TÓM TẮT:
Phần lớn các nước trên thế giới đều đã đưa ra pháp luật trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ở nước ta, các quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất tại các quy định pháp luật, đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của các quy định hiện hành về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất. Bài viết tập trung khái quát tình hình và đánh giá thực tiễn áp dụng quy định của Luật, từ đó đưa ra một số kiến nghị, giải pháp góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất ở nước ta.
Từ khóa: Nhà sản xuất, trách nhiệm, người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm.
1. Đặt vấn đềỞ Việt Nam, pháp luật trách nhiệm sản phẩm đã được đưa ra và áp dụng trong nhiều năm qua, tuy nhiên các quy định chưa chặt chẽ, nghiêm ngặt, còn nhiều thiếu sót nên nhiều doanh nghiệp dựa vào lỗ hỏng pháp luật đó để trốn luật, lách luật làm cho người tiêu dùng chịu thiệt thòi lớn. Với quy định pháp luật đó bước đầu đã tạo được hành lang pháp lý cho việc bảo vệ người tiêu dùng và chế tài đối với doanh nghiệp. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà các quy định trên đã ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, như: quy định còn chung chung, chưa thực sự đảm bảo cơ chế cho việc thực thi các quyền của người tiêu dùng… Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần nâng cao, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và hạn chế đến mức thấp nhất các lỗi về sản phẩm do nhà sản xuất gây ra, buộc các nhà sản xuất phải cân bằng giữa lợi nhuận kinh doanh và bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra.
2. Thực trạng các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất
Theo đa số các nghiên cứu mới nhất, thì bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng chế định trách nhiệm sản phẩm là một lựa chọn khá tối ưu, mặc dù vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định về trách nhiệm sản phẩm. Trách nhiệm sản phẩm bắt nguồn từ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không dựa trên yếu tố lỗi. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra sau khi phát sinh các điều kiện cần và đủ sau:
- Có tồn tại hàng hóa khuyết tật:
Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả trường hợp hàng hóa có được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện ra được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm: Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ; Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng là những hậu quả bất lợi về mặt vật chất mà tổ chức, cá nhân phải gánh chịu do cung cấp hàng hóa có khuyết tật gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng, không phụ thuộc vào tổ chức, cá nhân đó có lỗi hay không trong việc tạo ra hàng hóa khuyết tật.
- Có thiệt hại xảy ra đối với người tiêu dùng: Bao gồm thiệt hại cả về tài sản và tinh thần cho người tiêu dùng.
Thiệt hại về tài sản được biểu hiện cụ thể là những mất mát về tài sản, giảm sút tài sản, những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, sữa chữa, thay thế, những lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe bao gồm các chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng bị mất, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khỏe.
Thiệt hại về tinh thần theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam đó là những thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm hoặc những suy sụp tình cảm, tâm lý của người tiêu dùng do ảnh hưởng từ việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa.
Trong trường hợp hàng hóa, sản phẩm gây thiệt hại cho người tiêu dùng được xác định là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo điều 604 Bộ luật Dân sự, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại áp dụng cả lỗi cố ý và vô ý. Cụ thể, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phát sinh do lỗi cố ý khi một người nhận thức rõ ràng về hành vi của mình sẽ gây ra thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Như trường hợp người bán biết hàng hóa đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn bán cho người tiêu dùng, hoặc trường hợp dùng hàng hết hạn để làm từ thiện. Trong trường hợp gây thiệt hại do lỗi vô ý là khi một người không thấy trước được hành vi của mình là có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Ví dụ như trường hợp người bán hàng không bảo quản tủ lạnh đúng tiêu chuẩn với thực phẩm có men, sữa…
- Trường hợp xảy ra có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hàng hóa khuyết tật:
Thiệt hại xảy ra là kết quả từ việc người tiêu dùng sử dụng hàng hóa có khuyết tật hay ngược lại khuyết tật của hàng hóa là nguyên nhân xảy ra thiệt hại. Trách nhiệm sản phẩm được hiểu là người sản xuất phải chịu trách nhiệm nếu như sản phẩm bị kém chất lượng và việc sử dụng sản phẩm kém chất lượng này trong điều kiện bình thường gây ra những thiệt hại cho người sử dụng. Trong quá trình sử dụng, sản phẩm đã gây ra những tổn thất, thiệt hại cho người tiêu dùng, thiệt hại này được chứng minh do chính quá trình sử dụng sản phẩm gây ra.
3. Đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất
- Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa:
Đây chính là người chế biến nguyên liệu thô và là người xuất bán sản phẩm, chủ thể này có thể có mối liên hệ trực tiếp với người tiêu dùng hoặc không có mối liên hệ trực tiếp. Điều kiện cần để xác định một chủ thể có thuộc diện phải chịu trách nhiệm chỉ phụ thuộc vào việc người đó trực tiếp có mối liên hệ trực tiếp đối với sản phẩm mà người tiêu dùng đã sử dụng hay không. Mối liên hệ trực tiếp đối với sản phẩm có thể là một trong các hình thức sau: là người sản xuất ra sản phẩm, người sản xuất ra sản phẩm bao gồm cả người sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh hoặc là người sản xuất ra một phần, một bộ phận trong sản phẩm hoàn chỉnh đó.
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa:
Do chuỗi cung ứng hàng hóa gồm nhiều chủ thể, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng không hề dễ dàng. Có thể hình dung chu trình tiêu dùng được phân làm ba công đoạn: Trước khi giao dịch; trong giao dịch và trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Vai trò của tổ chức, cá nhân hập khẩu hàng hóa trong từng công đoạn của chu trình tiêu dùng là khác nhau và hoàn toàn có thể là đối tượng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi có tranh chấp phát sinh. Các chủ thể này liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do hàng hóa khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng, và chỉ được loại trừ trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp nhất định
- Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại:
Việc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng là chủ thể có liên quan tới việc chịu trách nhiệm sản phẩm trong trường hợp người tiêu dùng phải chịu thiệt hại trong quá trình sử dụng sản phẩm. Đây là chủ thể trung gian, nhưng cũng là chủ thể trong chuỗi cung ứng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, trong quá trình tiếp nhận sản phẩm đã không hoặc cố ý không kiểm tra chất lượng sản phẩm, mà vẫn sử dụng sản phẩm lỗi để bán ra thị trường, bởi vậy trong việc xác định trách hiệm sản phẩm không thể bỏ qua chủ thể trung gian này.
- Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa khuyết tật cho người tiêu dùng:
Đây chính là mắt xích quan trọng, cần có những chế tài riêng để quản lý nhóm cá nhân, tổ chức này. Bởi đây là đối tượng trực tiếp giao hàng cho người tiêu dùng, mọi thắc mắc về sản phẩm của người tiêu dùng do chủ thể này tiếp nhận, xử lý và làm hài lòng người tiêu dùng. Trong khi ngày càng nhiều sản phẩm cạnh tranh nhau, việc đưa ra chế tài cụ thể cho các chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, có ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng. Nếu quy định chặt chẽ thì khâu chuyển tải tới người tiêu dùng sẽ giảm thiểu những lỗi trách nhiệm về sản phẩm rất nhiều.
Việc ghi nhận các chủ thể trên có thể coi là một hướng dẫn quan trọng, mở rộng đáng kể phạm vi một bên chủ thể cung ứng hàng hóa có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do hàng hóa khuyết tật gây ra. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định trách nhiệm sản phẩm, từ đó có cái nhìn sâu sát, xác định đúng trách nhiệm cho ai, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ số hóa, công nghiệp hóa ngày càng nhanh và mạnh.
- Được quy định cụ thể trong văn bản luật:
Trước hết nói đến từ chỗ ghi nhận trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa như một loại trách nhiệm dân sự cụ thể đã phát triển thành một chế định pháp luật được tách ra khỏi Bộ Luật dân sự để điều chỉnh trong văn bản pháp luật chuyên ngành đó chính là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Có thể nhận thấy ở giai đoạn trước năm 2010, mặc dù đã có những yếu tố nội dung nền tảng nhưng pháp luật Việt Nam vẫn chưa thực sự định hình chính thức chế định trách nhiệm sản phẩm (chưa quy định rõ khái niệm trách nhiệm sản phẩm, sản phẩm khuyết tật, nguyên tắc áp dụng trách nhiệm sản phẩm, thu hồi sản phẩm có khuyết tật...). Điều này đã dẫn đến thực tế các vi phạm về trách nhiệm sản phẩm không có đủ cơ sở để xử lý, áp đặt trách nhiệm cho các doanh nghiệp.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là quy định người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải chứng minh lỗi sản phẩm. Cụ thể, Điều 42 của Luật quy định nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng việc quy định người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi trong vụ án dân sự không có nghĩa là miễn trừ tất cả nghĩa vụ chứng minh của người tiêu dùng. Để thực hiện việc khởi kiện, người tiêu dùng vẫn phải chứng minh thiệt hại, cung cấp chứng cứ về thiệt hại cũng như hành vi gây ra thiệt hại mà không cần phải chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây ra thiệt hại đó. Quy định này xuất phát từ vị trí yếu thế của người tiêu dùng trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, căn cứ phát sinh trách nhiệm chính là khuyết tật sản phẩm và thiệt hại đã xảy ra. Ở đây, người tiêu dùng không cần chứng minh lỗi này, mà nghĩa vụ chứng minh mình có lỗi hay không là ở phía các nhà sản xuất, nhà cung ứng nếu họ muốn miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc xác định căn cứ, dựa trên đó xác định khuyết tật sản phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng để xác định trách nhiệm nghiêm ngặt. Một sản phẩm bị coi là có khuyết tật khi sản phẩm đó không đảm bảo an toàn ở mức độ mà người ta có thể trông chờ được một cách hợp lí.
- Quy định trách nhiệm bồi thường không phụ thuộc vào yếu tố lỗi:
Theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là sự kiện “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” và tương ứng với căn cứ này là các quy định tại Chương XX, Phần thứ ba BLDS 2015 về “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cơ sở pháp lý mà dựa vào đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, BLDS 2015 đã được sửa đổi và có sự tiến bộ so với BLDS 2005. Cụ thể, khoản 1 Điều 584 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Như vậy, trong BLDS 2015, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại”. Theo quy định tại Điều 604 BLDS 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng yêu cầu người gây thiệt hại phải có “lỗi cố ý hoặc vô ý”. Với quy định như vậy, ngoài việc chứng minh người gây thiệt hại có hành vi trái pháp luật, người bị thiệt hại cần phải chứng minh người gây thiệt hại có lỗi. BLDS 2015 đã quy định về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo hướng có lợi cho người bị thiệt hại.
Ngoài ra, BLDS 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. BLDS 2005 quy định về các đối tượng bị xâm phạm trong căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hướng liệt kê. Cụ thể, khoản 1 Điều 604 quy định: “Người nào có lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Với quy định như trên, đối với cá nhân, BLDS 2005 có phạm vi điều chỉnh rất rộng. Tuy nhiên, đối với pháp nhân, BLDS 2005 chỉ liệt kê ba đối tượng bị xâm phạm là “danh dự, uy tín, tài sản”. Quy định mới tại khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 đã khắc phục được nhược điểm trên, theo đó, đối tượng bị xâm phạm làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân và pháp nhân bao gồm “tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác”.
4. Nguyên nhân của những sai sót, hạn chế trong pháp luật về trách nhiệm
- Công tác nghiên cứu, đánh giá lý luận và thực tiễn chưa chuyên sâu:
Những nhà đánh giá, nhà làm luật chưa thực sự đi sâu vào phân tích vấn đề, nghiên cứu cụ thể các chủ thể, nhu cầu, mong muốn của họ ra sao. Đa phần làm theo ý chủ quan, chưa đi sâu vào thực tế. Bởi vậy các quy định còn mang tính chất lý thuyết, khi áp dụng vào thực tế không chỉ chủ thể là người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh hay là cơ quan nhà nước đều cảm thấy vướng mắc. Chính điều này khiến mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dường như rất ít, hiếm có vụ kiện tụng nào mà người tiêu dùng được hỗ trợ tối đa, cung cấp thông tin cần thiết. Chủ yếu là người dân tự xoay xở là chính và bản thân người sản xuất kinh doanh với thế mạnh kinh tế của mình sẽ đè bẹp những kiện cáo của người dân.
Thiếu chế tài để xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Mặc dù đã có những quy định về trách nhiệm của tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên khi các tổ chức, các nhân kinh doanh này vi phạm các quy định, ví dụ như cân, đong sai, thông tin về hàng hóa, dịch vụ thiếu trung thực… thì không có bất kỳ một quy định nào về chế tài sử lý. Điều này đã làm mất đi tính răn đe, giáo dục cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Thực tiễn hoạt động công tác bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, khi xảy ra vụ việc vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rất khó xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm bởi thiếu một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xử lý đó. Chính vì vậy, nhiều vụ việc mặc dù xác định rõ ràng có sự vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các trách nhiệm của mình với người tiêu dùng vẫn không xử lý được. Đây cũng là một trong những lý do ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua.
- Kỹ thuật lập pháp liên quan đến quy định về trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm:
Về mặt kỹ thuật lập pháp các quy định còn mang tính rải rác, thiếu tính hệ thống, trong các quy định luật pháp hiện hành về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng có thể thấy một sự lộn xộn trong việc quy định các trách nhiệm đó. Người tiêu dùng Việt Nam thuộc nhiều đối tượng khác nhau với trình độ, nhận thức khác nhau. Do vậy, với quy định như hiện nay, người tiêu dùng khi tiếp cận với các quy định pháp luật rất khó để họ có thể dễ dàng nhìn thấy những trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Điều này không chỉ xảy ra với người tiêu dùng mà thậm chí còn xảy ra với chính những tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, việc bố trí các điều khoản nhiều khi không khoa học, thiếu logic thậm chí là trùng lặp.
5. Giải pháp nâng cao, hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất ở Việt Nam hiện nay
5.1. Sự cần thiết hoàn thiện quy định về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất trong bối cảnh hiện nay
- Điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện pháp luật quy định về trách nhiệm trách nhiệm sản phẩm đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Hội nhập quốc tế bên cạnh việc mang lại những lợi ích kinh tế cho đất nước thì nó cũng có những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, như: hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn được nhập khẩu vào Việt Nam. Đảng ta đã nhận thức được vấn đề nghiêm trọng này và chỉ ra rằng: “Chủ động phòng ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế“ [2, tr.237]. Để bảo vệ người tiêu dùng trong nước trong điều kiện hội nhập quốc tế thì yêu cầu đặt ra là phải áp dụng các biện pháp được quốc tế thừa nhận như các hàng rào kỹ thuật, pháp luật và thông lệ quốc tế, trong đó có yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài cũng doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà họ tạo ra được cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam.
- Điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện pháp luật quy định về trách nhiệm sản phẩm đối với doanh nghiệp phù hợp với nền kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền của Việt Nam.
Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật [1, tr.126]. Đường lối của Đảng có ý nghĩa chỉ đạo việc xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, định hướng cho sự phát triển của đất nước trong từng thời kỳ. Việc xây dựng hệ thống pháp luật có sự thống nhất bên trong, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo, có khả năng chấp nhận sự hội nhập và hợp tác quốc tế là một trong những tiền đề và điều kiện không thể thiếu cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất xuất phát từ những hạn chế, bất cập của thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật ở Việt Nam.
Giải pháp hoàn thiện pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn và phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Chính vì lẽ đó, việc đề ra các giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất cũng phải phù hợp với thực trạng nền kinh tế, thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp.
- Các công việc cần tiến hành nhằm hoàn thiện pháp luật trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất.
Thứ nhất, xác định các nguyên tắc của chế định trách nhiệm sản phẩm của Việt Nam.
Thứ hai, xác định các văn bản pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng cần thể hiện các quy tắc của trách nhiệm sản phẩm và mức độ cần được quy định trong từng văn bản.
Thứ ba, rà soát các quy định hiện hành về trách nhiệm sản phẩm trong các văn bản pháp luật hiện hành và đối chiếu với các yêu cầu trước để xác định yêu cầu cần sửa đối, bổ sung, ban hành mới văn bản để hoàn thiện các quy định về trách nhiệm sản phẩm.
Thứ tư, xây dựng các quy định pháp luật cụ thể để tiến hành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản trên thực tế.
5.2. Những kiến nghị nhằm nâng cao, hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất ở Việt Nam hiện nay
- Hoàn thiện các quy định về chủ thể chịu trách nhiệm.
Theo như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) quy định tổ chức, các nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do doanh nghiệp cung cấp gây ra thiệt hại. Để xác định được chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp này thì theo khoản 2 Điều 3 Luật quy định tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quy trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Thương nhân theo quy định của Luật Thương mại; cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh [4, tr.141].
- Hoàn thiện quy định về người bị thiệt hại.
Theo Luật BVQLNTD quy định người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm hàng hóa cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Bên cạnh đó người tiêu dùng còn là tổ chức. Pháp luật đã sử dụng cơ chế đặc thù để bảo vệ người tiêu dùng không những là cá nhân-chủ thể ở vị trí yếu thế mà còn sử dụng cơ chế này để bảo vệ pháp nhân, tổ chức là không cần thiết, là khoác trách nhiệm nặng nề hơn cho doanh nghiệp. Các tổ chức có điều kiện vật chất, có hiểu biết, có nghiệp vụ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình nên các tổ chức tham gia quan hệ với doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, quyền lợi cần được bảo vệ quyền lợi theo quy định và luật thương mại [4, tr.146].
- Hoàn thiện các quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật.
Sản phầm, hàng hóa khuyết tật là sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây ra thiệt hại cho tài sản, tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm, hàng hóa khuyết tật chỉ bộc lộ khi phát sinh ra thiệt hại cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng sản phẩm, hàng hóa, nên biện pháp ngăn chặn trước khi khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa là điều khó có thể thực hiện. Vì vậy, theo Điều 22 Luật BVQLNTD quy định như sau: “Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật”.
Để giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng ít tốn kém hơn đối với biện pháp thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật thì pháp luật cần quy định rõ những trường hợp nào thì sử dụng biện pháp thu hồi, trường hợp nào thì bồi thường,... quyền yêu cầu thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người tiêu dùng cùng các biện pháp chế tài cụ thể.
- Hoàn thiện các quy định về miễn trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của doanh nghiệp với người tiêu dùng và nhằm xác định trách nhiệm có căn cứ thì ngoài những trường hợp được miễn trách nhiệm sản phẩm thì cần bổ sung thêm một số trường hợp nhằm miễn trừ trách nhiệm về thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra sau đây:
* Người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng.
* Đã hết thời gian khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
* Trước thời điểm hàng hóa gây ra thiệt hại thì bên doanh nghiệp đã có thông báo thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật.
* Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
* Thiệt hại phát sinh do lỗi của người tiêu dùng.
* Trình độ khoa học công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại.
- Hoàn thiện các quy định về thời hiệu áp dụng các chế định về trách nhiệm sản phẩm.
Thời hiệu áp dụng các chế định về trách nhiệm sản phẩm là thời hiệu mà một người có thể kiện doanh nghiệp căn cứ vào pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Phần lớn các quốc gia đều chọn thời hiệu áp dụng sẽ là 10 năm kể từ thời điểm sản phẩm, hàng hóa được đưa vào lưu hành trên thị trường và 3 năm kể từ thời điểm người bị thiệt hại biết hoặc buộc phải biết về thiệt hại đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại là 2 năm kể từ thời điểm mà quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.
5.3. Giải pháp nhằm nâng cao, hoàn thiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất ở Việt Nam hiện nay
- Quy định chặt chẽ trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm sản phẩm
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với sản phẩm có khuyết tật trong kinh doanh quốc tế là một loại rủi ro không thể loại trừ. Thay vào đó, người ta chỉ có thể giảm thiểu hoặc phòng tránh một cách hữu hiệu những rủi ro này. Mỗi doanh nghiệp khi xuất khẩu đến thị trường các nước phát triển, như thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... cần phải có chiến lược để giảm thiếu tối đa những vấn đề trách nhiệm sản phẩm. Để làm được điều đó, phải quy định rõ trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp và các khoản bồi thường đó phải cao hơn so với thiệt hại thực tế và bất cứ ai chịu thiệt hại cũng có thể tiến hành các thủ tục yêu cầu đồi bồi thường.
- Quy định nghiêm ngặt trách nhiệm sản phẩm không cần chứng minh lỗi
Điều này giúp thanh lọc khỏi thị trường các nhà cung ứng sản phẩm kém chất lượng, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Quy định về trách nhiệm sản phẩm đồng thời tác động đến quá trình cạnh tranh nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm giữa các nhà sản xuất. Trong quá trình cạnh tranh đó, các nhà sản xuất các sản phẩm có khuyết tật hoặc kém chất lượng sẽ bị quy luật cạnh tranh loại bỏ khỏi thị trường. Các nhà sản xuất chân chính, biết quan tâm tới lợi ích người tiêu dùng sẽ đứng vững và phát triển.
- Bổ sung các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Cần bổ sung các quy định nhằm bảo vệ hơn nữa quyền lợi của người tiêu dùng, điều này giúp người dân chủ động hơn trong việc tố cáo, khởi kiện đơn vị sản xuất để được đền bù thỏa đáng, hơn nữa điều này buộc các nhà sản xuất kinh doanh phải e dè hơn trong các vụ kiện, không như trước đây rất nhiều vụ kiện đã xảy ra nhưng hầu như phần thắng thuộc về nhà sản xuất bởi chưa có chế định cụ thể quy định trách nhiệm của họ cũng như chưa có chế tài bảo vệ người tiêu dùng, chỉ là những quy định chung chung.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và người kinh doanh, sản xuất.
- Tăng cường vai trò của cơ quan chức năng cũng như việc hỗ trợ người tiêu dùng về thông tin.
6. Kết luận
Thực trạng áp dụng pháp luật về trách nhiệm sản phẩm ở Việt Nam hiện còn nhiều lỗ hổng, không đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng. Từ thực trạng trên, tác giả rút ra được những bất cập trong pháp luật về trách nhiệm khi so sánh với thực tiễn đất nước hiện tại. Không chỉ vậy, tác giả đã tìm hiểu pháp luật trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất của các nước trên thế giới, như: Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… Từ đó, tác giả đưa ra được những kinh nghiệm quý báu để đóng góp hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. Theo tác giả, việc nâng cao, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, răn đe các doanh nghiệp để buộc họ đưa ra những sản phẩm, hàng hóa chất lượng và an toàn hơn là một yêu cầu cấp thiết ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội.
2. Lê Hồng Hạnh (2010), Báo cáo tổng kết đề tài: Trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp - Công cụ pháp lý bảo vệ người tiêu dùng.
3. ThS. Trần Tuyết Minh (2014), Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng theo pháp luật Việt Nga, Luận văn thạc sĩ Luật học.
4. Chu Đức Nhuận (2011), Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luận án Tiến sĩ.
5. Ngô Thị Út Quyên (2012), Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật họcKhoa Luật - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội .
CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS TO IMPROVE
AND IMPROVE THE LEGAL REGULATIONS ON PRODUCT
LIABILITY OF MANUFACTURERS IN VIETNAM
● MA. NGUYEN TRUONG NGOC
Faculty of Economic Law, University of Economics and Law,
Vietnam National University, Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
Most countries in the world are already offering the product liability laws for manufacturers to protect the interests of consumers.In Vietnam, the provisions of the current law on product liability of manufacturers in the legislation, assess the advantages and disadvantages of the current regulations on product liability of the manufacturer. The article focuses on outline the situation and evaluates the practical application of the provisions of law.From there, make some recommendations and solutions contribute to improving the provisions of the law on product liability of manufacturers in our country.
Keywords: Manufacturer, responsibility, consumer, product quality.