi phí NCTT trong sản xuất sản phẩm là chi phí sản xuất. Vì thế gây ảnh hưởng đến tính chính xác của việc tính giá thành sản phẩm. Hơn nữa, việc tính lương của bộ phận văn phòng vào chi phí NCTT sản xuất cũng vi phạm nguyên tắc giá gốc đưa cả vào chi phí thời kỳ và chi phí sản phẩm. Điều này ảnh hưởng thông tin trình bày trên BCTC.
+ Về chi phí sản xuất chung: Việc phân bổ chi phí sản xuất tại Công ty chưa gắn với mức công suất hoạt động của máy móc thiết bị nên có những trường hợp khi công suất hoạt động dưới mức bình thường thì chi phí SXC cố định tính hết vào giá thành sản phẩm làm cho giá thành bị đội lên cao so với thực tế. Hơn nữa, các chi phí SXC không được tập hợp riêng biệt thành chi phí cố định và chi phí biến đổi mà tập hợp chung tất cả các chi phí SXC phát sinh và sử dụng tiêu thức sản lượng sản phẩm sản xuất để phân bổ. Điều đó có thể dẫn đến sự thiếu chính xác trong việc tính giá thành sản phẩm, vì thực tế chưa hẳn sản lượng sản phẩm nhiều thì chi phí SXC cao hơn.
+ Về phương pháp tính trị giá hàng tồn kho: Hàng tồn kho tại Minh Trung được tính theo phương pháp bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ. Ưu điểm của phương pháp là khá đơn giản, dễ tính toán và công việc thực hiện ít (chỉ vào cuối kỳ) tuy nhiên khi sử dụng phương pháp này độ chính xác không cao, cuối tháng mới có thể biết được giá trị của hàng xuất kho, vì thế không phản ánh được sự biến động của giá nguyên vật liệu trong kỳ, chưa đáp ứng yêu cầu kịp thời của thông tin kế toán ngay tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ.
+ Về chi phí khấu hao TSCĐ: Theo VAS 02, 03, doanh nghiệp phải tính toán và phân bổ giá trị khấu hao TSCĐ vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ. Tại Công ty, mỗi TSCĐ của Công ty được tính khấu hao theo tháng mà không tính theo số ngày sử dụng thực tế. Việc tính khấu hao như vậy với trị giá TSCĐ lớn vẫn có thể ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm.
* Về thực hành kế toán:
- Về tiêu thức phân bổ chi phí SXC, chi phí NCTT: Tại Công ty, tiêu thức phân bổ chi phí SXC, chi phí NCTT là số lượng sản phẩm hoàn thành. Tuy nhiên, đơn vị tính sản phẩm sản xuất của nhà máy không đồng nhất. Cụ thể, sản phẩm chân gà hấp đông tính theo gói, còn lại những sản phẩm khác tính theo đơn vị lon.
- Về chi phí lương nhân viên quản lý phân xưởng: Theo khảo sát, chi phí lương cho toàn bộ nhân viên tại nhà máy, bao gồm cả lương giám đốc, lương bộ phận văn phòng đều tính vào chi phí lương NCTT. Điều này chưa đúng với bản chất khoản mục chi phí lương nhân công trực tiếp tham gia vào sản xuất sản phẩm.
- Về hạch toán chi phí thiệt hại ngừng sản xuất: Những khoảng thời gian mất điện tạm thời, bảo dưỡng máy móc thiết bị, không có đơn đặt hàng hoặc Công ty cho công nhân nghỉ phép đi du lịch thì Công ty phải tạm ngừng sản xuất. Những chi phí phát sinh trong quá trình tạm ngừng sản xuất này như khấu hao TSCĐ, chi phí nhân viên quản lý… vẫn được tính vào chi phí sản xuất trong tháng để tính giá thành sản phẩm. Điều này làm sai lệch CPSX thực tế cũng như giá thành sản phẩm cuối kỳ.
III. GIẢI PHÁP
Một là, về việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán
- Về chi phí được tính vào giá gốc hàng tồn kho:
+ Chi phí NCTT: Hiện nay, do chi phí NCTT tại Công ty không được ghi nhận đầy đủ chi phí, trong đó có chi phí liên quan tới các khoản tính BHXH, BHYT, BHTN và KPCĐ. Để tuân thủ nguyên tắc giá gốc kế toán, Công ty nên tính đủ chi phí quá trình sản xuất vào giá gốc của sản phẩm, các khoản bảo hiểm và kinh phí công đoàn tính vào chi phí NCTT sản xuất sản phẩm trong kỳ, không tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
+ Về chi phí SXC: Từ việc không xác định công suất hoạt động bình thường của máy móc sản xuất tại nhà máy dẫn đến ảnh hưởng tính chính xác trong việc xác định giá thành sản phẩm.
Phương pháp xác định công suất bình thường là dựa vào số lượng sản phẩm đạt được ở mức trung bình trong các điều kiện sản xuất bình thường. Dựa trên công suất thiết kế của máy móc thiết bị, dễ dàng xác định được thời gian, tốc độ cần thiết để sản xuất cho từng công đoạn như ghép mý 150 lon/phút, máy chiết 75 lon/phút,… từ đó xác định được thời gian cần để sản xuất lượng sản phẩm dự tính trong điều kiện máy móc hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, khoản mục chi phí SXC cuối kỳ tổng hợp lại rồi mới phân bổ cho toàn bộ sản phẩm Công ty nên đã bình quân hóa giá thành và không đánh giá được hiệu quả của từng bộ phận. Vì thế, Công ty nên tách riêng chi phí SXC thành chi phí SXC cố định và chi phí SXC biến đổi.
+ Về phương pháp tính trị giá hàng tồn kho: Công ty nên áp dụng phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập thay thế cho phương pháp bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ. Sau mỗi lần nhập sản phẩm, vật tư, hàng hóa, kế toán phải xác định lại giá trị thực của hàng tồn kho và giá đơn vị bình quân. Việc chuyển sang phương pháp này hoàn toàn có thể thực hiện được do Công ty đã theo dõi từng lần nhập, xuất vật tư trên từng sổ kế toán chi tiết của từng loại vật tư.
Hai là, về thực hành kế toán
- Về tiêu thức phân bổ chi phí SXC, chi phí NCTT: Do đơn vị tính của các sản phẩm tại nhà máy không đồng nhất, vì thế tiêu thức số lượng sản phẩm hoàn thành để phân bổ chi phí là chưa hợp lý. Vì thế, đề xuất giải pháp lấy chi phí NCTT là tiêu thức phân bổ chi phí. Vì đặc điểm của quy trình sản xuất tại nhà máy là mỗi quy trình chỉ sản xuất một sản phẩm. Sản phẩm này chạy xong mới đến sản phẩm tiếp theo. Vì thế có thể theo dõi được số giờ công nhân làm việc để hoàn thành từng sản phẩm. Theo đó, tại nhà máy, việc tính lương cho công nhân sản xuất vẫn cứ tính dựa theo ngày làm việc thực tế và đơn giá một ngày công nhưng sẽ có bảng chấm công riêng cho từng công nhân cho từng sản phẩm. Do đó, sẽ tính được chi phí NCTT theo từng sản phẩm và lấy làm tiêu thức phân bổ chi phí SXC.
- Về chi phí lương nhân viên quản lý phân xưởng: Kế toán tại nhà máy không nên tính lương của bộ phận văn phòng vào TK 622 - Chi phí NCTT kế toán nên tách riêng lương của bộ phận văn phòng và quản lý nhà máy hạch toán vào TK 6271 - chi phí nhân viên phân xưởng. Về các khoản trích theo lương, Công ty cũng nên hạch toán chuyển từ TK6428 sang TK 622.
- Về hạch toán chi phí thiệt hại ngừng sản xuất: Tại Công ty có những khoảng thời gian phải tạm ngừng sản xuất vì các nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, như: mất điện, không có đơn đặt hàng của khách hàng, sửa chữa bảo dưỡng máy móc định kỳ,… Trong khoảng thời gian tạm ngừng sản xuất này, Công ty vẫn phải bỏ ra các khoản chi phí để duy trì hoạt động như: chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí nhân viên phân xưởng, chi phí thuê mặt bằng, lãi vay ngân hàng… Việc ngừng sản xuất cũng sẽ làm sản lượng sản xuất giảm, máy móc thiết bị không chạy đủ công suất quy định. Theo quy định của chế độ kế toán hiện hành thì những khoản chi phí thiệt hại ngừng sản xuất này có thể tiến hành trích trước hoặc không trích trước, phải tiến hành phân bổ vào chi phí trong nhiều kỳ nếu nó quá lớn tránh gây ảnh hưởng đột biến cho chi phí cũng như giá thành sản phẩm. Vì thế, Công ty nên tiến hành trích trước chi phí thiệt hại ngừng sản xuất. Khi có khoảng thời gian ngừng sản xuất, nhân viên thống kê tại các phân xưởng sản xuất phải thống kê khoản thiệt hại do ngừng sản xuất gây ra, kế toán tập hợp các khoản thiệt hại này về TK 138.1 - “Tài sản thiếu chờ xử lý”, sau đó xem xét nguyên nhân và các quyết định xử lý để hạch toán về các tài khoản phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài chính (2014), Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.
2. Đại học Kinh tế Quốc dân (2011), Giáo trình Kế toán tài chính trong các doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
3. Đại học Kinh tế Quốc dân (2011), Giáo trình Kế toán quản trị, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
4. Học viện Tài chính (2010), Giáo trình Kế toán tài chính, NXB Tài chính, Hà Nội.
5. Học viện Tài chính (2009), Giáo trình Kế toán quản trị trong doanh nghiệp, NXB Tài chính, Hà Nội.
Ngày nhận bài: 03/01/2016
Ngày chấp nhận đăng bài: 22/01/2016
Thông tin tác giả:
Nguyễn Thị Dung
Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp
Manufacturing cost accounting and cost of goods manufactured calculation of Minh Trung Limited Company
Nguyen Thi Dung
Faculty of Accounting, University of Economics and Technology Industry
Abstract:
High quality and reasonable manufacturing cost are considered as the most important factors for any enterprises to do business successful. Therefore, the accounting management in general and cost of goods manufactured calculation in particular play a key role in the enterprises operation. This article focuses on Manufacturing cost accounting and cost of goods manufactured calculation of Minh Trung Limited Company in Bac Giang province.
Keywords: Manufacturing cost accounting, cost of goods manufactured calculation, Minh Trung Limited Company, quality of product, enterprise.